NGHIÊN CỨU "CỨT CON QUY" MỘT VỊ THUỐC BỔ CHO TRẺ EM TRONG Y HỌC CỒ TRUYỀN CỦA NƯỚC TA
GS.TS ĐỖ TẤT LỢI
Trong những vị thuốc dùng làm thuốc bổ cho trẻ em, chữa suy dinh dưỡng, ăn uống không tiêu... trong dân gian thường nhắc đến một vị thuốc thoạt nghe chẳng vệ sinh chút nào: đó là cứt con quy. Để ý tìm những tài liệu cổ cũng như kim, cho đến nay tôi chưa thấy ai nói tới, hay đọc được. Muốn tìm đọc tài liệu cổ, phải nhờ các cụ lang thâm nho, cho biết tên con quy trong các sách cổ. Nhưng cho đến nay, chưa có ai giới thiệu con quy có tên gì trong các tài liệu cổ. Vậy thì xuất phát từ đâu, ông cha ta biết đến kinh nghiệm này? Nuôi và bắt con quy cụ thể đến hỏi các nhà động vật học, thật rất tình cờ, tôi mới được biết con quy chính là con mọt gạo hay mọt ngô, có tên khoa học là Anphitobius diaperinus Panzer thuộc họ Quy (Tnebrionidea) thuộc bộ cánh cứng (Coleopterae). Một loại côn trùng nhỏ, chỉ dài 2-3mm, rộng 1-2mm, cánh cứng, màu đen, sinh nở rất nhanh. Thường một đôi vợ chồng con quy sau 30-35 ngày sinh ra từ 35-50 con quy nhỏ. Con quy hay gặp nhất tại những kho lương thực, nhất là kho ngũ cốc. Phải chăng vì vậy, những người nuôi con quy thường cho ăn bỏng ngô, để lấy phân. Muốn lấy phân con quy, người ta rây quy qua một loại rây nhỏ. Phân quy thu được, đem sao lửa cho khô và cho thơm rồi dùng nguyên phân quy hoặc trộn phân quy với một số vị thuốc khác như vị bạch chỉ, sử quân tử. Ngày dùng 2 đến 4g (nửa chỉ - đông can) hay một đông can (4g). Phải chăng trong chất thuốc mà ta vẫn gọi là phân quy, có những chất men tiêu hóa tiêu những chất tinh bột. Và chính vì bỏ qua tính chất thiếu vệ sinh, khi ta gọi cứt quy hay phân quy , năm 1978 các nhà khoa học Trân Thả, Phạm Nguyệt Hạnh ở trường Đại học Y khoa miền núi tỉnh Bắc Thái đã phân tích ba mẫu cứt quy đã thấy trong thứ thuốc mang tên cứt quy có những axit amin quý như lysin (trên 70mg%), acginin (trên 70mg%), histidin (trên 50mg%), leuxin và isoleuxin (trên 50mg%), valin (trên 50mg%), threonin (trên 40mg%), methionin (trên 30mg%), phenylalanin (trên 30mg%). (Trích trong "Công trình nghiên cứu khoa học y dược 1978 - Nhà xuất bản y học Bộ Y tế Hà Nội 1/79 tr. 189).
Như vậy, cho đến khi ta tìm được một tài liệu nước ngoài có nói đến kinh nghiệm sử dụng, chế biến cứt con quy, chúng ta có thể coi như đây là một kinh nghiệm của ông cha chúng ta đã được khoa học xác minh, mọi gia đình đều có thể tự chế được.
Sau đây, tôi cũng xin kể một kinh nghiệm dùng phân con quy trong nhân dân: dùng chữa trẻ em gầy còm, ăn uống kém, không tiêu: cứt quy 10g, bạch chỉ 2g, sử quân tử 2g. Bạch chỉ và sử quân tử thái mỏng, sao vàng cho thơm, thêm cứt quy vào, cùng sao cho thơm, tán nhỏ. Trộn đều. Ngày dùng 2-3g bột này. Chia làm 2-3 lần uống.