'Khoảng trống' trong giám định pháp y thương tật

Thực tiễn xét xử án hình sự cho thấy, có vụ án cả bị hại và bị cáo đều yêu cầu được giám định lại thương tật. Vậy trường hợp nào được chấp nhận, và việc giám định lại được quyền thực hiện mấy lần? Đây là vấn đề gây khó khăn, vướng mắc trong quá trình giải quyết vụ án bởi quy định pháp luật còn chung chung.

Tại vụ tai nạn giao thông xảy ra tháng 11/2003 ở Từ Liêm (Hà Nội), Nguyễn Anh Tuấn điều khiển xe máy gây tai nạn cho anh Nguyễn Văn Bình. Công an Từ Liêm trưng cầu giám thương tật và kết luận nạn nhân bị tổn hại 27% sức khỏe. Trên cơ sở này, Tuấn không bị xử lý hình sự.

Thấy sức khỏe bị tổn hại nghiêm trọng mà tỷ lệ thương tật chỉ có vậy, anh Bình yêu cầu được giám định lại, nhưng Công an Từ Liêm không chấp nhận. Hồ sơ vụ án được chuyển sang tòa án giải quyết dân sự, tòa trưng cầu giám định lại thương tật của nạn nhân. Kết quả là anh Bình bị tổn hại 36% sức khỏe, hồ sơ vụ án được chuyển về Công an Từ Liêm để khởi tố hình sự.

Lúc này, Nguyễn Anh Tuấn yêu cầu trưng cầu giám định lại sức khỏe của nạn nhân và được chấp nhận. Nhưng bị hại lại kiên quyết từ chối vì vụ tai nạn xảy ra đã 5 tháng, các vết thương đều lành, giám định lại sẽ gây bất lợi cho họ... Chính vì vậy, đến nay vụ án vẫn đang "dùng dằng" giữa khởi tố và không khởi tố hình sự.

Về vấn đề này, một thẩm phán cho rằng, vì pháp luật không quy định rõ ràng, cụ thể việc giám định lại nên rất dễ bị các cơ quan tố tụng áp dụng tùy tiện. Nếu thiên vị bên A thì họ chấp nhận yêu cầu giám định lại của bên A. Trong trường hợp không bảo vệ bên A thì không chấp nhận với lý do "xét thấy không cần thiết". Bên cạnh đó, pháp luật không quy định các đương sự được quyền yêu cầu giám định lại bao nhiêu lần, nên vấn đề này cũng do cơ quan tiến hành tố tụng quyết định. Nếu họ không công tâm, khách quan thì sẽ lợi dụng "kẽ hở" pháp luật để áp dụng tùy tiện.

Các giám định "vênh" nhau: Kết luận thế nào?

Kết quả giám định về tỷ lệ thương tật của nạn nhân có vai trò rất quan trọng. Đây là căn cứ để ra quyết định khởi tố hoặc không khởi tố hình sự, để định khung hình phạt với bị can hoặc bị cáo. Thực tế, có vụ án phải trưng cầu giám định nhiều lần và mỗi lần lại đưa ra kết luận khác nhau.

Trong vụ án cố ý gây thương tích xảy ra ở Phương Mai (Hà Nội), bị cáo Dương Hồng Dũng dùng búa tạ đập nhiều nhát vào đầu anh Vũ Hồng Phong khiến nạn nhân bị thương. Theo kết quả giám định của Tổ chức giám định pháp y Trung ương, anh Phong bị tổn hại 44% sức khỏe. Người bị hại yêu cầu được giám định lại, và Tổ chức Giám định pháp y Quân đội kết luận là 76%. Căn cứ kết quả lần 2, tòa tuyên phạt Dũng 15 năm tù. Anh ta sau đó kháng cáo yêu cầu giám định lại nạn nhân lần nữa, nhưng Vũ Hồng Phong từ chối. Trong vụ án này theo quy định tại điều 104 Bộ luật hình sự, nếu nạn nhân bị thương tật 44% thì bị cáo chỉ nhận khung hình phạt 2-7 năm tù; còn 76% thì mức án tăng lên 5-15 năm.

Rõ ràng, kết quả giám định ảnh hưởng trực tiếp và nghiêm trọng tới quyền lợi của cả bị cáo lẫn bị hại, khi nó là căn cứ để khởi tố hoặc kết tội ai đó. Có ý kiến cho rằng để giải quyết vướng mắc trên nên thành lập một tổ chức giám định pháp y cấp quốc gia gồm những chuyên gia đầu ngành về giám định pháp y với phương tiện tốt nhất phục vụ công tác. Trong các vụ án có kết luận "vênh" nhau sẽ trưng cầu tổ chức này giám định lại và kết luận của nó sẽ là cuối cùng.

Tuy nhiên, giám định pháp y là ngành khoa học đặc thù nên phương án trên cũng chưa phải là tối ưu. Ông Trần Văn Cường (Tổ chức giám định pháp y tâm thần trung ương) nói: "Không thể áp dụng cơ chế hành chính theo kiểu kết luận của tổ chức cao nhất là đáng tin cậy và có quyền phủ quyết các kết luận khác". Theo đó, trong lĩnh vực giám định pháp y, việc hai tổ chức giám định cùng một thương tật và đưa ra kết luận khác nhau (về mức độ) là dễ chấp nhận nếu ở thời điểm khác nhau. Nói cách khác, giám định viên chịu trách nhiệm về kết luận của mình. Còn việc cân nhắc, xem xét tính đúng đắn, xác thực của các kết luận đó là quyền hạn và trách nhiệm của cơ quan tiến hành tố tụng.

