CẨM NANG CẤP CỨU


Chương 8:

Các chất độc và thuốc

Ngộ độc

Cấp cứu ngộ độc là quan trọng. Chất độc vào cơ thể bằng nhiều đường: đường miệng, đường thở, qua da, đường máu qua tiêm chích hay cắn, đốt. Rất may trong mọi tai nạn ngộ độc thì 85% là do các chất có độc tố nhẹ gây ra. Ngộ độc nặng không xử trí kịp thời có thể chết.

Khi ngộ độc việc đầu tiên là cần phải xác định xem đó là chất gì , loại nào, đã uống bao nhiêu. Phải quan sát hoặc tìm các dấu tích xung quanh người bị nạn: túi thuốc, lọ thuốc, nhãn và đơn thuốc bác sĩ cho. Phải xem hoàn cảnh và thời điểm xuất hiện ngộ độc: trước hay sau bữa ăn, tiền sử bệnh tật, tình trạng tư tưởng của nạn nhân.

Cần xem tình trạng nạn nhân: nôn mửa, đau quằn quại hay hôn mê, màu sắc da: tái xanh hay vàng, nhịp thở nhanh hay chậm, tim đập đều hay loạn nhịp, đồng tử co hay giản….

Sau khi định hướng được thì xác định phương hướng và khả năng sơ cứu của mình. Dù cách nào, nội dung sơ cứu cũng xoay quanh các nguyên tắc sau: 1) đảm bảo cho các chức năng thiết yếu của cơ thể hoạt động, như: tuần hoàn, hô hấp, thần kinh; 2) loại bỏ chất độc ra khỏi cơ thể bằng cách rửa sạch, gây nôn, dùng các chất thấm hút (như than hoạt tính, tanin), các chất tăng cường đào thải (như nước muốihay đường, râu ngô) , cho đi ngoài (như magiê sunfat)….; 3) dùng các chất giải độc (antidotes) hay kháng độc (antagonistes) như: hyposufit Na cho ngộ độc nước Javel, atropin cho ngộ độc phospho hữu cơ….Rồi nhanh chóng chuyển nạn nhân đi cơ sở y tế gần nhất để dùng những biện pháp chuyên khoa tiếp theo.

Những điều cần làm khi xử lý ngộ độc

Nên ước lượng sốchất độc đã uống. Nếu là người lớn, uống thuốc dạng viên, ta có thể dể dàng tính ra liều lượng. Nếu là trẻ em dưới 2 tuổi thường cắn hay nuốt một ngụm, ti1nhtheo ngụm, nhưng bao giờ cũng giả sử chúng ăn nhiều hơn. Song không phải lúc nào cũng ước tính dễ dàng.

Quan tâm đến đường vào. Nếu đã uống qua đường miệng phải làm cho nôn ra. Nếu là chất gây bỏng môi, họng, mồm phải làm cho chúng loãng ra mà không gây nôn. Có thể gây nôn bằng sirô ipêca là phương pháp đơn giản, nhưng nếu nạn nhân mê thì không gây nôn bằng chất này. Điều quan trọng là phải khai thông đường thở

Nếu bị nhiễm các khí độc qua đường hô hấp (khí đốt, oxyd nito khí, khí clo) có thể ảnh hưởng đến trung tâm hô hấp. Phải nhanh chóng đưa nạn nhân ra khỏi nơi độc và làm hô hấp nhân tạo nếu có ngừng thở. Người cứu nạn nhân nhất thiết phải dùng mặt nạ có bình oxy kèm theo.

Ngộ độc qua đường tiêm, do bị châm đốt qua da hay bị cắn, đòi hỏi cách xử lý riêng. Hô hấp nhân tạo là cần thiết nếu có ảnh hưởng đến sự thở.

Một số thuốc như hoá chất trừ sâu, hay nhiễm độc qua đường da. Phải rửa sạch da trong 15 phút với nước thường hoặc nước xà phòng. Nếu vào mắt phải rửa sạch bằng nước đun sôi để nguội trong 10-15 phút. Rồi chuyển nạn nhân đến bệnh viện điều trị tiếp theo.

Phải đưa nạn nhân nhanh chóng đến cơ sở y tế gần nhất. Ở các nước tiên tiến, có trung tâm phòng chống độc, có thể tìm hiểu các thông tin về độc chất và xin yêu cầu viện trợ, hoặc nặng thì gởi nạn nhân đến đó. Ở nước ta, trong mỗi bệnh viện có trung tâm hôi sức cấp cứu, trung tâm này làm nhiệm vụ chóng độc luôn. Nhớ mang theo lọ thuốc, nhãn thuốc hay số thuốc dư thừa còn sót lại. Trong khi đi đường phải theo dõi tuần hoàn, hô hấp và tình trạng tri thức nạn nhân. Nếu nạn nhân tự nôn thì đặt đầu thấp và nghiêng sang một bên để tránh chất nôn không vào phổi.

Những điều không nên làm

Không máy móc trường hợp nào cũng cho nạn nhân uống dịch lỏng. Ngộ độc các chất ăn mòn (kiềm, axít) thì không cho uống nước hay dịch.

Ngộ độc kiềm hay axít, không gây nôn. Không gây nôn nếu độc chất thuộc dẫn chất của dầu nỏ, hay nạn nhân đang co giật.

Không trung hoà chất kiềm bằng dịch hoa quả, dấm hoặc nước, vì tạo phản ứng toả nhiệt làm bỏng đường tiêu hoá.

