THẮC MẮC BIẾT HỎI AI - BS TRẦN BỒNG SƠN
Thắc mắc biết hỏi ai (phần 47)
Lệch thì đã sao?
"Từ một năm nay, cháu có mặc cảm thua kém bạn bè chỉ vì cháu bị lệch bao qui đầu, nhưng một bên phải mà thôi. Cháu vẫn không hiểu tại sao lại bị như vậy nữa, cháu còn nhỏ, chưa làm gì mà. Không biết sau này có ảnh hưởng gì không, nhưng cháu chắc nó ảnh hưởng đến thẩm mỹ rồi. Bác sĩ có thể chỉ cho cháu đến nơi nào đó vá ép được không?".
(T.T.N., Tân Bình)
Trước hết, chuyện ảnh hưởng đến thẩm mỹ thật là… ngộ nghĩnh. Ở cả đàn ông lẫn đàn bà, đây là chỗ kín đáo nhất của cơ thể, cháu định cho ai “chiêm ngưỡng” mà phải cần thẩm mỹ?
Tiếp theo, bộ phận này của đàn ông được “ông Trời” tạo nên với hai mục đích: tiểu tiện và truyền giống, qua quan hệ tình dục. Hiện tại, chắc không có vấn đề gì về chuyện bài tiết nước tiểu. Còn việc kia thì chưa xảy ra, nên chưa thể biết được.
Cháu phải chờ sau khi lấy vợ một thời gian khoảng vài ba tháng, nếu có chuyện gì trục trặc xảy ra thì mới tính được. Mà thường thì chẳng có chuyện gì hết. Chứ còn bây giờ, cháu giống như xe gắn máy chưa chạy mà nghĩ đến việc chạy không được, đòi sửa, thì thợ nào cũng phải chào thua thôi.
Riêng về bao qui đầu, tự ngàn xưa, trong lịch sử nhân loại, mảnh da nhỏ này đã liên hệ rất “thiết thân” với phong tục, tập quán và nghi thức tôn giáo. Nó thường được cắt bỏ trong các buổi lễ rất long trọng, với quan niệm như là sự dâng hiến cho thần linh mạng sống của chính mình, tượng trưng bằng một mẩu nhỏ của “cái dụng cụ bảo tồn nòi giống”. Nhiều dân tộc châu Phi còn đeo mảnh da ở ngón tay như đeo nhẫn, và đã có giả thuyết cho rằng phong tục trao nhẫn cho vợ xuất phát từ đó.
Tuy nhiên, tất cả những chuyện nói trên đều thuộc phạm trù… văn hóa xã hội, chứ không phải y học hoặc sinh học. Hiện nay, tại châu Âu đang có phong trào “vá ép trở lại” (đây mới là vá ép thật sự) để cố gắng phục hồi cho những người “lỡ bị cắt” hồi còn nhỏ, vì một lý do nào đó, hợp lý hoặc không hợp lý.
Điều cần nhấn mạnh là không có bằng chứng nào cho thấy những người không cắt bao qui đầu có thể bị ung thư dương vật chỉ vì lý do đó mà thôi. Riêng các nhà nghiên cứu nữ thì “kính cẩn nghiêng mình” trước lòng nhân ái và sự hào hiệp quá sức của đàn ông: cắt bao qui đầu để cho bà xã tương lai không bị ung thư cổ tử cung (?!). Hai công trình nổi tiếng của Anh và Mỹ đã cho thấy đó chỉ là chuyện thần thoại.
Nếu không có lý do thì tại sao phải cắt? Hiện nay, rất nhiều giả thiết đã được đưa ra để giải thích chuyện “chẳng đáng có” này. Theo người viết thì giả thuyết “để cho công bằng” có thể coi như hợp lý nhất.
Từ khi con người xuất hiện trên hành tinh, ở phụ nữ, vấn đề màng trinh đã được lập tức ghi nhận. Muốn bước qua “ngưỡng cửa hội nhập” vào thế giới của đàn bà, người con gái phải “trả giá” bằng một tổn thương “gây đau đớn, có đổ máu” như là “thủ tục đầu tiên” (Cần nhắc lại lần nữa, màng trinh chứ không phải trinh tiết, quan niệm này chỉ xuất hiện rất lâu sau đó, khi nhân loại đã tập hợp thành cộng đồng xã hội, và hình thành ý thức “tư hữu” đối với bà xã). Vậy thì không lý do gì người đàn ông lại thoát khỏi “thủ tục đầu tiên” này, diễn ra rất long trọng, cũng kèm theo “đau đớn và có đổ máu” cho nó công bằng! Sau đó, họ “được quyền sử dụng thoải mái”.
Lẽ tất nhiên, đôi khi có thể phải can thiệp phẫu thuật như trường hợp bị co thắt (paraphimosis) chẳng hạn, nhưng chỉ can thiệp khi nó xảy ra. Cũng giống như viêm ruột thừa, một tình trạng khẩn cấp, thường gặp ở các khoa ngoại của bất cứ bệnh viện nào, nếu không can thiệp trong vòng 24 giờ thì tỷ lệ tử vong rất cao. Nhưng không ai đi mổ ruột thừa trước để phòng ngừa sự cố nếu có. Bao qui đầu cũng vậy!