Mật cá trắm không hề chữa được bệnh
Nghĩ là mình bị bệnh dạ dày, lại nghe bà con hàng xóm đồn uống mật cá trắm sẽ khỏi bệnh, nhân khi đánh được một con cá trắm cỏ ở ao nhà, Anh Nguyễn Văn Lại, 29 tuổi, ở Mê Linh, Vĩnh Phú, đã làm cá lấy mật uống. Sau đó mấy giờ, anh Lại thấy đau bụng, choáng váng, mệt mỏi và buồn nôn rồi rơi vào hôn mê sâu.
Người nhà hốt hoảng đưa anh vào Bệnh viện Mê Linh cấp cứu. Do bệnh quá nặng, anh đã được chuyển đến Khoa Chống độc Bệnh viện Bạch Mai. Chuyện xảy ra ngày 4/5. Đến hôm 15/5, anh Lại cho biết, bệnh viện đã làm xét nghiệm và không tìm thấy căn bệnh dạ dày như anh vẫn "tưởng".
Cũng trong khoảng thời gian này, ông Nguyễn Cường ở 58 Tôn Đức Thắng, Hà Nội, do nghe nói uống mật cá trắm khoẻ ra nên đã pha mật một chú cá trắm 5 kg vào rượu để uống. Chừng một giờ sau, ông thấy người nôn nao, choáng váng và đã đến ngay một phòng mạch tư nhân gần nhà. Sau đó ông đã được đưa vào Bệnh viện Bạch Mai.
Mật cá trắm không phải là thuốc
Theo GS-VS Trần Thuý, Viện trưởng Viện Y học dân tộc, mật cá trắm không hề được dùng làm thuốc chữa bất cứ bệnh gì. Trong các loại động vật hoang dã, chỉ có mật gấu là có tác dụng trị bệnh. Trước đây, Bệnh viện Y học dân tộc cũng đã thử nghiệm chữa bệnh bằng mật lợn, song không có kết quả và đã thôi không sử dụng loại mật này nữa.
Khoa Chống độc Bệnh viện Bạch Mai đã tiếp nhận tất cả 40 bệnh nhân bị ngộ độc do uống mật cá trắm. Những người này khi vào viện thường có biểu hiện buồn nôn, rối loạn tiêu hoá. Đặc biệt 3 bệnh nhân vào viện từ đợt 30/4 trở lại đây đều có biểu hiện phù toàn thân, vô niệu (không tiểu được). Xét nghiệm thấy lượng ure, creatinin máu cao. Các bệnh nhân này đều phải chạy thận nhân tạo, rất tốn kém. Cũng may là họ đã đến viện kịp thời.
Trong những trường hợp nặng hơn, ngộ độc mật cá trắm có thể dẫn đến suy gan, suy thận, thậm chí gây tử vong. Theo lời khuyên của các bác sĩ, những ai đã uống mật cá trắm mà "chưa" có biểu hiện ngộ độc ngay cũng nên đến bệnh viện để kiểm tra.
Tuổi Trẻ, 22/5