CẨM NANG CẤP CỨU


Chương 1

ĐẠI CƯƠNG VỀ CẤP CỨU THÔNG THƯỜNG.

Sơ cứu và cấp cứu là công việc đa dạng, có thể làm ở bất cứ thời gian nào, ngày hoặc đêm, hoặc ở bất cứ đâu, trong xưởng máy hay trên ruộng đồng, nhất là ở vùng xa vùng sâu nơi thưa người ở và thiếu cán bộ y tế.

Công tác cấp cứu đòi hỏi đức tính hy sinh, thương yêu đồng loại, lại phải có kiến thức và khả năng thực hành nhất định. Khẩn trương, biết xử lý tình huống, nắm vững thao tác kỹ thuật là ba tiêu chuẩn cần có.

Thời gian nạn nhân được sơ cứu cũng thay đổi. Nó phụ thuộc trước hết vào thông tin – hiện nay là vai trò của điện thoại viễn thông – vào sự sẵn có nhân viên và trang bị cứu trợ, vào phương tiện đi lại và mạng lưới y tế sẵn có trong cộng đồng. Người cán bộ cứu trợ càng nhiều hiểu biết và tài năng, càng giàu vốn sống, thì hiệu quả càng cao. Đó là vấn đề kỹ thuật cá nhân kết hợp với tổ chức cấp cứu, với nền tảng cơ sở vật chất của xã hội. Chúng ta không thiếu những ví dụ đáng tiếc, trong khi nếu được cấp cứu kịp thời, người bệnh sẽ sống và gia đình họ lại hạnh phúc trở lại. Cấp cứu không cho phép dành thời giờ thu lượm bệnh sử, khai thác tỉ mỉ, và lập nhiều bảng, chuẩn đoán phân biệt. Nói cách khác, người cứu trợ phải tinh thông nghiệp vụ. Nhưng trước khi đến được tay họ, là bàn tay của chúng ta, của mọi người bình thường với tất cả những gì có trong tay, đó là sơ cứu.

Vì vậy ta nên biết những gì nên làm, việc nào làm trước, việc nào làm sau, những gì không nên làm. Điều đó ảnh hưởng rất lớn đến tinh thần người bị nạn. Ngạn ngữ Mỹ có câu "Trước hết không làm điều gì có hại cho người bị nạn". Nhưng rất may đa số tai nạn bất ngờ và bệnh cần cấp cứu là trung bình và nhẹ. Chỉ cần có sự quan tâm đúng mức, tổ chức chu đáo, là có thể cứu sống nạn nhân. Việc này đòi hỏi một số kiến thức thông thường và khả năng phán đoán tình huống hợp lý. Số lượng tai nạn "thập tử nhất sinh" phải xử trí "gấp" chỉ có ít. Đó là những nạn nhân mà sự sống còn của họ đang bị đe doạ như: ngừng thở, ngừng tim, chảy máu ồ ạt. Họ phải được sơ cứu nhanh gọn, ngay tức khắc.

Công việc sơ cứu bao gồm: khai thông đường thở, phục hồi hô hấp tuần hoàn và cầm máu tạm thời. Sau đó phải tìm mọi cách đề phòng hoặc giảm thiểu choáng xảy ra. Choáng có thể xuất hiện ngay hay muộn sau đó nhiều giờ. Nếu có ý thức lưu tâm đến choáng, có biện pháp phòng chống choáng thì dù choáng có xảy ra cũng nhẹ. Sau đó là công việc mời cứu trợ y tế đến tăng cường hoặc chuyển nạn nhân đến bệnh viện.

Hai vấn đề khác cũng không kém phần quan trọng, cần được xử lí khẩn trương là: ngộ độc nặng và đột qụy do nóng. Ngộ độc là tai biến gặp ở bất cứ lứa tuổi nào, nhất là trẻ em. Đột qụy do nóng rất hay gặp ở xứ sở nhiệt đới như chúng ta, nhất là người làm việc ở ngoài trời, ngoài biển, hành quân đường dài.

Một loại cấp cứu có tính chất riêng biệt, đó là bị thương nặng ở đầu, gáy, tuỷ sống, hoặc một số tai biến hay gặp ở người nhiều tuổi. Nạn nhân phải được bất động, chuyển bằng xe cứu thương có hộ tống đến bệnh viện. Có một số tổn thương cần có điều kiện và phương tiện hiện đại, cần cán bộ chuyên khoa, không qua trung gian khác. Trên đường vận chuyển, nếu nạn nhân trở nên trầm trọng, đau nguy kịch hoặc có diễn biến bất thường, phải mời thầy thuốc.