Không trung hoà axít bằng muối bicacbonat Na, bột phấn hoặc xà phòng và nước vì sẽ giải phóng C02 làm căng vỡ dạ dày.

Không dùng dung dịch muối, nhất là với trẻ nhỏ vì lập lại nhiều lần như vậy có thể gây nhiễm độc muối, ngập máu và chết.

Không dùng loại muối Epsom làm thuốc tẩy trong ngộ độc thức ăn, có thể gây tiêu chảy nặng và choáng.

Không dùng sữa làm loãng khi ngộ độc chất camphor, phenool, hay dầu hoả vì có thể làm cơ thể tăng hấp thu chất độc.

Các biện pháp phòng độc

Về tổ chức: trong hệ thống y tế quốc gia, cần có các trung tâm phòng chóng độc. Các trung tâm này sẽ cung cấp cho toàn dân và cơ quan y tế các thông tin về chất độc, về dụng cụ và thuốc men, về thuốc kháng độc và giải độc. Trung tâm có mạng lưới thông tin nhanh với các cơ quan nhà nước, với các gia đình người dân, và với các trung tâm cấp cứu bệnh viện.

Ở mỹ ngoài trung tâm phòng chóng độc liên bang, còn có tới 600 trung tâm thuộc các tiểu bang và thành phố lớn, có cơ quan y tế và dịch vụ người, thuộc bang kiểm tra thuốc – thực phẩm FDA, có phòng an toàn các chất, để luôn luôn cung cấp thông tin và hướng xử lý về ngộ độc.

Hộp thuốc chống độc

Ở các nước tiên tiến, Bộ y tế thường sản xuất các hộp thuốc chống độc bán cho nhân dân. Trong đó gồm một số chất thông thường, người dân có thể xử dụng một cách an toàn. Hộp chống độc của Mỹ thường chỉ gồm 2 thứ: siro ipeca, và than hoạt (h124-1), được dùng dưới sự hướng dẩn của thầy thuốc. Ipeca có hiệu lực gây nôn trong vòng 15 – 30 phút. Đó là phương pháp đơn giản, hiệu lực cao, có thể tháo ra được 30 – 50 % chất chứa trong dạ dày. Liều dùng: 1 thìa to uống với 1 – 2 cốc nước (cả trẻ em và người lớn). Nạn nhân dưới một tuổi cho 2 thìa con với 1\2 – 2 cốc nước. Đa số chỉ sau 15 – 20 phút sau là nôn hết. Song nếu không nôn thì 20 phút sau lại cho lần nữa rồi thôi. Sau 2 năm phải thay thuốc một lần.

Than hoạt có tác dụng ngăn chất độc thấm vào máu. Hoà 1 – 2 thìa to than hoạt trong 1 cốc 230 ml nước và cho uống ngay sau khi ngộ độc. Phương pháp này thường làm lhi không muốn gây nôn. Không than hoạt nếu nạn nhân có chỉ định gây nôn bằng sirô ipeca hoặc thuốc giải độc tương ứng. Nếu uống chất độc mạnh với số lượng nhiều thì nên dùng than hoạt để thấm hút sớm, nhất lại là trường hợp gây nôn chậm.

Biện pháp cụ thể trong gia đình

Chống ngộ độc trước hết là nâng cao ý thức phòng độc. Cần hướng dẫn và giáo dục các thành viên trong gia đình luôn chú ý phòng tránh tiếp xúc với chất độc.

Thuốc chữa bệnh phải để trong hộp, đặt xa tầm với của trẻ con, để nơi an toàn trong nhà. Các chất độc cần để trong bình nguyên thuỷ của nó, có nhãn đề rõ tên chất ngay trên chai, lọ đựng thuốc.

Không bao giờ được dùng thuốc quá hạn. Chỉ dùng đúng liều đã ghi trên nhãn hay trong đơn.

Các chất bốc khói chỉ dùng nơi thoáng khí.

Không trồng cây độc nơi có nhiều trẻ em lai vãn thường xuyên.

Đọc hướng dẫn sử dụng thuốc trước khi dùng. Nên phân biệt 3 mức độ: nguy hiểm (dangerous):là nếm thấy độc; cảnh báo (warning): độc khi chỉ dùng 1 thìa con đến 1\3 g; thận trọng (caution): độc khi dùng từ 1\3 g đến 1\2 lít chất đó.

Khi không dùng nữa, đổ toàn bộ chất độc xuống cống, rãnh hoặc vào toa lét, rửa sạch lọ trước khi vứt đi.

Không dùng lại chai lọ trước kia đựng chất độc.

Xử lý ngộ độc một số chất đặc biệt

Đi hàng đầu trong nguyên nhân gây ngộ độc là các loại thuốc ngũ và an thần. Khuynh hướng sử dụng nhóm benzodiazepin (seduxen) ngày một tăng. Ở nông thôn ngộ độc hoá chất trừ sâu là chủ yếu, trong đó nhóm photpho hữu cơ chiếm 89% (theo Vũ Đình Hải).

Ngộ độc một số chất hay gặp

1.        Thuốc ngũ (barbituric)

Thuốc barbituric thường chia 2 loại: nhóm tác dụng dài như phenobarbital, barbital. Tác dụng bắt đầu 30 – 45 phút sau khi uống và kéo dài 4 – 8 giờ. Uống 6 gam có thể chết. Nhóm tac dụng ngắn như amobartital, pentobartital. Tác dụng bắt đầu 15 – 30 phút sau khi uống và kéo dài 2 – 4 giờ.