Ông Lương Văn Thành (Phó chánh án TAND quận Tây Hồ, Hà Nội) cho rằng: "Kết luận giám định cũng là nguồn chứng cứ. Việc xem xét đánh giá chứng cứ thế nào để đảm bảo tính chính xác, khách quan thuộc về kỹ năng của HĐXX". Trong trường hợp cần thiết, HĐXX có thể xem xét tính chính xác, tính khoa học của từng kết luận trong mối quan hệ với các tài liệu khác của vụ án. Xét thấy cần thiết, tòa có thể triệu tập giám định viên tới đối chất công khai tại phiên xử. Quyền quyết định cuối cùng thuộc về tòa án nên đòi hỏi HĐXX phải thực sự công tâm, khách quan.

Từ chối giám định lại: Không có chế tài xử lý

Theo luật sư Hoàng Ngọc Hiển (Đoàn Luật sư Hà Tây), pháp luật hiện nay vẫn chấp nhận việc từ chối giám định lại nếu nạn nhân có lý do. Thực tế, thời điểm trưng cầu giám định lại đều cách xa thời điểm gây thương tích nên bị hại từ chối là chính đáng. Bởi thời gian quá lâu, sức khỏe đã phục hồi.

Trong trường hợp bị hại kiên quyết không giám định lại, tòa án có thể căn cứ các chứng cứ khác như giấy chứng thương, giấy ra viện, hồ sơ bệnh án và xem xét vết thương... Tuy nhiên, việc tòa căn cứ những tài liệu trên chỉ chính xác trong trường hợp vết thương gây tổn hại nghiêm trọng với sức khỏe hoặc gây cố tật cho nạn nhân. Còn với trường hợp bị thương tích nhẹ, không gây cố tật thì tòa sẽ xem xét thế nào? Đây là vướng mắc, gây khó khăn trong quá trình giải quyết vụ án. Bởi vậy, pháp luật cần có chế tài xử lý nghiêm với trường hợp tòa đã trưng cầu giám định nhưng cố tình từ chối. Như vậy mới đảm bảo tính chính xác, khách quan trong quá trình giải quyết vụ án.

(Theo Pháp Luật)

 

Pháp Y

'Khoảng trống' trong giám định pháp thương tật
Bác sĩ pháp y và hành trình tìm sự thật các vụ án
Bác sĩ pháp y và những điều chưa kể
Bí ẩn về một kho xương người ở Hà Nội
Bộ môn Pháp Y
Có thể nhờ người nước ngoài giám định tư pháp
Có thể xét nghiệm tóc mà biết bệnh không?
Cô gái bị bệnh "thích đàn ông"
Dấu vết cũng biết nói
Khám nghiệm pháp y bằng giòi: Nhiều bất cập
Khó khăn trong việc sao hồ sơ bệnh án
Nghề Pháp y
Nghệ thuật của pháp y (phần I)
Nghệ thuật của pháp y (phần II)
Nghệ thuật của pháp y (phần III)
Nghệ thuật của pháp y (phần IV)
Nghệ thuật của pháp y (phần V)
Nghệ thuật của pháp y - (phần cuối)
Những người làm việc với xác chế
Những người đi nhặt tử thi
Những người đi tìm câu trả lời từ tử thi
Những người “khiến” bộ xương lên tiếng
Phá án bằng công nghệ ADN
Sống cùng tử thi
Sự kiện "Hysteria tập thể" dưới con mắt các nhà khoa học
Sự phân rã phóng xạ công cụ mới cho các nhà pháp y
Trái tim Louis 17 : Cuộc hành trình dài hơn 200 năm
Viện Pháp y quân đội - những người làm sáng tỏ sự thật
Vụ tự sát lạ lùng nhất trong lịch sử
Xét nghiệm ADN lật mặt hung thủ 13 vụ hiếp dâm

THƯ MỤC Y HỌC PHỔ THÔNG
Bệnh da liễu
Bệnh hệ huyết học
Bệnh hệ hô hấp
Bệnh hệ tim mach
Bệnh hệ tiêu hóa
Bệnh hệ tiết niệu
Bệnh ngoại khoa
Bệnh nhãn khoa
Bệnh nội tiết
Bệnh tai mũi họng
Bệnh thường gặp
Bệnh thần kinh
Bệnh truyền nhiễm và ký sinh
Bệnh tâm thần
Bệnh ung bướu
Da liễu - Bệnh của tóc
Da liễu - Bệnh dị ứng
Da liễu - Bệnh ngoài da
Da liễu - Chăm sóc da
Da liễu - Các vấn đề về da
Da liễu - Mụn
Hệ cơ xương khớp - Bệnh cơ và tập luyện
Hệ cơ xương khớp - Bệnh khớp và gout
Hệ cơ xương khớp - Bệnh xương và cột sống
Pháp y
Phương tiện chẩn doán
Sức khỏe du lịch
Sức khỏe sinh sản
Thẩm mỹ