Bí ẩn về một kho xương người ở Hà Nội

Nếu không được các cán bộ của Viện Khoa học Hình sự - Bộ Công an dẫn vào tận mục sở thị “kho xương'' tồn đọng ấy thì quả thật khó tin được rằng giữa thủ đô Hà Nội hoa lệ của chúng ta hôm nay lại có một lượng... xương người nằm ''xếp lớp” lớn đến như thế!

 

Hàng trăm mẫu xương người, trong đó không ít là các bộ xương nguyên vẹn, với hốc hoác những ''đầu lâu xương sọ” đã “ngự” ở các gian nhà này trong mấy chục năm qua. Và điều kỳ lạ là, không một thân nhân, một cơ quan, tổ chức nào đến nhận các bộ xương đó về mai táng.

 

Thâm nhập... kho xương người

 

Tôi cùng 3 cán bộ của Viện Khoa học Hình sự (KHHS) nai nịt gọn gàng, từ từ mở cửa bước vào “kho... xương''. Không có xú khí của tử thi hay xương xẩu như người ta tưởng. Mùi hơi nằng nặng là mùi mốc, mùi của mạng nhện và... của các bộ xương khô. 100 bộ xương người được tạm coi là vô thừa nhận cứ nằm lặng phắc, những hốc mắt hốc mũi tối om om như tò mò nhìn vào... gã khách lạ. Các “vị" xương vẫn câm lặng nằm đó, bộ nằm trên giá gỗ, bộ nằm trong tủ kính, bộ bị bó lẫn lộn với cả mấy chục ''vị" khác trong những hòm các - tông bên ngoài in dòng chữ rất hiện đại của nước ngoài . Hai hộp chứa rất nhiều xương người ấy nằm đè lên nhau.

 

Cảm giác khi đứng trong kho xương những người không ai thừa nhận này thật lạ, thật đau. Lạ lùng bởi hàng trăm bộ xương nằm giữa lòng Hà Nội, nằm ngay trên con đường mang tên nhà văn Nguyễn Tuân. Lạ bởi tất cả các ''vị" hoặc nam hoặc nữ hoặc già hoặc trẻ này đều không có tên và địa chỉ; các vị nằm đó mà thân nhân của các vị không một ai biết, cùng tất cả người đang sống chúng ta có thể cũng mãi mãi chẳng có cách gì giúp các vị nối liên lạc được với người thân.

 

“Kho xương" là một căn phòng cấp bốn quá hẹp, có lẽ chỉ đủ để kê một chiếc giường cá nhân thôi. Nó nằm cách lề đường Nguyễn Tuân chỉ hơn chục mét và mặt ngõ cũng không lấy gì nhẵn nhụi. Xung quanh đó, cuộc sống phố xá vẫn diễn ra bình thường.

 

Anh cán bộ viện vừa hý hoáy mở vòi nước nằm trong một góc ''kho xương'' vừa lấy gậy lau nhà cọ rửa nền lát gạch hoa cáu bẩn vừa than thở: ''Tôi cọ một tiá cho anh chụp ảnh nó... lịch sự”. Rồi anh lại lấy một tấm khăn nhỏ, với tay lên giá đỡ, thận trọng bê ra các hộp sọ, các khúc xương; anh tỉ mẩn luồn khăn lau vào, lau từng hốc mắt, hốc mũi đến các khe nhỏ của các bộ hài cốt... Nhiều hộp sọ bị vỡ toác, có hộp mất cả một miếng xương to, chứng tỏ trước khi chết, nạn nhân bị đánh hoặc bị va đập rất mạnh. Nhiều bộ xương bị cháy đen vì đã được người vùng cao phát hiện sau cuộc đốt nương phát rừng. Lau đến hộp sọ ấy, anh cán bộ pháp y không giấu vẻ xót xa: ''Anh thấy đấy, ngày rằm, ngày mùng một, lễ tết, chúng tôi đều thắp nhang cho vong hồn các hài cốt cả đấy. Tôi vẫn làm việc này thường xuyên, tự tôi muốn làm như thế với cả trăm con người này. Nhưng mà cứ đến ngày này là anh em trên phòng lại nhắc một câu rất thừa: ''Anh xuống thắp cho người ta vài nén nhang cho phải đạo!...”.