Triệu chứng: nhiễm độc nhẹ, bệnh nhân không hôn mê sâu. Trông như ngủ say. Nhiễm độc nặng,có hôn mê, đồng tử co lại.

Xử trí: phải đưa bệnh nhân đi bệnh viện để rửa dạ dày ngay. Phải chú ý giữ cho hô hấp thông suốt. Nếu ngừng thở phải thổi ngạt.

2.        Benzodiazepin (seduxen)

Nhóm thuốc gồm nhiều chất chữa chứng lo âu, rối loạn giấc ngủ. Nhưng dùng nhiều và liều cao lâu ngày có thể trở nên nghiện nhất là ở người lớn tuổi.

Triệu chứng: ngủ say, nếu nặng thì hôn mê và suy hô hấp, trụy mạch, suy thận.

Xử trí: Rửa dạ dày. Dùng thuốc giải độc đặc hiệu của benzodiazepin là flumazenil, biệt dược Pháp là anexate đóng ống 10ml =1mg hoặc ống 5ml = 0,5mg.Tiêm tĩnh mạch chậm, tổng liều không quá 2mg. Đặc biệt lưu ý thông khí tốt phòng suy hô hấp.

3.        Hoá chất trừ sâu

Danh từ hóa chất trừ sâu hiện nay quá rộng, bao gồm 6 loại sau đây: nhóm phospho hữu cơ, nhóm clo hữu cơ, nhóm pyrethrin, nhóm trừ sâu kim loại, nhóm hóa chất hữu cơ ( oxyd ethylen, dibromometan, paradiclobenzen ), và nhóm hoá chất thão mộc.

Nhưng hay gặp là nhóm phospho hữu cơ, clo hữu cơ, và carbamat.

Nhóm phospho hữu cơ.Trong nông nghiệp, nhóm này có ưu điểm là phân giải nhanh trong đất nhưng rất độc. Các thuốc ta thường dùng là DDVP , chlorophos, metaphos, basudin, monitor và Bi 58.

Người ngộ độc có mùi hơi thở hoặc mùi chất nôn giống thuốc sâu, người bệnh có triệu chứng: tăng tiết dịch, co thắt phế quản, đồng tử co, nhịp tim chậm ( kiểu cường phó giao cảm của muscarin ) + co giật thớ cơ mi mắt, mặt, lưỡi, cổ, lưng ( kiểu thần kinh của nicotin )

Xử trí: tiêm ngay atropin nếu có, có thể tiêm được 20mg dưới da, chia làm nhiều lần, cách nhau 1 giờ 2 ống. Sau đó chuyển đi bệnh viện rửa dạ dày và điều trị chuyên khoa.

Nhóm clo hữu cơ . Ít hơn chất trên. Hiện nay nhóm clo hữu cơ vẫn được dùng như DDT, 666, Keltan, polyclocanifen.

Nếu theo đường khí: khi phun DDT người bệnh bị hắt hơi, ho dai dẳng, mệt mỏi, sau đó khó thở, nếu nặng có thể bị phù phổi cấp. Nếu theo đường tiêu hóa: buồn nôn, đi ngoài, đau hàm và họng, tê đầu chi, lên cơn giật rồi ngừng thở.

Xử trí. Phải nhanh chóng đưa nạn nhân ra khỏi vùng bị nhiễm độc, cởi áo quần. Để nạn nhân ở tư thế nằm, ủ ấm. Nếu ngộ độc theo đường tiêu hoá phải gây nôn. Nhanh chóng chuyển đi bệnh viện. Trường hợp dính nhiều hoá chất vào da phải cởi hết quần áo, rửa sạch sẽ toàn thân bằng xà phòng, ở mắt thì rửa bằng nước muối sinh lý hay thật nhiều nước sạch.

Nhóm carbamat. Các hợp chất carbamat hữu cơ hiện đang dùng ở nước ta là: Bassa, Furadan, Mipsin, Padan, thường dùng thay phospho hữu cơ vì quá độc. Triệu chứng nhiễm độc và cách xử trí tương tự như phospho hữu cơ.

4.        Các chất ăn mòn

Các chất kiềm: như xà phòng kem, xà phòng bột, xà phòng rửa bát, một số chất tẩy rửa vệ sinh, cống rãnh, lò bánh mì….mạnh nhất là các chất tẩy lỏng gây tổn thương nhiều nhất.

Thường làm bỏng sâu ở ống tiêu hóa. Tổn thương thực quản do bỏng kiềm chiếm 30 – 40 %. Nên nghĩ đến khi có nôn, chảy dãi hoặc thở rít. Hậu quả là hẹp thực quản, và có thể thủng dạ dày.

Điều trị: không nên gây nôn vì làm thương tổn nặng hơn, không dùng than hoạt, nhuận tràng, và rửa dạ dày. Rất cẩn thận khi dùng axit yếu trung hoà vì gây phản ứng tỏa nhiệt tổn thương tổ chức. Chỉ duy trì đường thở, có thể pha loãng chất độc bằng sữa hay nước. Có thể dùng kháng sinh nếu có nhiễm trùng.

Các chất axit: thường là các chất tẩy oxy, kim loại, chất axit oxalic.

Triệu chứng: đau miệng, chảy rãi, nuốt đau và đau bụng. Hay bị thủng dạ dày hơn hẹp thực quản.

