Dùng sừng trâu thay sừng tê giác trong điều trị
theo các nhà khoa học hiện nay sừng tê giác hay sừng trâu là những chất trơ, không có tác dụng chữa bệnh. Việc săn bắt, giết tê giác là vi phạm pháp luật.
Trong Đông y, sừng tê giác là một dược phẩm thông dụng và thiết yếu trong điều trị nhiều loại bệnh cấp tính và nguy kịch. Tuy nhiên, hiện tê giác đang đứng trên bờ vực tuyệt chủng nên hầu như không thể có vị thuốc này. Trong nhiều bài thuốc, có thể dùng sừng trâu thay thế.
Trước đây, trên thị trường, sừng tê giác được chia thành 2 loại:
sừng tê giác châu Á, thường gọi là “Xiêm La giác” và sừng tê giác có
nguồn gốc châu Phi, thường gọi là “Quảng giác”. Theo sách “Những cây
thuốc và vị thuốc Việt Nam”, xưa kia, nước ta có nhiều tê giác,
nhưng gần đây hầu như không thấy.
Về tính năng, sừng tê giác
là vị thuốc có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, lương huyết và chỉ
huyết mạnh, thường dùng chữa các bệnh ôn nhiệt sốt cao, hôn mê nói
nhảm, co giật và các chứng xuất huyết do huyết nhiệt. Trên lâm sàng,
sừng tê giác có thể sử dụng phối hợp với nhiều vị thuốc khác, là
thành phần không thể thiếu trong hàng loạt danh phương cổ như “Tê
giác địa hoàng thang”, “Thanh doanh thang”, “Thần tê đan”, “An cung
ngưu hoàng hoàn”, “Tử tuyết đan”, “Chí bảo đan”...
Hiện nay,
tê giác là loài động vật quý hiếm đang có nguy cơ tuyệt chủng, đã
được đưa vào sách đỏ và cấm săn bắt. Việc sử dụng sừng tê giác làm
thuốc vì thế cũng đã trở thành quá khứ. Có thể dùng sừng trâu thay
thế.
Sừng trâu (thủy ngưu giác) là dược liệu dễ kiếm, hầu
như có sẵn ở khắp các vùng nông thôn. Nó đã được sử dụng làm thuốc
từ hàng nghìn năm nay. Sách “Danh y biệt lục” viết: Sừng trâu có thể
dùng chữa chứng đau đầu do thời khí nóng lạnh thất thường. Còn theo
sách “Đại Minh bản thảo”, sừng trâu sắc lấy nước uống có thể trị
chứng phong do nhiệt độc và sốt cao (trị nhiệt độc phong cập tráng
nhiệt).
Y học hiện đại cũng đã có nhiều công trình nghiên
cứu về tác dụng chữa bệnh của sừng trâu. Theo kết quả nghiên cứu
tiến hành tại hàng loạt cơ sở ở Thượng Hải, Bắc Kinh và một số thành
phố khác của Trung Quốc, trong sừng tê giác và sừng trâu đều chứa 17
loại acid amin. Kết quả phân tích bán vi lượng trên máy quang phổ
cho thấy, thành phần các chất hữu cơ
và vô cơ trong sừng tê giác và sừng trâu cơ bản tương đồng.
Qua kết quả nghiên cứu lâm sàng tiến hành trên 3.270 bệnh nhân tại
50 đơn vị nghiên cứu ở Bắc Kinh, Thượng Hải, Thiên Tân và Quảng
Đông, các nhà khoa học khẳng định việc sử dụng sừng trâu và sừng tê
giác cho kết quả điều trị cơ bản như nhau đối với 30 loại bệnh: viêm
não B, trẻ nhỏ sốt nóng trong mùa hè, ban xuất huyết do giảm tiểu
cầu, thần kinh phân liệt... Như vậy, có thể sử dụng sừng trâu thay
thế cho sừng tê giác.
Theo kết quả ứng dụng lâm sàng, sừng
trâu hầu như không gây các tác dụng phụ, chỉ một số ít trường hợp
xuất hiện lợm giọng, buồn nôn, trướng bụng, đau bụng và một số biểu
hiện khác về đường tiêu hóa.
Theo sách “Hiện đại thực dụng
Trung Dược học” do Quách Lan Trung chủ biên, sừng trâu có những tác
dụng dược lý sau:
- Làm mạnh tim
(tăng cường sức co bóp của cơ tim), hạ huyết áp và làm giảm nhịp
tim.
- Giảm số lượng bạch cầu, tăng lượng tiểu, cầu rút ngắn
thời gian đông máu, giảm tính thông thấu của mao mạch.
- Ức
chế mạnh đối với trực khuẩn cô-li (colibacillus), liên cầu khuẩn tan
máu gây viêm não beta (Beta hemolytic streptococcus), bảo vệ cơ thể
và chống viêm rõ ràng.
- Giảm cường độ co giật và tỷ lệ tử
vong ở động vật thí nghiệm đã được tạo cơn co giật.
- Giảm
tổng lượng cholesterol trong huyết thanh, đồng thời làm tăng lượng
cholesterol tốt.
