Gà mái già - biệt dược bổ huyết, trừ phong
Tuy ăn không ngon như gà mái tơ nhưng gà mái già lại là thuốc quý trong phòng chữa bệnh (nhất là cho trẻ em và sản phụ) vì có nhiều đạm và khoáng, ít mỡ. Nó là một trong những thức ăn thích hợp cho những người cần bồi dưỡng nhưng không tiếp thu được chất bổ.
Gà mái già cũng là thức ăn - vị thuốc quý có tác dụng bổ huyết trừ
phong, dùng cho người tỳ vị lạnh, bị ố hàn (sợ lạnh, hơi lạnh đã tím
tái, tê nhức tay chân...).
Theo sách cổ, thịt gà mái già cũng
giúp phòng chữa các bệnh phụ khoa như rối loạn kinh nguyệt, bế kinh;
các chứng khí hư hạ hãm như sa phủ tạng (tử cung, dạ dày, lòi dom,
trĩ...), ngồi xuống đứng lên hoa mắt, chóng mặt.
Thịt gà mái
già tuy mát hơn gà trống, gà tơ nhưng vẫn ấm hơn một số thịt khác.
Vì thế, cần biết phối ngũ vị để điều chỉnh cho từng trường hợp. Với
các trường hợp hư hàn, cần thêm gừng tươi già, trường hợp có nhiệt
không cho gừng mà dùng ngọc trúc; nếu có phế hư nhiệt thì cho đông
trùng hạ thảo... Gà làm sạch không dùng đầu, chân, lòng, váng nước
béo (nổi lên trên, khi nấu sôi). Cách nấu là hầm nhừ bằng lửa nhỏ.
Có 2 cách dùng gà mái già. Một là chỉ dùng gà, uống nước là chính;
dùng cho sản phụ sau sinh độ 1 tuần liền. Cách thứ hai là phối hợp
với thuốc:
- Với gừng già tươi cho
sản phụ sau sinh.
- Với hoàng kỳ khoảng 15 g, có tác dụng
phòng chữa các bệnh phụ khoa, khí hư bạch đới, kinh nguyệt không
đều, huyết hư, huyết bế...
- Với hà thủ ô 15 g: Chữa suy
nhược, phòng chống sa tử cung.
- Với đông trùng hạ thảo khi
có các bệnh phổi.
Chú ý:
Các trường hợp nhiệt thịnh, sốt cao, táo kiết, vàng da, vàng mắt do
thấp nhiệt không được dùng thịt gà mái già.
(Theo Sức Khỏe & Đời Sống)