Điều trị: duy trì đường thở,hổ trợ tuần hoàn. Có thể dùng nước làm loãng hoặc xúc miệng bằng nước lạnh. Chống chỉ định trung hoà bằng kiềm, gây nôn, rửa dạ dày, và dùng than hoạt.

Các chất chưng cất dầu mỏ: xăng, dầu hỏa, naphtalen, các dịch lỏng nhẹ. Các chất đánh bóng, thuốc tẩy vecni. Không nên xử lý mà gọi trung tâm cấp cứu hay phòng chống độc. Duy trì đường thở cho thông suốt.

5.        Một vài thức ăn uống

Cóc. Ở nước ta có nhiều vùng bắt cóc (Bufomelanostictus) để lấy nhựa hoặc thịt làm thuốc cam và thức ăn cho trẻ em suy dinh dưỡng. Nên chú ỳ rằng da, ruột, gan,phổi, trứng, đầu cóc điều rất độc. Chất gây độc là bufotoxin.

Triệu chứng: đau bụng, buồn nôn, tim đập chậm (40 – 50 l/phút) , vô niệu, nặng hơn thì khó thở và chết.

Xử trí: gây nôn bằng siro Ipeca, hoặc dung dịch phèn chua 4%. Cho uống nước cam thảo, nước luột đậu xanh và lòng trắng trứng để giải độc. Chuyển đi bệnh viện nếu nặng.

Cá nóc. Có nơi gọi là cá cóc. Có hơn 60 loại, trong đó 30 loại là có chất độc. Ở Việt Nam có 20 loại, cả nước ngọt và nước mặn. Chất độc là ciguatoxin. Khi bị cá cắn hay làm cá xây xát vào tay xước da sẽ bị nhiễm độc. Chất độc có nhiều ở gan, trứng, mật. Tỷ lệ người ăn cá nóc bị ngộ độc chết 60 % trong vòng 24 giờ.

Triệu chứng: sau khi ăn có cảm giác đau đầu, tê lưỡi, tê môi, tê các đầu ngón tay, cảm giác kiến bò, tiếp theo là co thắt cơ ngực, cơ bụng, khó thở, chân tay tê liệt, truỵ mạch rồi chết.

Xử trí: phải bằng nhiều cách gây nôn ngay. Cho uống 2 cái lòng trắng trứng hoặc dùng gạo rang cháy đen đốt thành than tán nhỏ cho uống 30g và đua ngay đến bệnh viện.

Mật cá trắm. Loại cá nước ngọt rất quen thuộc với chúng ta, nhưng mật của chúng rất độc. Chất độc là Cyprinol. Độc tố gây tổn thương viêm gan, viêm thận cấp, và chết vì suy thận.

Trệu chứng: rối loạn tiêu hoá (đau bụng, nôn mửa, tiêu chảy) và suy thận cấp (đái ít, vô niệu) suy gan cấp (da mắt vàng).

Xử trí: ngoáy họng cho nôn, uống nhiều nước cho chất độc loãng ra. Dùng than hoạt thấm hút. Magie sunfat: 30gr cho tẩy ruột. Nếu co điều kiện tiêm furosemit (Lasix) tĩnh mạch liều cao, có thể tiêm tới 10 ống mỗi ống 20mg để cứu suy thận. Sau đó, chuyển đi bệnh viện để chay thận nhân tạo sớm.

Sắn, măng. Sắn, măng là 2 thứ đồng bào vùng trung du, vùng cao, nhất là bộ đội, công an thường ăn,nhưng phải chú ý vì trong chúng có độc: axit cyanhydric (HCN) úc chế men cytochrom oxydaza.

Phân biệt sắn độc với sắn lành: sắn nhỏ, trong, dẻo độc hơn những củ to bở, nhiều bột; sắn càng đắng càng nhiều độc.

Loại sắn được coi là độc nếu chứa trên 7mg HCN trong 100g sắn. Chỉ tới 20mg là bị ngộ độc, 50mg có thể chết. Có vụ ngộ độc sắn đến 800 người.

Măng tươi cũng có chất độc HCN. Măng độc thường là măng mọc trái mùa và có vị đắng. Trước khi dùng phải thái nhỏ ngâm trong nước nhiều giờ để hoà tan chất độc.

Triệu chứng: là triệu chứng của ngộ độc HCN. Sau khi ăn thấy nhức đầu, nôn nao, chóng mặt, mặt nóng bừng, buồn nôn. Sau đó vật vã, đau bụng, nôn ói, rồi khó thở, mạch nhanh, co giật, bất tỉnh và chết.

Xử trí: tìm nhiều cách gây nôn. Cho uống nhiều nước đường, nước mật, nước mía hoặc bột đậu xanh sống để thấm hút và làm loãng chất độc. Sau đó chuyển nhanh đến bệnh viện để rửa dạ dày, dùng thuốc giải độc (xanh methylen, Na hyposulfit) sớm cho nạn nhân. Nếu ở trong phòng mới phun thuốc diệt chuột (thuốc này có chứa HCN) thì phải đưa ngay nạn nhân ra vì thuốc có thể ngấm qua đường hô hấp và đường da.

