MẬT GẤU CÓ THỂ CHỮA ÐƯỢC UNG THƯ?
Tác giả : BS. PHÓ ÐỨC THUẦN
Từ xưa ở các nước phương Ðông mỗi khi bị va đập bầm tím, bị đả thương người ta đều nghĩ ngay đến mật gấu. Dùng mật gấu để uống hoặc xoa nhẹ sẽ có tác dụng rất tốt, giúp thương tích mau lành - Ðặc biệt là với những thương tích trên mặt làm mất thẩm mỹ hoặc đòn hiểm gây tổn thương bên trong cơ thể (cục máu đông di chuyển trong mạch).
CÔNG DỤNG CỦA MẬT GẤU THEO ÐÔNG Y
Ngoài công dụng phổ biến chữa chấn thương bầm tím, tụ huyết, ngay từ đời Ðường ở Trung Quốc, người ta đã đề cập đến nhiều công dụng khác nhau của mật gấu như:
Chữa một số bệnh về mắt: Nhặm mắt, đau mắt đỏ, mắt kéo màng mộng, chấn thương, trẻ sơ sinh không mở được mắt (viêm kết mạc và theo Ðông y là do thai nhiệt). Bệnh về thần kinh: Ðộng kinh, mất ngủ. Bệnh tiêu hóa: Ăn không tiêu, đầy bụng; Giun chui ống mật; Trĩ, vàng da, suy dinh dưỡng do giun sán; Ðau răng, lở miệng. Trẻ em chảy mũi; Lở tai, mũi; Viêm họng.
- Thấp khớp (nhiệt tý)
Các sách trên còn đề cập đến công dụng tổng quát làm mát tâm - can, thanh huyết nhiệt, sát trùng. Thực ra cũng có tác dụng chữa các bệnh kể trên vì can đởm có liên quan đến các tạng phủ đó.
Không được dùng mật gấu khi không có thực nhiệt và uất hỏa. Tránh dùng cùng các vị phòng kỷ và địa hoàng. Kỵ thai.
Mật gấu vị đắng, nhưng khác với các loại mật khác là trước đắng sau ngọt, tính mát lạnh (Khác tài liệu Dược liệu của Bộ Y tế ghi mật gấu tính ôn). Các sách cổ đều ghi không độc (Khác Tây y là có độc).
Công dụng của mật gấu phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố: Tùy vào từng loại gấu (gấu ngựa, gấu chó), giống, tuổi của gấu, mùa lấy mật (xuân, hạ, thu, đông), vùng địa lý, chế độ dinh dưỡng; Nuôi tự nhiên, bán tự nhiên hay trong chuồng, thời kỳ lấy mật, thời điểm trước sau bữa ăn của gấu, lấy ngày hay đêm, cách chế biến và bảo quản. Muối mật Tauro ursodeoxycholat (TUDC) là chất đặc trưng và là hoạt chất chính có tác dụng chữa bệnh đặc biệt của mật gấu. Người ta dựa vào yếu tố này để đánh giá chất lượng mật gấu và phân biệt thật giả. Mật gấu ngựa có hàm lượng TUDC cao nhất. Muối mật là chất độc đối với hệ thống thần kinh - cơ tim mạch, thể hiện nhiều ở đường tiêm hơn đường uống. Theo Tây y, các loại mật đều có độc và không có cách dùng bôi ngoài.
CÔNG DỤNG CỦA MẬT GẤU THEO TÂY Y
1. Bảo vệ gan, lợi mật, viêm xơ gan, tan sỏi mật cholesterol.
2. Chống xơ cứng động mạch, chống mỡ bọc gan, hạ cholesterol trong máu.
3. Giảm nồng độ cao triglycerid trong máu.
4. Hạ đường huyết, chống mệt mỏi.
5. Giảm co thắt cơ trơn phủ tạng, giảm đau, tiêu viêm.
6. Tăng cường hấp thu vitamin nhóm B (ngoài công dụng tăng cường hấp thu vitamin tan trong dầu).
7. Hồi phục sức khỏe sau sinh, chữa rối loạn kinh nguyệt, khắc phục cảm giác khó chịu khi uống thuốc tránh thai. Cấm chỉ định: Phụ nữ có thai (gây sẩy thai bởi tác dụng hành huyết, hoạt huyết), tắc mật hoàn toàn (gây ứ mật, tràn mật), suy gan, tụy nặng...
