THẮC MẮC BIẾT HỎI AI - BS TRẦN BỒNG SƠN
Thắc mắc biết hỏi ai (phần 42)
Chuyện khó biết
"Cháu 22 tuổi, mới lấy chồng, muốn được hướng dẫn mấy điều:
- Muốn biết một cách chính xác chồng mình chưa sinh hoạt tình dục với ai thì làm thế nào?
- Người con trai “sau vài lần” có một sợi dây chằng bị đứt và ứa ra một ít máu, như vậy có phải là còn nguyên không? Khi đứt và chảy máu như vậy, nếu cảm thấy đau nhói thì có bị ảnh hưởng gì không? Và phải làm gì? Có phải nếu không đứt như thế thì không có khả năng sinh con không?".
(T.N., Gò Vấp)
Trước hết, chẳng có cách nào để biết chắc chắn một người nào đó đã sinh hoạt tình dục hay chưa, kể cả đàn ông lẫn phụ nữ. Đây là lĩnh vực mà người ta rất ít khi nói thật, nếu chính họ khẳng định, hoặc “thề độc”cũng chưa hoàn toàn đáng tin cậy.
Tiếp theo, sợi dây chằng đó có mục đích đảm bảo độ căng và giúp “định hướng” đúng, bị đứt và chảy máu như vậy là điều đáng tiếc. Tuy nhiên, nếu không xảy ra “trục trặc nghiêm trọng” thì cũng nên cho qua. Chỉ khi nào nó cong, quẹo hoặc lệch lạc quá đáng, gây khó khăn trong sinh hoạt (rất hiếm gặp) thì mới phải can thiệp bằng phẫu thuật.
Cần nhấn mạnh là đứt hay không đứt, đều chẳng có ý nghĩa gì cả, vì có thể đến khi lên tới chức… ông nội hay ông ngoại, chuyện này mới xảy ra.
Con cái là chuyện phải hai vợ chồng mới làm ra được. Riêng ở đàn ông, yếu tố duy nhất quyết định khả năng có con là chất lượng tinh dịch. Tất cả mọi chi tiết khác đều không đáng kể; và do có thể bảo quản đông lạnh tinh trùng từ trước nên việc bản thân người đàn ông còn sống hay đã chết cũng không đáng kể. Thông thường, nếu sau 2 tháng mà bà xã chưa mang bầu thì nên tiến hành tìm hiểu tại sao lại như vậy. Trước hết, cần xét nghiệm tinh dịch của người đàn ông; hạt giống phải tốt đã, rồi mới tính đến chuyện gieo trồng.
"Tại sao lại khẳng định là không có cách nào biết được đàn ông, hoặc phụ nữ, đã sinh hoạt tình dục hay chưa, và có thật như vậy không?".
(H.T., Quận 5)
Vấn đề này có thể xem là điển hình về sự lồng ghép khập khiễng giữa văn hóa xã hội và tình dục. Việc đòi hỏi người của mình (vợ hoặc chồng, nhưng phổ biến nhất là vợ) phải còn “nguyên xi” là một yêu cầu mang nặng tính chất… văn xã. Hầu hết đàn ông phương Đông (kể cả Việt Nam, tất nhiên), nếu đủ khả năng, đều coi điều kiện nói trên như tiên quyết khi lập gia đình, cho dù là… tái giá.
Do đòi hỏi trên, tự ngàn xưa, nhân loại đã cất công đi tìm một dấu hiệu sinh học, có giá trị chắc chắn đảm bảo trinh tiết ở người phụ nữ. Chẳng hạn việc dùng thủ cung sa đã tạo ảnh hưởng lớn trong huyền thoại Á Đông suốt hàng mấy thế kỷ.
Người xưa nuôi Bích hổ (một loại thằn lằn) trong hộp sành, cho ăn chu sa (một vị thuốc Bắc màu đỏ). Khi nó lớn lên cỡ khoảng vài chục gam, toàn thân màu đỏ tía (gọi là thủ cung), người ta bắt ra, giã nát, phơi khô, tán thật nhuyễn thành bột. Chất bột đỏ này được gọi là thủ cung sa, dùng để chấm lên trên thân thể người con gái, thường là ở cánh tay, như một nốt ruồi son. Nếu quan hệ tình dục với đàn ông thì vết chấm đỏ sẽ lặn mất (!?).
Có thuyết cho rằng, thủ cung sa được Hán Võ Đế (khoảng 100 năm trước công nguyên) sử dụng để chấm trên tay các cung nữ, nhằm ngăn chặn các hành vi “không tốt”. Một giả thuyết khác lại cho rằng không phải chấm trên tay mà… ngay ở chỗ “cần phải chấm”; điều này có vẻ hợp lý hơn. Dù sao, chấm ở đâu thì cũng là chuyện huyền thoại và ảo tưởng. Nếu thật sự hiệu nghiệm thì tại sao không thấy nói đến việc ngăn chặn các cô gái chấm một vết khác?