Rượu.ngộ độc rượu thường gặp. Gọi là rượu bao gồm những thức uống có cồn ethylic. Nhẹ như bia là 10 độ cồn ethylic, rượu nặng: 40 – 50 độ, đều chứa chất độc cao. Liều gây say: trong máu có từ 1 – 1,5g cồn/lit. Liều chết người: 4 – 6g cồn/lit máu. Rượu thấp độ như bia, uống nhiều cũng bị say có khi nguy hiểm đến tính mạng. Gan làm nhiệm vụ khử độc, biến rượu thành axetat, nước và C02 thải ra ngoài, một giờ chỉ khử được 7g cồn ethylic vào khoảng nửa chai bia 33 hoặc một ly rươu 40 độ. Uống quá nhiều, gan không khử độc kịp trong một thời gian ngắn, cơ thể bị nhiễm độc rượu cấp tính.

Triệu chứng: giai đoạn đầu là kích động: nói nhiều. Nồng độ cồn trong máu lúc này khoảng 50 – 150mg%. Giai đoạn 2: mất phối hợp (đi không vững) . nồng độ lúc này: 10 – 250mg%. Giai đoạn 3: hôn mê, nồng độ rượu máu khoảng 250mg%: mất phản xạ, đồng tử giãn, mạch nhanh, huyết áp hạ. Nếu nồng độ rượu máu 400 – 500 mg% thì chết.

Xử trí: gây nôn. Tẩy, thụt. Càng nôn nhiều càng tốt. Giải độc bằng đậu xanh sống 40g giã nát hoà với một ít nước lọc bỏ bã cho uống. Hoặc khoai lang sống giã nát hòa nước lọc bỏ bã lấy nước cho uống. Cho uống nhiều nước lợi tiểu như râu ngô, mã đề, rễ cỏ tranh. Nếu có ammoniac cho ngửi hoặc dùng khăn tẩm nước tiểu, nạn nhân ngửi sẽ tỉnh.

Nếu nặng phải đưa đến bệnh viện để rửa dạ dày.

6.       Ngộ độc oxid cacbon (CO)

Oxid cacbon là khí độc cho người do có ái tính với huyết sắc tố, biến oxyhemoglobin thành cacboxyhemoglobin, làm giảm oxy máu. Cơ quan bị ảnh hưởng nhiều nhất là não và tim.

Thường xảy ra ở gần lò nung có xả khí CO ra ngoài, khi đốt lò cháy không hết hoặc đun nước nóng trong buồn tắm, khi cháy nhà, ô tô xả khí thải. Đối với người đi du lịch thường do đốt lò để cháy liên tục trong một phòng kính để suốt đêm.

Triệu chứng: ban đầu mới thấm độc thì nhức đầu vùng trán – thái dương, chóng mặt, ù tai, nôn, lịm. Sau đó sẽ lịm dần liệt cơ, không tự mở cửa sổ hay chạy thoát ra ngoài được. Cuối cùng là hôn mê.

Xử trí: phải lập tức đưa nạn nhân ra khỏi vùng độc. Không hút thuốc lá, không thắp đèn, không hít sâu. Đặt bệnh nhân đầu thấp và hồi sinh tim phổi, đồng thời chuẩn bị chuyển nhanh về cơ sở cấp cứu.

Ngộ độc thuốc chữa bệnh

(hay dùng thuốc quá liều)

Không phải thuốc chỉ đơn thuần chữa bệnh, nó còn có mặt trái. Nhiều mặt trái của thuốc ta không biết ngay được, như Thalidomid sinh quái thai: 3 năm sau mới biết, pyramidon: 30 năm sau mới thấy gây giảm bạch cầu, và gần đây Glifanan gây dị ứng (1992). Trong khi ta chưa có Trung tâm cảnh giác thuốc ADR (Adverse Durg Reations) phục vụ ngay người hỏi, thì lời khuyên là phải hỏi thầy thuốc trước khi dùng, ngay cả đối với vitamin mà một số người vẫn cho là thuốc bổ.

Trong số đó, phải kể đến trẻ em. Trẻ em bị ngộ độc là do người lớn bất cẩn. Nên theo các nguyên tắc đề phòng sau:

v   Không dùng thuốc trong chai mà bênh ngoài không có nhãn.

v   Phải độc rõ nhãn trước khi dùng.

v   Không cho trẻ uống thuốc trong phòng tối.

v   Khi đong thuốc phải chú ý lắc chai đều.

v   Chỉ cho uống đúng với liều ghi trong đơn.

v   Uống xong cho tất cả vào tủ khoá lại, không để trong tầm với của trẻ.

v   Thuốc nào đựng chai nấy, không lẫn lộn. Không nói dối trẻ thuốc là kẹo, phải nói tên thuốc rõ.

v   Không để chất có tính độc vào chậu rửa, lavabo, cạnh tủ thuốc, trên bát đĩa. Không để chai thuốc xịt muỗi, mối cạnh chạn bát. Mọi chất độc phải gi chữ rõ ràng.

v   Loại bỏ thuốc quá hạn, thức ăn ôi thiu hay có mùi bất thường.

v   Nếu thấy có triệu chứng ngộ độc phải cho nôn ngay bằng cách móc họng hoặc cho uống siro Ipeca.

Và sau đây là cách xử trí tức thời khi nghi có ngộ độc thuốc:

Nếu là thuốc đường miệng: gây nôn.

Nếu khó thở, hôn mê, hay co giật: khai thông đường thở.

Nếu ngừng thở: hô hấp nhân tạo.

Nếu rối loạn hành vi: giải thích, khuyên can, không để nạn nhân bị tai nạn hay gây tai tai nạn cho người khác.

Nếu lơ mơ buồn ngủ: đánh thức dậy, cho đứng và đi xung quanh, đắp khăn mặt ước lên trán và sau gáy.