 

Ai cũng lo, ngộ nhỡ cả một trăm phần xương cốt người chưa được chôn cất ấy bị khói lạnh hương tàn thì... phải tội lắm.

 

Một bác sĩ pháp y hơn 30 năm làm việc với xương người ở trung tâm kéo mấy cái ngăn tủ mỏng manh trong kho xương ra... Và, anh thò tay bốc một nắm toàn xương cánh tay, xương ống chân giơ lên trước mặt giảng giải cho tôi nghe. Bàn tay không lấy gì làm hộ pháp của anh nắm một nắm mà được đến khoảng độ 10 cái ống xương người quá cố. Mười chiếc xương cánh tay kia khô khốc, nhẹ bỗng và cọ vào nhau nghe lạo xạo. Đến các cái thùng các - tông to thì anh thở dài: “Trong này có rất nhiều xương, xếp ra thì chật kín cái phòng này.

 

Thôi hãy để các “vị” ấy nằm yên trong mấy cái thùng!". Anh bảo, hầu hết các bộ xương, mẫu xương không người đến lấy về mai táng này đều bị lạc trong các cánh rừng, dưới đáy giếng, trong lòng đất đã lâu, rồi một ngày nào đấy, ai đó đào lên và tá hỏa sợ hãi đi báo công an. Người ta đem đến viện trưng cầu giám định, giám định để biết được rất nhiều thứ, nhưng với tất cả ngần ấy thứ nhiều khi cũng không đủ để gọi tên bộ xương đó là của người tên là gì, con cái nhà ai, sinh ra ở đâu. Thế là các ''vị" được nằm lại luôn ở viện. Các "vị" quá cố cứ nằm đó và chờ... Cũng không biết chờ ai và chờ điều gì ở tương lai, bởi dường như chưa có tiền lệ nào cho việc giải quyết kho xương kiểu như thế này cả.

 

Đi tìm ''chân dung" của gần 100 mẫu xương người và số phận long đong của một "kho xương'' tồn đọng

 

Làm việc với chúng tôi về vấn đề này, một đồng chí thượng tá, lãnh đạo Trung tâm Giám định Pháp y Sinh vật

của Viện KHHS - Bộ Công an cho biết: Dựa vào mẫu xương, các bộ xương kể trên bằng nghiệp vụ pháp y, chúng ta có thể xác định được một cách cơ bản về giới tính, chủng tộc, chiều cao, thời điểm đem chôn... của "đối tượng". Những thông tin này là rất quý cho các vụ án, vụ tranh chấp, tranh cãi cụ thể nào đó. Song, điều này không có nghĩa rằng dựa vào đó, người ta có thể tìm ra tên tuổi, địa chỉ của tất cả những người quá cố.

 

Thế là, sau khi các bộ xương, mẫu xương không giúp ích được gì cho cơ quan trưng cầu nữa, người ta cũng không biết phải trả các bộ xương “không địa chỉ” đó về cho ai. Bởi ngay cả khi vừa được phát hiện, chính các bộ xương này cũng đã không rõ nguồn gốc rồi.

 

Tất cả các bộ hài cốt đó đều được chuyển về Viện KHHS để trưng cầu giám định. Giám định xong, gửi kết quả đi, cơ quan trưng cầu quên luôn... Và thế là bộ xương được “gửi'' tại đó. Có vụ với 7 bộ xương bị “bắt giữ'' trên đường đang mang sang Campuchia...

 

Một bác sĩ pháp y của viện đã bị ám ảnh từ rất lâu bởi câu chuyện ở hang Con Chó trên vùng Mai Châu, Hòa Bình. Một ngày nọ, người đi rừng nhặt được mấy khúc xương khô trôi theo dòng suối về bản. Họ leo ngược dòng suối nhặt nhạnh kỹ càng thì ''sưu tầm'' được một bộ hài cốt khá đầy đủ. Hoặc năm 1998 ở Vũng Tàu, một ông làm nhà đào thấy 4 bộ xương, ông ấy sợ quá vứt ra một khu bờ cát ven biển, dân tình trông thấy báo công an, cán bộ cơ sở gửi lên Viện KHHS, Qua giám định 3 bao tải xương người đó thì sắp xếp được 2 bộ nguyên vẹn, 2 bộ thiếu mất ít ''mảnh”, 2 bộ có dấu vết của đạn bắn, và mảnh lựu đạn găm... Tất cả những vụ kể trên đều được các cán bộ viện giám định nghiêm túc với các bản kết luận rõ ràng được gửi về các cơ quan trưng cầu. Và, điều đáng nói nhất, đau lòng nhất là: Cuối cùng thì cơ bản các bộ hài cốt, mẫu xương trên đều nằm lại trong kho của viện giữa lòng Hà Nội.

