Dấu vết cũng biết nói
Một dấu vân tay tưởng như mờ ảo, một vết răng cắn nhẹ mà mắt thường dường như không thể nhìn thấy, một vài sợi tóc tưởng như vô tình... nhưng tất cả đều có thể là những chứng cứ cực kỳ quan trọng đối với mỗi một vụ án.
Khi vết răng lên tiếng cáo buộc
Vợ chồng anh Huỳnh Phúc Giang ở phường Bình Hưng, Phan Thiết làm nghề nuôi tôm giống, làm ăn khá phát đạt. Hai anh chị thường xuyên vắng nhà, ở nhà chỉ có mẹ vợ là bà Phạm Thị Ngọc Ánh, 66 tuổi và một cô cháu họ tên là Dương Thị Thơm từ dưới quê lên ở nhờ để học nghề uốn tóc. Một lần, như rất nhiều lần khác, anh chị Giang lại vắng nhà mấy ngày liền, cả một tòa nhà to, rộng chỉ có bà Ánh và Thơm trông coi. Bỗng nhiên, buổi sáng hôm ấy, Thơm mở cửa kêu thất thanh: “Có trộm, bà con cô bác ơi!". Những người hàng xóm xung quanh nghe tiếng kêu đã đổ xô tới ngôi biệt thự và tất cả đều hốt hoảng khi nhìn thấy bà Ánh nằm sõng soài dưới sàn nhà, mình mẩy bê bết máu, miệng bị nhét khăn tắm. Thơm ngồi ôm bà Ánh, khóc nức nở. Nhiều thứ đồ đạc đắt tiền như xe máy, dàn đĩa hát, ti vi... đã bị khuân ra ngoài hành lang nhưng chưa bị kẻ trộm bê đi. Chỉ có riêng gói tiền 30 triệu đồng ở trong tủ thì bị mất. Trong nước mắt, Dương Thị Thơm kể lại: Gần sáng, cô dậy đi vệ sinh thấy cửa nhà bị mở tung, đồ đạc bị vứt ra ngoài hành lang. Cô nhận thấy nhiều bóng đàn ông chạy ra phía cửa. Phòng bà Ánh cửa cũng bị mở tung, ngó vào thấy bà Ánh đã nằm trên sàn nhà, miệng bị nhét khăn tắm. Bà Ánh không kêu được, vì thế Thơm đã bế bà Ánh ra phòng ngoài và kêu hàng xóm đến ứng cứu. Về phần bà Ánh, ngay sau đó đã được đưa đến bệnh viện cấp cứu nhưng do bị đâm nhiều nhát, mất máu quá nhiều nên đã chết.
Về hình dáng của kẻ trộm, Thơm không tả được nhiều ngoại trừ một đặc điểm mà cô cho là chắc chắn: Đó là những người đàn ông. Công tác khám nghiệm thận trọng, tỉ mỉ và cũng đã thu được nhiều dấu vết, nhưng đáng tiếc là hầu như không có dấu vết nào có giá trị truy nguyên tội phạm. Rà đi soát lại tất cả tài liệu đã thu thập được, nhóm giám định viên đặc biệt chú ý tới bức ảnh chụp vết răng để lại trên cánh tay bên phải tử thi. Hiện trường để lại cho thấy thủ phạm và nạn nhân đã có sự giằng co rất quyết liệt, vì thế, chắc chắn đây là vết cắn của thủ phạm khi bị nạn nhân chống cự. Vậy nên, kẻ để lại vết răng trên cánh tay tử thi chính là kẻ giết người.
Từ nhận định trên, công tác giám định dấu vết răng đã được các cán bộ dày dạn kinh nghiệm của Viện Khoa học Hình sự Bộ Công an và Công an tỉnh Bình Thuận cẩn trọng tiến hành. Mẫu răng của tất cả các đối tượng trong diện khả nghi đã được lấy về để so sánh. Và sau gần 3 tháng trời ròng rã, bằng các phương tiện hiện đại, công tác giám định đã hoàn tất với kết quả gây bất ngờ cho nhiều người: Dấu răng để lại trên cánh tay tử thi chính là dấu vết răng của cô cháu gái "yêu quý" Dương Thị Thơm. Tại cơ quan công an, Thơm đã khai nhận tất cả và còn đưa cán bộ đều tra đến tận nơi Thơm đã chôn gói tiền 30 triệu đồng mà thị do quá sợ hãi nên chưa kịp lấy đi...