Nếu nặng: chuyển tới thầy thuốc, chuyên khoa cấp cứu hồi sức bệnh viện, hoặc các trung tâm điều trị lạm dụng thuốc (thường có ở các nước tiên tiến).

Một số thuốc không nên dùng khi lái xe

Thuốc ngủ: Barbituric, thuốc kháng dị ứng (promethazin, chlopherinamin thường có trong các thuốc sổ muỗi) và cyproheptadin, diazepam(valium), các thuốc hạ áp (như clonidin, catapressan, aldomet, guanfacin)

Thuốc gây rối loạn thị giác: Amiodaron (cordarone), một loại thuốc chống loạn nhịp. Thuốc chẹn betatimolol, hoặc collyre nhỏ mắt Timoptol. Thuốc chữa sốt rét: quinin và chloroquin dùng lâu và nhiều.

Cây độc

Cây độc là vấn đề được quan tâm đối với người đi rừng, bộ đội công an vũ trang, khách du lịch và ngay cả đối với dân địa phương có cây độc phát triển. Cây độc là cây mà khi người và dộng vật ăn phải, có khi chỉ là một lượng nhỏ, đã có thể gây ra những rối loạn trong cơ thể, nếu nặng có thể chết.

Trông bên ngoài cây độc và cây không độc không có gì khác nhau. Cũng không có ranh giới giữa cây độc và cây thuốc. Vả lại một cây – như cây cà độc dược chẳng hạn - dùng đúng với lượng ít là chữa bệnh, dùng quá liều là độc đối với cơ thể. Cây sắn, cây khoai tây, cây củ đậu, là cây thực phẩm nhưng không biết cách xử lý có thể bị ngộ độc.

Cây độc có thể mang độc tính ổn định, kéo dài suốt cả quá trình sinh trưởng và phát triển (như lá ngón, trúc đào, cà độc dược) nhưng có thể chỉ độc trong khoảng thời gian nhất định (khoai tây chỉ xuất hiện chất độc solanin khi củ nẩy mầm); hàm lượng chất độc thay đổi theo điều kiện sống: chất độc tích lũy cũng phụ thuộc vào thời tiết, thổ nhưỡng, độ chiếu sáng…(như lá cà độc dược ở phía trên được chiếu sáng nhiều thì tích luỹ nhiều atropin hơn lá ở phía dưới); chất độc cũng phân phối không đều trong cây: nhiều ở hạt (như cây thầu dầu, ba đậu, mã tiền), ở lá( như trúc đào, cà độc dược) hoặc ỡ nhựa (xương rồng, cây giá) hay ổ lông (cây lá han).

Số lượng cây độc trên trái đất có đến hàng nghìn loài, ở các vùng nhiệt đới nhiều hơn vùng ôn và hàn đới, có những loài giống nhau nhưng cũng có những loài là sản phẩm riêng của từng vùng. Một số cây độc sau đây hay gặp ở Việt Nam (b139-1).

Các chất độc trong cây

Chất độc trong cây độc rất nhiều và đa dạng, có thể tóm tắt và hệ thống lại như sau:

Thuộc loại ancaloit: ancaloit là hợp chất hữu cơ phức tạp, chứa cacbon, hydro, bắt buộc chứa nitơ, đa số có oxy, như: cây thuốc phiện (Papaver somniferum L.), cây ô đầu (Aconitum fortunei Hemsl), cây mã tiền (chất strychnos), cây cà độc dược (datura), cây lá ngón (có gelsemin, kumin, kuminidin).

Loại glycozit: là hợp chất hóa học có đường. Có ở nhiều cây nhưng tập trung ở họ trúc đào (Apocynaceae), cây dương địa hoàng (digitalis lanata và purpurea), cây sừng trâu (strophantus).

Các axit hữu cơ: như axit oxalic (trong cây khế, cây me chua), axit xyanhydric (hạt đậu phộng, củ sắn, măng tre).

Và một số chất khác như: Lacto trong cây độc họ Hoàng liên (Ranuneulaceae), các chất nhựa, toxanbumin (là các protein thực vật độc).

Các biểu hiện khi ngộ độc

Khi ăn phải các chất độc nói trên, cơ thể có biểu hiện ngộ độc, mức độ phụ thuộc vào tính độc của cây, lượng chất ăn vào, tình trạng cơ thể. Nói chung có các biểu hiện sau đây:

Cây gây độc với hệ thần kinh. Một số cây làm kích thích thần kinh, một số cây làm ức chế. Ví dụ, atropin của cây cà độc dược tác động vào hệ giao cảm, gây giãn đồng tử, tim đập nhanh; stricnin của hạt mã tiền làm co giật; aconitin trong cây ô đầu gây kích thích thần kinh ngoại biên.

Với hệ tiêu hóa. Nhiều cây độc chứa tinh dầu, chất kích ứng, axit hữu cơ gây tổn thương niêm mạc ruột, có khi phù nề và gây chảy máu đường tiêu hóa. Nạn nhân nôn mửa, đi ngoài như: cây thầu dầu, cây lô hội, cây bồ kết.

Hệ tim mạch. Điển hình là cây trúc đào, thông thiên, sừng trâu, dương địa hoàng làm cho tim đập nhanh. Độc nhiều có thể hạ huyết áp.

Hệ hô hấp. Một số cây làm cho nạn nhân khó thở, co thắt khí quản, ho, khô cổ hay xuất huyết đường hô hấp như cây ô đầu, cây nấu trắng.

