ĂN GẠO LỨT MUỐI VỪNG CHỮA BỆNH

LTS: Có nhiều người ca gợi ăn gạo lứt muối vừng (muối mè) chữa được nhiều bệnh, trong số đó có cả bác sĩ. Nhưng cũng có những thầy thuốc tỏ ra hoài nghi. Chúng tôi đã trao đổi vấn đề này với Bác sĩ Vũ Định - một người thường hay viết bài phổ biến y học, mà nhiều bạn đọc đã biết ông. Sau đây là câu chuyện giữa chúng tôi với ông.

- Trong thực tế có nhiều người ăn gạo lứt muối vừng (GLMV) chỉ đơn giản thế thôi mà chữa khỏi một số bệnh. Nhưng vì sao nhiều nhà y học trong đó có dinh dưỡng học còn tỏ ra dè dặt chưa có ý kiến gì?

* Đây là vấn đề thú vị đáng quan tâm. Nhưng ăn GLMV không đơn giản như các bạn nói đâu, bởi lẽ mất một trong "tứ khoái" - ngày nào cũng chỉ GLMV nhiều người ngán đấy.

Còn dè dặt là do chúng ta cũng đã bị nhiều thông tin nhiễu lắm rồi. Những năm trước đây nhiều người đã truyền tay nhau một tài liệu đánh máy nói là của Nhật Bản, phổ biến một kiểu chữa bệnh bằng cách uống thật nhiều nước đun sôi để nguội vào buổi sáng sớm. Sau đó lại có nơi cho in một cuốn sách của một tác giả người Mỹ nhan đề "Niệu liệu pháp" phổ biến về cách uống nước tiểu của mình để tự chữa bệnh. Cuối năm 1996 lại có nhà XB địa phương cho in một cuốn sách sưu tầm các bài thuốc Nam gia truyền, trong đó có 3-4 bài thuốc chữa chó dại cắn, thậm chí chữa khỏi chó dại cắn đã lên cơn v.v... Thật là nhảm nhí phản khoa học. Bởi vậy, theo tôi nghĩ các nhà y học thận trọng trong vấn đề này là có thể thông cảm được.

- Anh thường viết phổ biến y học, vậy quan điểm của anh về ăn GLMV thế nào?

* Tôi chưa phải là "đệ tử" của trường phái thực dưỡng. Nhưng đây là vấn đề có liên can đến dinh dưỡng - một lĩnh vực mà tôi quan tâm nên tôi đã tìm hiểu kỹ những tài liệu này. Nói chung các nhà thực dưỡng đều lấy việc ăn GLMV làm vấn đề cốt lõi của phương pháp này. Song nổi bật nhất là Giáo sư Ohsawa, người Nhật, đã dày công nghiên cứu, thực nghiệm và truyền bá trong mấy chục năm nay. Phương pháp của ông dựa vào học thuyết âm dương cổ truyền của y học phương Đông và nguyên lý vũ trụ thống nhất - ăn uống theo dịch lý âm dương lấy ngũ cốc làm chính, đặc biệt là GLMV và có chú ý ăn rau xanh, hoa quả tươi... Ông cho rằng bệnh là triệu chứng cho thấy cơ thể đang bị rối loạn mất quân bình, do ăn uống sai lầm - không phù hợp với cơ chế sinh học tự nhiên, và muốn chữa bệnh thì phải ăn uống đúng đắn để tái lập tình trạng quân bình, ổn định của toàn cơ thể.

Theo tôi biết phương pháp thực dưỡng đã mang lại cho nhiều người những kết quả rất đáng khích lệ.

Đây là một vấn đề mà tôi rất quan tâm, vì nếu đúng nó chữa khỏi được một số bệnh như nhiều tài liệu thực dưỡng đã công bố và nhiều người áp dụng có kết quả thì quả là rất có giá trị.

Tôi hoan nghênh phương pháp thực dưỡng này. Duy chỉ có điều mong muốn các nhà thực dưỡng của ta nghiên cứu sâu hơn, có bài bản hơn và đưa ra nhiều minh chứng về những người khỏi bệnh do ăn GLMV với xác suất thống kê có sức thuyết phục cao, để có thể phổ biến được rộng rãi.

- Các tài liệu dinh dưỡng hiện đại đều viết protein nguồn gốc động vật (P.ĐV) có giá trị sinh học cao hơn protein nguồn gốc thực vật (P.TV) và khuyên nên ăn với tỷ lệ P.ĐV/P.TV=1/1 hoặc ít nhất cũng phải là 1/3. Nhưng trong chế độ ăn GLMV thì hầu như không có protein nguồn gốc động vật?

* Chúng ta không nên phủ nhận những kết luận của dinh dưỡng học hiện đại. Bởi vì nhờ có nó mà nhiều người ăn uống đúng đắn, ăn ngon miệng, cơ thể phát triển hài hòa khỏe mạnh. Đây là vấn đề dinh dưỡng cho mọi người. Còn vấn đề mà chúng ta đang trao đổi, theo tôi nghĩ thuộc phạm vi những người đang bị rối loạn mất quân bình âm dương do ăn uống - tóm lại là những người bệnh.

Trong đời sống của một số nước châu Á theo đạo Phật (trong đó có Việt Nam) ta dễ nhận thấy nhiều nhà sư chân tu ăn chay, không hề ăn thịt, cá, tôm, cua... chỉ trông cậy vào tương, đậu phụ, gạo, vừng, lạc, rau quả... mà vẫn sống khỏe mạnh, nhiều người đạt đến tuổi thọ cao. Như vậy protein nguồn gốc thực vật cũng tạo "sức sống" lắm chứ.