 

Vậy là có quá nhiều bộ xương khi phát hiện đã là xương thuần túy, tức là cái chết ấy đã diễn ra từ rất lâu, cái chết có thể do tai nạn, bệnh tật tình cờ hoặc có thể do rất nhiều vụ mưu sát đồi bại nào đó. Sức phá hủy của thời gian và sự câm lặng của bộ hài cốt đã khiến cho chúng ta không thể xác định được người nằm xuống là ai và chết trong hoàn cảnh nào nữa. Thậm chí ngay cả cơ quan trưng cầu giám định người ta cũng không khẳng định được rằng mẫu xương đó có phải là xương... người hay không. Theo quy trình, cán bộ của viện giám định xong, gửi kết quả giám định về cho cơ quan trưng cầu rồi yêu cầu họ lên lấy mẫu vật (trong đó có xương) về.

 

Thường thì người ta đến lấy xương về và tuyệt đối tránh để người thân của mình nằm xuống mà lại khuyết mất bất cứ mẩu thịt hay vụn xương nào; nhưng với các bộ xương vô thừa nhận thì sự việc lại không diễn ra như thế. Nhiều khi cán bộ của viện phải gọi điện, phải đánh công văn rất nhiều lần yêu cầu cơ quan trưng cầu giám định ''đến lấy các mẫu xương về''. Nhưng, người ta đã không đến lấy. Bởi, lấy về thì chính họ cũng không biết phải làm thế nào? Nếu là mẫu vật khác thì có thể đem hủy bỏ sau một khoảng thời gian đã được quy định, nhưng đây là xương người, chẳng ai dám cất giấu hay vứt bỏ các ''vị" ở một nơi nào đó. Đây là vấn đề tâm linh, là đạo đức, là thuần phong mỹ tục. Nhưng nhiều bộ hài cốt và các mẫu xương đã lưu kho mấy chục năm ròng rồi mà cán bộ viện cũng không biết phải xử lý thế nào.

 

Đúng là ''kho xương” kể trên đã có số phận thật kỳ lạ. Theo các cán bộ ở trung tâm, ngày trước, tuy hoạt động là một viện KHHS của Bộ Công an, song anh em lại ở nhờ một khu của trụ sở Công an TP Hà Nội. Tất nhiên, khi ấy thì ''kho xương" cũng ở trên cái tầng nhà cao đó. Rồi khi viện chuyển lên vùng Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc ngày nay, ''kho xương'' lại tiếp tục hành quân theo anh em lên đó. Đầu những năm 1990, viện chuyển về vùng Thanh Xuân này, ''kho xương'' lại được đóng gói nghiêm chỉnh, lỉnh kỉnh leo lên mấy chuyến ô tô trở về Hà Nội. Cuộc hành quân ấy khá... trang trọng, bởi bấy giờ xương đã nhiều và anh em thì lúc nào cũng cẩn thận lập cho mỗi hộp xương một ký hiệu, một cái túi, có giấy tờ ghi năm tháng nhận xương từ cơ quan trưng cầu giám định như thế nào. Nhiều thông tin ''thư viện xương'' còn được dán ngoài mỗi hộp nữa.

 