Gây độc với da và niêm mạc. Một số loài cây có lông ngứa chứa axit focmic (lá han). Một số cây khác mang nhựa độc bay hơi dễ dàng gây dị ứng khi tiếp xúc (các loài sơn). Một số cây ảnh hưởng đến quá trình trao đổi máu (các xyanoglycozit ở các cây họ đậu, sắn, măng).

Ở Hoa Kỳ có một số cây gây phù cổ họng, làm khó nuốt khó thở và khó nói như cây lau câm, cây lá môn, cây tai voi thậm chí chỉ nhai một miếng nhỏ là bị độc. Một số cây gây kích ứng da mạnh bằng mủ, nhựa của chúng: cây kim sa, cây mao lương hoa vàng, cây chân quạ, cây tầm ma đốt. Một số cây khác gây dị ứng rất mạnh như: cây thường xuân độc, cây sồi độc, cây sơn độc. Đối với các loại cây này khi tiếp xúc phải cẩn thận, rửa tay xà phòng thật sạch sau khi sờ vào lá, không dụi tay lên mắt, mồm, không sờ vào khăn đã lau mủ cây, phải thay quần áo ngay và giặt xà phòng thật sạch. Vật nuôi có tiếp xúc cũng phải được tắm rửa vì chúng có thể mang mủ nhựa trên lông lâu ngày.

Cách xử trí giải độc. Nếu thấy nạn nhân có dấu hiệu ngộ độc phải tìm cách loại trừ chất độc ra khỏi cơ thể, không cho chất độc ngấm thêm vào, và duy trì chức năng sống còn của cơ thể.

Loại trừ chất độc. Nếu là chất dính lên da hay niêm mạc thì rửa nhiều lần bằng nước sạch. Nếu ngứa do lá han: dùng nước kiềm loãng hay dung dịch Na2 SO3 để rửa, sau đó bôi ít dịch sát khuẩn nhẹ hoặc hồ nước lên da. Nếu viêm da dị ứng, có thể dùng các loại gel hoặc dịch lỏng như Lidex, Rhuligel, và Derma – pox. Không nên bôi kem vì nó sẽ tạo ra lớp vỏ, chậm khô da, tránh gãi. Nếu ngứa quá nên dùng khăn đắp nước muối lạnh lên da (pha 2 thìa con muối trong 1 lit nước).

Nếu chất độc vào đường tiêu hóa. Gây nôn bằng móc họng, hoặc uống nước muối đặc (3 thìa cafê muối vào 1 cốc nước). Có thể dùng siro Ipeca uống 30ml cho người lớn, 15ml cho trẻ em, hoặc bột Ipeca (1 – 2g bột trong 0,5 cốc nước). Hoặc tiêm apomophin dưới da nếu có (người lớn 5mg, trẻ em 1mg). Rồi gửi ngay đến bệnh viện để rửa dạ dày (trong 3 – 4 giờ đầu) hoặc tẩy ruột (4 – 8 giờ sau), thụt rửa.

Ngăn cản chất độc ngấm thêm. Sau khi đã làm như trên, ta có thể làm thêm một trong những cách sau:

Nước lòng trắng trứng gà: lấy 6 lòng trắng trứng gà hòa vào một lít nước, cho nạn nhân uống dần từng cốc.

Than hoạt: dùng 20 – 30g than hoạt (hoặc 50 – 60g than củi tán nhỏ) hoà tan trong một cốc nước để uống.

Nước tanin hoặc axit tanic: dùng dung dịch 1 – 4% hoặc sắc nước búp ổi, sim, bàng lang cho nạn nhân uống, rất có giá trị khi ngộ độc các chất alcaloit.

Dung dịch iot – iodua: dùng 2g iôt, 5g Kali iodua, 250ml nước cất. Cho nạn nhân uống mỗi lần 2 thìa cafê.

Duy trì chức năng sống. Nếu hệ tuần hoàn suy sụp, tim ngừng đập: phải bóp tim ngoài lồng ngực ngay khi chưa quá 4 phút. Tim chưa ngừng đập: tiêm thuốc trợ tim: tiêm dưới da 50 – 200ml dung dịch Natri camphosulfonat, hoặc 0,5 – 1ml dung dịch adrenalin 0,1%. Nếu ngừng thở hà hơi thổi ngạt. Co giật nhiều: tiêm dung dịch phenobacbitan 0,1 – 0,2g. Nếu có kích thích nhẹ cho uống thuốc làm dịu thần kinh: diazepam, bacbituric. Tìm mọi cách đi viện sớm.

Nấm độc

Nước nhiệt đới có nhiều nấm. Có loại dùng làm thuốc như: phục linh, nấm lim, loài để ăn như: nấm rơm, nấm hương, nấm mở, mộc nhĩ… Nhưng có những nấm gây hại như: làm chết cây, làm mục gỗ và nấm độc gây chết người có khi chỉ với một lượng nhỏ.

Nấm là loại thực vật bật thấp, còn gọi là tán thực vật. Cơ thể không có diệp lục như cây xanh nên phải sống nhờ vào chất hữu cơ khác. Về khoa học gọi là thể quả, thuộc lớp nấm đảm (basidiomycetes), nghành nấm (mycophyta). Thể quả giống cái ô ( mũ) , có: vòng, cuống, gốc; dưới cũng là thể sợi: mảnh, bám sâu trong gỗ mục. Thể quả là cơ quan sinh sản; thể sợi, mảnh, bám sâu trong gỗ mục, là cơ quan dinh dưỡng.

