DƯỢC THIỆN PHÒNG CHỐNG TẢO TIẾT
Tác giả : Thạc sĩ HOÀNG KHÁNH TOÀN
Tảo tiết là một bệnh danh của y học cổ truyền mà ngày nay y học hiện đại gọi là xuất tinh sớm. Ðây là chứng bệnh thường gặp trong giới "mày râu", mặc dù không nguy hiểm đến tính mạng nhưng lại ảnh hưởng nghiêm trọng tới chất lượng cuộc sống lứa đôi, gây không ít nỗi buồn phiền và bất hạnh cho cả hai giới.
Có thể nói, phòng chống tảo tiết là một trong những thế mạnh của y học cổ truyền. Dựa trên quan điểm "chỉnh thể thi trị" (điều trị toàn diện), cổ nhân đã vận dụng và phối hợp rất nhiều phương pháp để giải quyết bệnh chứng tế nhị này, trong đó phải kể đến một loại hình trị liệu khá độc đáo là lựa chọn, chế biến và sử dụng các món ăn - bài thuốc (dược thiện) trên cơ sở nắm vững triệu chứng của các thể bệnh và phối hợp hài hòa giữa thực phẩm và dược phẩm. Bài viết này xin giới thiệu một số công thức dược thiện phòng chống tảo tiết điển hình để độc giả có thể tham khảo và vận dụng khi cần thiết.
Công thức 1: Nữ trinh tử 20g, mạch môn (bỏ lõi) 30g, hợp hoan hoa 15g, thịt ba ba (còn cả mai) 200g, gừng tươi 15g, đại táo 10 quả. Cách chế: Ba ba rửa sạch, chặt miếng; Gừng tươi giã nát; Ðại táo bỏ hạt. Tất cả cho vào nồi (trừ hợp hoan hoa) hầm lửa nhỏ chừng 1,5-2 giờ, khi nhừ bỏ hợp hoan hoa vào, đun thêm 20 phút nữa là được, chế đủ gia vị, chia ăn vài lần trong ngày. Công dụng: Bổ thận âm, thanh tâm hỏa, dùng cho người bị tảo tiết thuộc thể Tâm thận bất giao, biểu hiện bằng các triệu chứng như xuất tinh sớm, tinh thần dễ căng thẳng (đặc biệt khi phòng sự), tinh dịch lượng ít và đặc dính, mất ngủ, hay mộng mị, có lúc mộng tinh, hình thể hao gầy, môi khô, miệng khát, đại tiện táo, tiểu tiện sẻn đỏ, lưỡi hồng ít rêu và khô.
Công thức 2: Tâm sen (liên tử tâm) 10g, ngọc trúc 30g, bách hợp 50g, long xỉ 30g, tim lợn 100g. Cách chế: Bách hợp ngâm nước sạch 1 đêm, tim lợn thái miếng, các vị thuốc rửa sạch. Ðem bách hợp và long xỉ cho vào nồi hầm nhỏ lửa trong 2-3 giờ, tiếp đó bỏ tâm sen, ngọc trúc và tim lợn vào, đun thêm 20-30 phút nữa là được, chế thêm gia vị, ăn trong ngày. Công dụng: Thanh tâm giáng hỏa, dùng cho người bị tảo tiết thuộc thể Tâm hỏa cang thịnh, biểu hiện bằng các triệu chứng như trong ngực bồn chồn như có lửa đốt, miệng khô và hay viêm loét, chót lưỡi đỏ đau, mất ngủ, ham muốn tình dục rất mạnh nhưng tinh xuất rất sớm, tinh dịch lượng ít, quánh dính, tiểu tiện sẻn đỏ, đại tiện táo, chất lưỡi đỏ, thường hay có các bệnh như cao huyết áp, cường tuyến giáp trạng, suy nhược thần kinh thể hưng phấn... Bài này nếu không có bách hợp thì thay bằng hạt sen 100g.
