SỪNG TRÂU VÀ SỪNG TÊ GIÁC
BÀI NÀY CHỈ MANG TÍNH THAM KHẢO
theo các nhà khoa học hiện nay sừng tê giác hay sừng trâu là những chất trơ, không có tác dụng chữa bệnh. Việc săn bắt, giết tê giác là vi phạm pháp luật.
GS. TS ĐỖ TẤT LỢI
Sừng tê giác (Cornu Rhinoceri) là một vị thuốc quý và đắt hiếm trong y học phương Đông. Theo những tài liệu cũ còn để lại cho đến ngày nay thì sừng tê giác là một vị thuốc có vị đắng, chua và mặn, tính hàn, vào 3 kinh tâm, can và vị. Tác dụng của nó là thanh huyết nhiệt (làm mát huyết), giải ôn độc và định kinh, thường dùng trong các trường hợp sốt quá hóa điên cuồng, sốt vàng da, thổ huyết, máu cam, đầu nhức, ung độc, hậu bối. Có nhà nghiên cứu thấy tê giác làm tăng nhu động ruột non, tăng hồng cầu và giảm bạch huyết cầu.
Sừng tê giác vốn được khai thác ở nhiều loài tê giác như tê giác Việt Nam, tê giác ấn Độ (Rhinoceros unicornis), tê giác Indonesia, tê giác châu Phi hay Quảng giác (Cornu Rhinoceri africani) tê giác châu Á hay tê ngưu giác (Cornu Rhinoceri asiatici)... Sách lịch sử Việt Nam còn thấy ghi nhiều triều đại vua Việt Nam còn phải nộp cống sừng tê giác của Việt Nam sang vua Trung Quốc; điều đó chứng tỏ kinh nghiệm dùng sừng tê giác làm thuốc ở Trung Quốc cũng đều dựa theo kinh nghiệm dân gian của nhiều nước nhiệt đới Á, Phi. Sừng tê giác sử dụng ở đâu cũng đều được đưa từ các nước có rừng nhiệt đới về và muốn có sừng tê giác dứt khoát cũng phải mua từ những nước có rừng nhiệt đới ở các nước Á, Phi.
Nhưng nhu cầu ngày càng tăng, giá sừng tê giác thật ngày càng cao nên mới xuất hiện sừng tê giác giả. Riêng tại TPHCM, chúng tôi đã có dịp phát hiện 100% sừng giả trong số sừng đem đến nhờ phân biệt thật giả.
Cách đây 10 năm, giới lương y Trung Quốc đã phải chấp nhận sử dụng sừng trâu (Cornu Bubali) thay cho sừng tê giác và sách dược liệu nguồn gốc động vật Trung Quốc sau mục sừng tê giác thật đã ghi: "Các lương y tỉnh Quảng Đông đã dùng sừng trâu - Cornu Bubali - tức là sừng của con trâu hay con thủy ngưu - Bubalis bubalis L. để thay sừng tê giác". Và theo các vị lương y tỉnh Quảng Đông đã dùng sừng trâu xác nhận dùng sừng trâu thay thế cho sừng tê giác cũng thu được kết quả tốt. Và dược điển Trung Quốc năm 1990 đã bỏ vị sừng tê giác mà chỉ còn vị sừng trâu hay sừng thủy ngưu.
Vậy xin giới thiệu thông tin mới này, tuy chậm 10 năm, để các vị lương y Việt Nam dùng và đánh giá thử sừng con trâu Việt Nam thay thế sừng tê giác.
Dược điển Trung Quốc 1990 có ảnh con trâu và sừng trâu.