Phân biệt nấm lành và nấm độc không dễ dàng. Nấm độc lại có đủ màu sắc. Thông thường nấm nào có đủ các thành phần nói trên (nghĩa là có đủ mũ, vòng, cuống, gốc..) là nấm độc. Chất độc nằm trong thể quả toàn bộ. Nấm độc thường có mũ màu tím nhạt hoặc hơi vàng, vòng nấm ở cao, thân nấm màu nâu xám. Một vài loại có mũ nhỏ nhưng nhiều màu sặc sỡ, thân dòn dễ gãy và nát trong nước cũng là nấm độc.

Có 3 loại nấm độc đáng chú ý là:

·         Loại nấm có cholin: như nấm Ammanita pantherina (nấm độc nâu).

·         Loại nấm có muscarin: như nấm Ammanita muscaria ( nấm độc đỏ, nấm ruồi).

·         Loại nấm có phalin: như nấm Ammanita phalloides (nấm độc xanh đen).

Triệu chứng ngộ độc nấm. Thường triệu chứng biểu hiện sớm sau 20 – 30 phút, nhưng thường từ 2 – 4 giờ, có khi từ 8 – 24 giờ sau (nấm phalloide).

- Trước hết là buồn nôn và nôn ra thức ăn

- Đau bụng dữ dội từng cơn, đi ngoài ra nước tanh thối, đôi khi lẫn chút máu.

- Toàn thân mệt mỏi, lạnh toát, bí tiểu, khát nước, người tái xanh.

- Tuần hoàn: có thể suy tim, huyết áp thấp, mạch chậm.

- Hô hấp: tức thở, co thắt phế quản và ứ máu ở phổi.

Riêng đối với chất muscarin: ngộ độc xuất hiện nhanh, có rối loạn thần kinh, giãn đồng tử, co giật, khó thở và chết trong vòng 2 – 3 ngày.

Đối với chất phalin: xuất hiện chậm, từ 8 – 24 giờ sau, nôn mửa, đi ngoài kiểu thổ tả, sau chuyển sang thời kỳ tê mê, da vàng và truy tim mạch.

Xử trí. Nếu nạn nhân chưa nôn thì gây nôn bằng Apomorphin 0,005g, một ống dưới da hoặc đưa vào bệnh viện để rửa dạ dày. Nếu đã nôn, lấy chất nôn đi xét nghiệm. Nếu xét nghiệm biết chắc là ngộ độc chất muscarin thì cho tiêm atropin sulfat 1mg. Các ngộ độc nấm khác không được dùng atropin.

Khi đã bớt nôn, cho uống nhiều nước râu ngô, nước muối, nước đường. Đồng thời giải độc bằng uống bột than gỗ, mỗi giờ uống một thìa cafê kèm theo ít nước.

Nếu có điều kiện thì tiêm thuốc trợ tim mạch như cafein, dầu long não, Coramin. Sau đó chuyển nạn nhân vào bệnh viện để được chuyền các loại huyết thanh mặn, ngọt chống mất nước, hoặc tim huyết thanh kháng độc phalin nếu có.

Chú ý khi bị ngộ độc nấm không cho nạn nhân uống các loại rượu, bia, vì chất độc của nấm dễ tan trong rượu.

Đề phòng ngộ độc nấm. Không nên lấy nấm non vì không đủ bộ phận để phân biệt nấm lành với nấm độc. Người ốm yếu càng không nên ăn. Không ăn các loại nấm giòn, dễ gãy,nát vụn trong nước. Không ăn nấm đã để lâu, vì nấm ôi rữa sẽ biến thành độc. Gây nôn khi có dấu hiệu ngộ độc.

 

 

 

 


.Lời nói đầu
Chuong 01 - Đai cương về cấp cứu thông thường
Chuong 02 - Phương pháp xử trí cấp cứu
Chương 03 - Choáng
Chương 04 - Cấp cứu hô hấp và tuần hoàn
Chương 05 - Vết thương và các thương tổn liên quan
Chương 06 - Băng trong và băng ngoài vết thương
Chương 07 - Căng gân, bong gân, trật khớp, gãy xương
Chương 08 - Các độc chất và thuốc
Chương 09 - Các vết thương do cắn và đốt
Chương 10 - Bỏng
Chương 11 - Những bất thường về nóng, lạnh
Chương 12 - Một số cấp cứu đặc biệt
Chương 13 - Sơ cứu trong thể dục thế thao
Chương 14 - Các mang vác nạn nhân
Chương 15 - Cấp cứu trong các trường hợp bị thiên tai
Phụ lục - Tủ thuốc gia đình


LIST SÁCH

Khảo sát tình dục học - BS Hồ Đắc Duy
Sách 230 bệnh tật trẻ em
Sách 365 lời khuyên sức khoẻ
Sách Bác sĩ vui tính trả lời
Sách commic - 50 cau hoi HIV - AIDS
Sách Cấp Cứu
Sách Dinh dưỡng và an toàn thực phẩm
Sách Giải phẫu thẩm mỹ
Sách Giấc ngủ trẻ em
Sách Giới tính tuổi hoa
Sách Sức khoẻ phụ nữ
Sách Trò chuyện về tình yêu, giới tính, sức khỏe
Sách Tăng huyết áp - Đào Duy An
Thắc mắc biết hỏi ai


LINK THAM KHẢO