MẬT GẤU CÓ CHỮA ÐƯỢC UNG THƯ?
Hiện Ðông và Tây y còn đang tranh luận về tác dụng của mật gấu đối với bệnh phong thấp và ung thư.
Mật gấu được dùng chữa phong thấp, với nguyên lý "Trị phong tiên trị huyết; Huyết hành phong tự diệt", nhưng vì có tính hàn và tả nên chỉ thích hợp với thực nhiệt có sưng, nóng, đỏ, đau và không nên dùng nếu là hư hàn thấp.
Ðối với ung thư (cancer), Ðông y gọi là nham (còn ung thư theo Ðông y là mụn nhọt, bệnh ngoài da), vì thế không nên nhầm lẫn. Hiện chưa có tài liệu nào đáng tin cậy và có đủ cơ sở khoa học để chứng minh dùng riêng mật gấu có thể chữa được ung thư. Do đó khi tham khảo các tài liệu, tờ rơi, quảng cáo cần hết sức cẩn trọng vì Ðông y chưa bao giờ nói mật gấu chữa được ung thư (nham).
Tuy nhiên trong một số trường hợp điều trị ung thư bằng các phương pháp truyền thống (hóa chất, xạ trị, phẫu thuật), người ta nhận thấy nếu có phối hợp với Ðông y và mật gấu thì đạt được kết quả tốt hơn. Ở đây có lẽ mật gấu đã đóng vai trò hỗ trợ tăng cường sức miễn dịch của cơ thể, giúp các phương pháp điều trị nói trên phát huy tác dụng tốt hơn. Chính vì vậy đã có nhiều công trình nghiên cứu về vấn đề này và cho kết quả ban đầu như sau:
- Nếu ta chỉ bổ sung mật gấu vào môi trường nuôi cấy tế bào ung thư thì mật gấu không làm thay đổi sự phát triển tế bào ung thư.
- Nhưng nếu bổ sung mật gấu vào cùng thuốc chữa ung thư thì ngay ở liều thấp hơn, mật gấu cũng đã tăng rõ rệt khả năng diệt và ức chế tế bào ung thư của thuốc.
Gil Jia Jhon và một số tác giả cho rằng mật gấu làm tăng khả năng xâm nhập của thuốc vào trong tế bào ung thư, nên đã làm tăng khả năng diệt tế bào ung thư.
- Nếu bổ sung mật gấu vào môi trường nuôi cấy tế bào miễn dịch (tế bào lim-phô T và B dòng chuẩn), thì ngay ở nồng độ thấp đã làm trẻ hóa và kích thích tế bào miễn dịch sinh sản. Nghĩa là mật gấu đã giúp tăng cường hệ miễn dịch ở cả hai mặt chất và lượng.
- Chất LH1 (là chất kích thích miễn dịch tổng hợp, thường dùng phối hợp với phương pháp truyền thống) và chất TUDC (muối mật Tauro ursodeoxycholat trong mật gấu) đều có bản chất Steroid và có tác dụng kích thích miễn dịch.
Vấn đề đáng băn khoăn và lo lắng hiện nay đối với mật gấu là về mặt chất lượng, cách chế biến và dạng dùng để đem lại hiệu quả mong muốn.
Chẳng hạn để xoa bóp ngoài, ta mới chỉ thấy hướng dẫn hòa mật gấu với rượu trắng nấu từ gạo hoặc nếp (5g mật gấu hòa với 100ml rượu 35 độ), chứ không thấy công thức nào có pha trộn thêm thuốc khác. Không rõ vấn đề tương tác giữa chúng với muối mật có xảy ra không? Hoặc chế phẩm Gấu Misa lưu hành trên thị trường có ghi: Lưu ý: Nếu thấy da bị đỏ hoặc bị kích thích đau nhức kéo dài hơn 10 ngày..., phải ngưng dùng thuốc và đi khám bác sĩ, thì chưa có tài liệu cổ nào nói đến...
Ðể phát huy hiệu quả chữa bệnh của mật gấu, nhất là trước phong trào nuôi gấu lấy mật đang có chiều hướng phát triển, các cơ quan hữu trách cần sớm có những chủ trương rõ ràng và biện pháp quản lý tích cực, nhằm mang lại lợi ích thật sự cho cả người cung cấp lẫn sử dụng.