Vả chăng phương pháp thực dưỡng cũng có nhiều trường phái. Với Giáo sư Ohsawa thì ông không hoàn toàn cấm ăn thịt, Ohsawa đề ra 10 mức ăn: mức "nhập môn thực dưỡng" - mức thấp nhất là -3 (âm 3) có 30% thịt, đến mức cao nhất là +7 (dương 7) chỉ có GLMV.

- Nhưng nếu nói về ăn thức ăn thực vật thì tại sao cứ phải GLMV mà không phải là thứ khác thí dụ ngô, đậu, lạc... chẳng hạn?

* Nhiều trường phái thực dưỡng nhưng họ đều lấy việc ăn GLMV làm trọng tâm. Đó là vì qua thực nghiệm nhiều năm người ta nhận ra rằng các thực phẩm này có ưu thế nổi bật về quân bình âm dương, hơn hẳn các loại thực phẩm thực vật khác. Mặt khác về dinh dưỡng hiện đại thì cũng thấy: hạt gạo có tỷ lệ tương đối cân bằng hơn cả về 3 chất gluxit, lipit, protein. Về chất lượng giá trị sinh học của protein gạo cũng cao hơn so với protein của các ngũ cốc khác; dù giã dối hay giã trắng đều dễ hấp thu, tỷ lệ hấp thu từ 96,5 đến 98%. Lớp ngoài của gạo lại giàu vitamin nhóm B, đặc biệt là vitamin B1 - giữ vai trò quan trọng trong việc chuyển hóa gluxit, và nó cũng tham gia vào nhiều phản ứng chuyển hóa protein của cơ thể... Còn các loại hạt khác thì thành phần axit amin không cân đối (thí dụ ngô giàu protein hơn gạo nhưng lại thiếu tryptophan), hoặc quá lệch về protein như các hạt họ đậu, hoặc quá lệch về lipit như lạc... Còn vừng thì được y học phương Đông coi là một vị thuốc quý. Theo các sách thuốc cổ, nó là vị thuốc bổ, nhuận tràng, lợi sữa... bổ ngũ tạng, ích khí lực, bền gân cốt, sáng tai mắt, sống lâu... Vừng khá giàu protein có thể bổ sung cho gạo, và lại có nhiều axit béo chưa bão hòa - đó là một thứ vitamin F có tác dụng phòng chống xơ mỡ động mạch, rất tốt với người cao tuổi.

Ở GLMV có thể còn có cái gì đó mà khoa học hiện chưa biết? Bởi với khoa học kỹ thuật hiện nay người ta có thể phối chế cho thực phẩm nào đó có các thành phần dinh dưỡng giống hệt GLMV, nhưng vì sao cứ phải ăn GLMV? Như vậy rất có thể còn một số chất nào đó chỉ có ở GLMV mới tác động tốt với người ăn mà Đông y chưa biết được, khoa học hiện đại thì chưa tìm ra. Cũng như mới gần đây, khoa học nghiên cứu thấy trong cá biển có hai chất dinh dưỡng rất quý đối với sức khỏe con người - đó là các axit béo chưa bão hòa Oméga 3 (EPA và DHA). EPA tốt cho tim mạch, DHA tốt cho não mà ở các thực phẩm khác không có. Có thể bước vào thế kỷ thứ 21 chúng ta sẽ tìm ra lớp ngoài của hạt gạo và vừng có một chất gì mới mà hiện nay chưa biết.

- Xin cảm ơn anh.

K.P.H (thực hiện)

 

DƯỢC THIỆN
6 nguyên tắc ăn uống cho người già
Cháo thuốc chữa các bệnh về gan
Chữa bệnh cao huyết áp bằng ăn uống
Chữa bệnh cao huyết áp bằng ăn uống
Các món ăn bài thuốc cho đàn ông vô sinh
Các món ăn bài thuốc dành cho phụ nữ
Các món ăn bài thuốc từ não động vật
Cách chế biến thịt bò, thịt dê, mật lợn thành thuốc chữa bệnh
Dược thiện cho người bị di chứng tai biến mạch máu não
Dược thiện cho người viêm loét dạ dày
Dược thiện cho sản phụ thiếu sữa 
Dược thiện chống viêm mũi dị ứng
Dược thiện dành cho người bị ung thư phổi
Dược thiện dành cho người huyết áp thấp mạn tính
Dược thiện dưỡng thai
Dược thiện phòng chống táo bón
Dược thiện phòng chống tảo tiết
Dược thiện phòng chống đái dầm ở trẻ
Dược thiện phòng chống đái dầm ở trẻ em
Kiêng ăn khi uống Trung dược
Luơn, thức ăn và vị thuốc
Món ăn bài thuốc cho người béo phì
Món ăn bài thuốc cho người bị táo bón mạn tính
Món ăn bài thuốc cho người mắc bệnh đường tiết niệu
Món ăn trị tăng huyết áp
Mùa đông chọn rượu thuốc như thế nào để tẫm bổ?
Một số món ăn - bài thuốc từ củ cải
Một số món ăn bài thuốc từ đậu phụ
Những bài thuốc quý từ “Cây ổi sau nhà”
Nước uống thích nghi với mùa hạ
Phòng ngừa bệnh bằng ăn uống
Rau và trái cây tốt hơn thuốc bổ
Rượu thực phẩm
Tác dụng chữa bệnh của một số thực phẩm
Ăn gạo lứt muối vừng chữa bệnh

 

THƯ MỤC Y HỌC CỔ TRUYỀN
Bài thuốc Đông Y
Bình luận Đông Y
Dược thiện
Thảo Dược
Trang Võ Hà
Trà dược
Tài dược
Tự chữa bệnh
Xoa bóp trị liệu
Điều trị Đông Y