NÓI TIẾP VỀ SỪNG TRÂU
BS. QUAN ĐÔNG HOA
Trong BNS Sức Khỏe & Đời Sống số 62 tháng 3/1999, GS. TS Đỗ Tất Lợi có bài viết về sừng trâu và sừng tê giác, giới thiệu thông tin dùng sừng trâu thay sừng tê giác của Trung Quốc để các vị lương Việt Nam dùng thử và đánh giá.
Đó là vấn đề rất cần thiết hiện nay vì đã từ lâu sừng tê giác dùng để chữa các chứng ban chẩn ôn nhiệt và hôn mê mà ngày nay sừng tê giác là vị thuốc chủ yếu để chữa các bệnh sốt xuất huyết các hội chứng viêm não cấp, nhưng vì sừng tê giác quá hiếm và rất đắt nên không thể dùng được.
Vấn đề dùng sừng trâu trong điều trị không phải là vấn đề mới. Trong sách Danh y biệt lục của Đào Hoằng Cảnh soạn năm 510 đã có nói về sừng trâu. Tại Việt Nam sách Nam dược thần hiệu của cụ Tuệ Tĩnh và bộ sách Hải Thượng Lãn Ông tôn tâm lĩnh của cụ Lê Hữu Trác đã đề cập tới tác dụng của sừng trâu. Ngay trong cuốn Thuốc Nam châm cứu phần dược in năm 1968 của các lương y Phó Đức Thành, Văn Đức Đôn và các dược sĩ Đỗ Nhượng, Trần Quang Huy đã đề cập tới sừng trâu: tính chất, công năng, chủ trị và cách dùng, nhưng ít được chú ý tới.
Còn tại Trung Quốc sử dụng sừng trâu ra sao? Mặc dù sừng trâu đã đề cập tới từ lâu, nhưng cũng chưa được chú ý sử dụng. Bộ giáo trình Y học dân tộc (Trung y) dùng cho cả nước in năm 1964 chưa đề cập tới sừng trâu. Rồi đến bộ giáo trình Y học dân tộc in năm 1974 cũng chưa đề cập tới dùng sừng trâu. Cụ thể trong giáo trình Nội khoa học 1974 trong chứng bệnh thổ huyết dùng bài tê giác đại hoàng thang thì vẫn dùng tê giác trong đơn thuốc này (có thể tham khảo bản dịch của lương y Nguyễn Thiện Quyến trong quyển Đông y Nội khoa và bệnh án in năm 1994 nhà xuất bản Mũi Cà Mau trang 315).
Tới bộ giáo trình Y học Trung Quốc hiện nay in năm 1994 thì sừng trâu mới được đưa vào sử dụng. Trong giáo trình Phương Tễ học bản in năm 1997 nhà xuất bản Trung Quốc Trung y dược trang 38 trong bài Thanh dinh thang có vị tê giác nêu có thể dùng sừng trâu thay.
Như vậy cho tới hiện nay tại Trung Quốc đã sử dụng sừng trâu thay cho sừng tê giác.
Trong sách Trung hoa lâm sàng Trung dược học in năm 1998 nhà xuất bản Nhân dân vệ sinh có đưa sừng trâu (thủy ngưu giác) vào nhóm thuốc thanh nhiệt lương huyết.
Về tính năng: đắng, mặn lạnh, quy vào kinh tâm, can.
Công hiệu: thanh nhiệt, giải độc, lương huyết, tiêu ban.
Ứng dụng dùng chữa:
- Chứng hỏa nhiệt: như sốt cao, họng sưng đau.
- Chứng phát ban, thổ huyết, xuất huyết dưới da...
- Ngoài ra còn có tác dụng an thần để chữa chứng sốt cao hôn mê, có tác dụng trừ thấp thông lâm, chữa các chứng sỏi đường tiết niệu.
Dạng thuốc: có thể dùng trong các dạng thuốc thang sắc, thuốc bột, thuốc hoàn.
Liều dùng: từ 15-30 gam.
Trong thời gian gần đây tại Trung Quốc, 1 số nơi dùng sừng trâu thay cho sừng tê giác trong một số bài thuốc đã có kết quả như:
- Báo cáo điều trị 98 ca viêm gan B mãn tính: khỏi 50 ca, kết quả rõ rệt 21 ca, có kết quả 13, không kết quả 14 (Liêu ninh Trung y tạp chí số 8/1986).
- Điều trị ban xuất huyết giảm tiểu cầu: 30 ca, khỏi 5, kết quả rõ 5, chuyển biến tốt 11, không kết quả 9 (Tân Trung y tạp chí số 10/1974).
- Điều trị bệnh thấp khớp cấp và viêm đa khớp dạng thấp 28 ca, có kết quả 54,2% (Trung dược khoa nghiên giản báo số 1/1976).
- Điều trị viêm tắc mạch máu: 161 ca kết quả 82% (Triết giang Trung y tạp chí số 9/1986).
Như vậy sừng trâu có thể thay thế cho sừng tê giác trong nhóm thuốc thanh nhiệt lương huyết và chúng ta có 1 nguồn thuốc dồi dào này để điều trị các bệnh sốt xuất huyết, các viêm não cấp trong mùa hè sắp tới.