Công thức 3: Kim anh tử 30g, nữ trinh tử 15g, thỏ ty tử 20g (bọc trong túi vải), thịt thỏ 150g, gừng tươi 15g, đại táo 5 quả. Cách chế: Thịt thỏ bỏ mỡ, thái miếng; Gừng tươi giã nát. Các vị thuốc rửa sạch, tất cả cho vào nồi hầm chừng 1,5-2 giờ là được. Chế thêm gia vị, chia ăn vài lần trong ngày. Công dụng: Tư bổ thận âm, cố tinh, dùng thích hợp cho người bị tảo tiết thuộc thể Thận âm bất túc, tinh quan bất cố, biểu hiện bằng các triệu chứng như cơ thể gầy, lòng bàn tay và bàn chân có cảm giác nóng bức, đầu choáng mắt hoa, môi khô, miệng khát, mất ngủ, ham muốn tình dục nhưng xuất tinh rất sớm, tinh dịch lượng ít, đặc quánh, lưỡi đỏ khô.
Công thức 4: Hồ đào nhục 30g, tắc kè khô 1 đôi, thịt chó 150g, gừng tươi 20g, hồi hương tám cánh 10g. Cách chế: Tắc kè bỏ đầu và móng, thịt chó bỏ mỡ, hai thứ rửa sạch bằng nước gừng rồi chặt miếng, các vị thuốc rửa sạch. Tất cả cho vào nồi hầm nhỏ lửa trong 2,5-3 giờ là được, chế thêm gia vị, chia ăn vài lần. Công dụng: Ôn bổ thận dương, cố nhiếp tinh dịch, dùng thích hợp cho người bị tảo tiết thuộc thể Thận dương hư, biểu hiện bằng các triệu chứng như toàn thân mỏi mệt, thích nằm, sợ lạnh, suy giảm ham muốn tình dục, xuất tinh sớm, tinh dịch lỏng loãng và lạnh, lưng đau gối mỏi, tiểu tiện trong dài, tiểu đêm nhiều lần, đại tiện lỏng loãng, miệng nhạt, chất lưỡi nhợt, có lúc bị liệt dương. Thường xuất hiện ở những người bị bệnh tiểu đường, u phì đại tiền liệt tuyến, suy giảm chức năng tuyến giáp, suy giảm chức năng tuyến thượng thận...
Công thức 5: Ðông trùng hạ thảo 10g, nhân sâm 8g, hoài sơn 30g, nhung hươu 150g, đại táo 15g. Cách chế: Nhung hươu rửa sạch, thái mỏng; Nhân sâm thái phiến. Các vị thuốc khác rửa sạch. Tất cả cho vào nồi hầm bằng lửa nhỏ chừng 2,5-3 giờ là được, chế đủ gia vị, chia ăn vài lần trong ngày. Công dụng: Bổ ích thận khí, cố nhiếp thận tinh, thường dùng cho những người bị tảo tiết thuộc Thận khí bất túc, biểu hiện bằng các triệu chứng như xuất tinh sớm, tinh dịch lượng ít, lỏng loãng, mệt mỏi nhiều, tinh thần bạc nhược, dễ đổ mồ hồi, suy giảm ham muốn tình dục, hay đi tiểu đêm, ăn kém, miệng nhợt, chất lưỡi nhợt, thường mắc các bệnh mạn tính như lao phổi, tiểu đường, suy nhược thần kinh thể ức chế...
Công thức 6: Thục địa 30g, tỏa dương 20g, đỗ trọng 30g, đuôi lợn 150g, gừng tươi 15g, đại táo 8 quả. Cách chế: Ðuôi lợn cạo bỏ lông, rửa sạch, chặt đoạn; Gừng tươi giã nát. Các vị thuốc rửa sạch. Tất cả cho vào nồi hầm lửa nhỏ trong 2,5-3 giờ là được, chế thêm gia vị, chia ăn vài lần trong ngày. Công dụng: Tư bổ thận tinh, thường dùng cho những người bị tảo tiết thuộc thể Thận tinh bất túc, biểu hiện bằng các triệu chứng như xuất tinh sớm, tinh dịch ít và loãng, cơ thể hao gầy, suy giảm ham muốn tình dục, da mặt nhợt nhạt, tóc rụng nhiều, tiểu tiện trong dài, đại tiện lỏng loãng, chất lưỡi nhợt, thường có bệnh mạn tính kèm theo như tiểu đường, u phì đại tiền liệt tuyến mạn tính, suy giảm công năng tuyến thượng thận...