Trong các sách về Đông dược hiện đại, sừng
trâu được xếp vào loại thuốc thanh nhiệt lương huyết, cùng với sinh
địa hoàng, huyền sâm, mẫu đơn bì, tử thảo... Theo Đông y, sừng trâu
vị đắng, tính hàn, có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, lương huyết;
dùng chữa ôn bệnh sốt cao, hôn mê nói nhảm, kinh phong điên cuồng
(thường phối hợp với sinh địa, huyền sâm, kim ngân hoa, liên kiều),
chữa các chứng xuất huyết như thổ huyết, nục huyết (đổ máu cam), ban
xuất huyết do huyết nhiệt (thường phối hợp với đan bì, xích thược,
sinh địa).
Sừng trâu cứng, nhưng sau khi hấp khoảng 1 giờ sẽ
mềm ra và có thể dễ dàng thái thành lát nhỏ (thuốc phiến); có thể
chế thành dạng viên, xi-rô thuốc... Để dử dụng sừng trâu dạng thuốc
phiến thay thế tê giác trong các phương thuốc cổ như “An cung ngưu
hoàng hoàn”, “Tử tuyết đan”..., cần dùng liều lượng lớn gấp 10 lần
sừng tê giác. Khi sử dụng trong thuốc thang, cần sắc sừng trâu trước
khoảng 3 giờ, sau đó mới cho các vị thuốc còn lại vào sắc tiếp. Liều
dùng: 15-30 g sắc nước, tán bột hoặc mài lấy nước uống. Người tỳ vị
hư hàn cần thận trọng khi sử dụng.
Một số ứng dụng cụ thể:
- Chữa các chứng xuất huyết nghiêm trọng: Thời còn làm việc
ở nông thôn, bác sĩ Vương Thu Đào, người Giang Tây, đã cho bệnh nhân
mài sừng trâu uống để chữa trị các chứng sốt cao hôn mê do “nhiệt
nhập doanh huyết” và các chứng ho ra máu, đổ máu mũi, đại tiện ra
máu, băng lậu... đạt kết quả rất tốt. Đặc biệt có trường hợp một nam
bệnh nhân 60 tuổi bị lao phổi, liên tục nhiều ngày ho ra rất nhiều
máu, đã sử dụng đủ các biện pháp Tây và Đông y đều không kết quả,
chỉ còn chờ chết. Bác sĩ Đào bảo người nhà dùng một cái bát nhám,
mài sừng trâu với chút nước cho uống nhiều lần trong ngày. Suốt 2
ngày liền, sừng trâu đã mòn khoảng 2 đốt ngón tay, hễ có ai đến thăm
lại bảo mài sừng trâu cho bệnh nhân uống. Bệnh nhân uống vào cảm
thấy ngực mát mẻ dễ chịu lạ thường, nên cứ đòi người nhà cho uống
mãi. Máu ngừng chảy dần và cuối cùng bệnh nhân hồi phục lại. Sau khi
hết ho ra máu, bệnh nhân cảm thấy nước sừng trâu tanh không thể chịu
nổi; mới ngừng cho uống (“Gia đình Trung y dược” 1/1998).
-
Chữa viêm gan virus: Dùng bột sừng trâu 50 g, sài hồ, phục
linh, hoàng kỳ, đan sâm, cam thảo mỗi thứ 15 g; tán bột, làm thành
viên 0,5 g. Ngày uống 3 lần, mỗi lần 10 viên, liệu trình 30 ngày.
Thử nghiệm với 98 ca cho kết quả: 50 ca khỏi bệnh trong thời gian
ngắn, 21 ca hiệu quả rõ ràng, 13 ca có tác dụng nhất định, 14 ca vô
hiệu. (Liêu Ninh Trung y tạp chí 1986).
- Chữa
ban xuất huyết do dị ứng: Sừng trâu 40-100 g, sinh địa hoàng
10-30 g, xích thược 10-20 g, đan bì 10-20 g. Sắc nước uống mỗi ngày
1 thang, trường hợp bệnh nặng ngày 2 thang. Đã thử nghiệm điều trị
54 ca ban xuất huyết do dị ứng: 33 ca kết quả rõ ràng, 17 ca có tác
dụng, 4 ca không có tác dụng (Hồ Bắc Trung y tạp chí 1987).
- Chữa ban xuất huyết do giảm tiểu cầu: Sừng trâu 50 g, đậu
phụ 500 g. Sừng trâu cưa nhỏ hoặc đập vụn, cho vào nồi đất, thêm
nước, đun to lửa cho sôi, sau đó đun nhỏ lửa nửa giờ, cho đậu phụ
vào nấu tiếp khoảng 15 phút nữa là được, thêm mắm muối cho hợp khẩu
vị, ăn đậu phụ và uống nước canh. Tác dụng: Lương huyết chỉ huyết;
dùng chữa trẻ nhỏ ban xuất huyết do giảm tiểu cầu với những biểu
hiện thuộc chứng huyết nhiệt (Gia đình Trung y dược
9/2002).
Lương y Huyên Thảo, Sức Khoẻ & Đời Sống