Cuối cùng là một số bệnh nhân nhiễm khuẩn, các thương tổn nhỏ, nhẹ, các rối loạn tâm sinh lí bất thường, có thể xử trí tại nhà hoặc tại nơi đóng quân, cắm trại hoặc sơ cứu thích hợp trong điều kiện thiếu cán bộ cao hơn.

Tính chất pháp lí trong cấp cứu

Tuy bản chất công tác sơ cấp cứu là mang tính nhân đạo tự nguyện, nhưng nó vẫn có những ràng buộc nhất định về pháp lí vì "con người là vốn quý", nhằm mang lại hạnh phúc cho con người.

Ở Việt Nam, Bộ Y tế đã ban hành "Quy tắc chuyên môn kỹ thuật hồi sức cấp cứu". Bên cạnh kỹ thuật còn có chế độ trách nhiệm cá nhân và tinh thần thương yêu cứu chữa người bệnh. Ngành Hồi sức cấp cứu được công nhận từ năm 1980 đã tổ chức huấn luyện nhiều khoá, rộng khắp trong cả nước, ở các cơ quan cũng như trong bệnh viện, ở thành phố cũng như ở vùng xa vùng sâu.

Ở Hoa Kỳ phần lớn các bang đều có "đạo luật nhân đạo làm phúc (good samaritan laws)", bảo đảm cho nạn nhân được cứu chữa kịp thời, cho những cứu trợ viên được miễn trách nhiệm khi chẳng may vi phạm sai sót. Tất nhiên là ta không được phép làm cho tình trạng hiện hữu phức tạp thêm, song một khi thô bạo hoặc thiếu trách nhiệm lớn có hại cho người bị nạn thì hoàn toàn phải chịu trách nhiệm.

Cung cấp kỹ thuật cấp cứu với hết lòng thương yêu trong phạm vi giới hạn của mình, sau đó tìm cách để có sự viện trợ của tuyến sau, là sự bảo vệ chắc chắn nhất cho mình. Thương yêu nạn nhân nhưng phải có kỹ thuật mới đem lại hiệu quả. Đó cũng là nội dung của chương trình đào tạo thường xuyên trong hệ thống y tế và hệ thống Chữ thập đỏ. Ở Hoa Kỳ, việc này do Hội chữ thập đỏ phối hợp với Hiệp hội tim học đảm nhiệm trong từng bang.

Ngoài ra, mỗi người công dân đều phải biết những điều có liên quan đến cấp cứu, chẳng hạn chính sách an sinh xã hội, chi phí về cấp cứu và chuyển thương nhất là khi phải chuyển bằng xe hay máy bay để bảo đảm an toàn, chính sách chế độ bảo hiểm y tế của công ty mình làm việc, về tổ chức mạng lưới các trạm cấp cứu trong vùng mình ở hay nơi định đến.


.Lời nói đầu
Chuong 01 - Đai cương về cấp cứu thông thường
Chuong 02 - Phương pháp xử trí cấp cứu
Chương 03 - Choáng
Chương 04 - Cấp cứu hô hấp và tuần hoàn
Chương 05 - Vết thương và các thương tổn liên quan
Chương 06 - Băng trong và băng ngoài vết thương
Chương 07 - Căng gân, bong gân, trật khớp, gãy xương
Chương 08 - Các độc chất và thuốc
Chương 09 - Các vết thương do cắn và đốt
Chương 10 - Bỏng
Chương 11 - Những bất thường về nóng, lạnh
Chương 12 - Một số cấp cứu đặc biệt
Chương 13 - Sơ cứu trong thể dục thế thao
Chương 14 - Các mang vác nạn nhân
Chương 15 - Cấp cứu trong các trường hợp bị thiên tai
Phụ lục - Tủ thuốc gia đình


LIST SÁCH

Khảo sát tình dục học - BS Hồ Đắc Duy
Sách 230 bệnh tật trẻ em
Sách 365 lời khuyên sức khoẻ
Sách Bác sĩ vui tính trả lời
Sách commic - 50 cau hoi HIV - AIDS
Sách Cấp Cứu
Sách Dinh dưỡng và an toàn thực phẩm
Sách Giải phẫu thẩm mỹ
Sách Giấc ngủ trẻ em
Sách Giới tính tuổi hoa
Sách Sức khoẻ phụ nữ
Sách Trò chuyện về tình yêu, giới tính, sức khỏe
Sách Tăng huyết áp - Đào Duy An
Thắc mắc biết hỏi ai


LINK THAM KHẢO