Lang thang với những bộ xương xấu số ở Hà Nội như thế, tôi mới chợt giật mình nghĩ rằng: Hóa ra trong dòng chảy cuộc đời vẫn còn quá nhiều cái chết bí ẩn và cô độc giữa rừng hoang, giữa lòng giếng cạn hay trong góc tối bưng và ngột ngạt của một ống khói nhà máy... Những cái chết ấy vẫn được chúng ta gọi đơn giản và thiếu trách nhiệm là... mất tích. Năm lại năm trôi qua vẫn chưa có một nấm mồ nào dành cho những người ''không địa chỉ" nằm lạnh lẽo trong căn nhà ẩm mốc giữa lòng Hà Nội này. Anh em ở trung tâm cứ nhẩm tính: Khoảng 100 bộ xương và mẫu xương ít ra phải mỗi ''vị'' một cỗ quan tài chứ, hoặc hỏa táng trên Đài Hóa thân hoàn vũ thì cũng phải mỗi ''vị'' đốt một bận chứ. Thế thì tốn tiền lắm, mua đất cho 100 người chết với 100 cỗ quan tài bây giờ đắt đỏ và tốn kém lắm. Không thể chôn quấy quá được. Chôn quấy quá chẳng thà cứ để các ''vị'' trong kho mà có chút khói nhang và ngẫm về câu “nghĩa tử là nghĩa tận” cho xong...

 

Gần đây, do quá lo lắng trước sự đầy lên của “kho xương” vô thừa nhận, trung tâm đã “thiết quân luật” bằng một quy định rất rõ ràng: Cơ quan nào trưng cầu giám định xương cốt thì sau khi xong việc, nhất thiết phải có trách nhiệm mang về lo hậu sự cho bộ xương ấy. Nếu ai không đem xương về thì không được lấy... bản kết luận giám định. Biện pháp này, gần đây đã tỏ ra rất có hiệu quả: Kho xương đã không tiếp tục đầy lên. Tuy nhiên, cái sự tồn đọng lâu nay của số hài cốt trong “kho” này vẫn đang phát tín hiệu SOS kêu cứu một cách tuyệt vọng...

 

(Theo NLĐ)

Pháp Y

'Khoảng trống' trong giám định pháp thương tật
Bác sĩ pháp y và hành trình tìm sự thật các vụ án
Bác sĩ pháp y và những điều chưa kể
Bí ẩn về một kho xương người ở Hà Nội
Bộ môn Pháp Y
Có thể nhờ người nước ngoài giám định tư pháp
Có thể xét nghiệm tóc mà biết bệnh không?
Cô gái bị bệnh "thích đàn ông"
Dấu vết cũng biết nói
Khám nghiệm pháp y bằng giòi: Nhiều bất cập
Khó khăn trong việc sao hồ sơ bệnh án
Nghề Pháp y
Nghệ thuật của pháp y (phần I)
Nghệ thuật của pháp y (phần II)
Nghệ thuật của pháp y (phần III)
Nghệ thuật của pháp y (phần IV)
Nghệ thuật của pháp y (phần V)
Nghệ thuật của pháp y - (phần cuối)
Những người làm việc với xác chế
Những người đi nhặt tử thi
Những người đi tìm câu trả lời từ tử thi
Những người “khiến” bộ xương lên tiếng
Phá án bằng công nghệ ADN
Sống cùng tử thi
Sự kiện "Hysteria tập thể" dưới con mắt các nhà khoa học
Sự phân rã phóng xạ công cụ mới cho các nhà pháp y
Trái tim Louis 17 : Cuộc hành trình dài hơn 200 năm
Viện Pháp y quân đội - những người làm sáng tỏ sự thật
Vụ tự sát lạ lùng nhất trong lịch sử
Xét nghiệm ADN lật mặt hung thủ 13 vụ hiếp dâm

THƯ MỤC Y HỌC PHỔ THÔNG
Bệnh da liễu
Bệnh hệ huyết học
Bệnh hệ hô hấp
Bệnh hệ tim mach
Bệnh hệ tiêu hóa
Bệnh hệ tiết niệu
Bệnh ngoại khoa
Bệnh nhãn khoa
Bệnh nội tiết
Bệnh tai mũi họng
Bệnh thường gặp
Bệnh thần kinh
Bệnh truyền nhiễm và ký sinh
Bệnh tâm thần
Bệnh ung bướu
Da liễu - Bệnh của tóc
Da liễu - Bệnh dị ứng
Da liễu - Bệnh ngoài da
Da liễu - Chăm sóc da
Da liễu - Các vấn đề về da
Da liễu - Mụn
Hệ cơ xương khớp - Bệnh cơ và tập luyện
Hệ cơ xương khớp - Bệnh khớp và gout
Hệ cơ xương khớp - Bệnh xương và cột sống
Pháp y
Phương tiện chẩn doán
Sức khỏe du lịch
Sức khỏe sinh sản
Thẩm mỹ