Vết chân dính máu và sự hóa giải của những bí ẩn
Thượng tá Lê Tiến Dũng, Phó Phòng Kỹ thuật Hình sự Công an TP Hà Nội, một người đàn ông độc thân 44 tuổi, rất ngại khi bàn chuyện lấy vợ nhưng lại vô cùng hào hứng khi nói chuyện về các vụ án mà anh cùng đồng đội đã từng tham gia khám nghiệm. Một trong những vụ án để lại nhiều ấn tượng nhất cho anh trong năm 2003 vừa qua là vụ giết người ở quán karaoke Hương Nụ tại thị trấn Đức Giang, Gia Lâm. Người bị hại là bà chủ quán Trần Thị Nụ, một người đàn bà 55 tuổi, sống độc thân cùng với đứa cháu ngoại 2 tuổi và một chàng trai giúp việc 17 tuổi tên là Đồng Minh Chiến. Cả gia đình bà Nụ gồm chồng, con trai, con gái đều ở nước ngoài, chỉ có mỗi người con trai út là ở Việt Nam nhưng anh này lại đang học ở Trường Đại học Thủy sản mãi tít tận Nha Trang. Còn chàng trai giúp việc Đồng Minh Chiến thì quê ở Lạng Sơn, được bà Nụ thuê giúp việc cho bà ở quán karaoke, nhưng chỉ làm buổi tối từ khoảng 18 giờ cho đến 23-24 giờ. Mỗi buổi làm như thế, Chiến được bà Nụ trả công 5.000 đồng. Nói chung từ khi mở quán Hương Nụ, mọi công việc kinh doanh của bà Nụ diễn ra suôn sẻ, tốt đẹp cho đến trưa 9-7-2003, một ngày định mệnh, khi một người bạn cũ của bà tới chơi, thấy cửa quán mở, ông bước vào nhà và kinh hoàng thấy bà Nụ chết trên ghế xa-lông. Khi Thượng tá Lê Tiến Dũng cùng đồng đội có mặt tại quán karaoke Hương Nụ, một cảnh tượng lạnh tóc gáy hiện ra trước mắt. Thẳng cửa vào, trên chiếc ghế xa-lông cũ, bà Nụ chết trong tư thế nằm ngửa, với con dao vẫn còn cắm ngập lưỡi ở nơi vùng cổ chỉ còn lại một đoạn chuôi gỗ mà chắc là trong lúc trốn chạy thủ phạm chưa kịp rút ra để phi tang. Trên cơ thể của nạn nhân có tới 27 vết thương, trong đó có 23 vết ở vùng đầu và vùng mặt. Đồ đạc trong nhà bị xáo trộn lung tung. Máu không chỉ bê bết nơi nạn nhân nằm mà vấy đỏ ở khắp mọi nơi. Không có nhân chứng. Chỉ có một người duy nhất mà lời khai của anh ta có giá trị lúc này, đó là chàng trai giúp việc Đồng Minh Chiến. Nhưng trước sau Chiến cũng chỉ nhất mực khai rằng, khi anh ta rời quán là lúc 23 giờ 30 phút đêm 8-7, bà Nụ vẫn còn khỏe mạnh, còn mọi việc sau đó thế nào anh ta không biết. Vụ án đã có lúc tưởng như rơi vào bế tắc.
Nhưng rồi, hy vọng lại lóe lên khi trong số rất nhiều dấu vết thu thập ở hiện trường, Thượng tá Lê Tiến Dũng cùng các đồng nghiệp của anh trong đội khám nghiệm đã tìm thấy một dấu bàn chân máu ở cửa phòng vệ sinh với hướng mũi chân từ phòng vệ sinh ra phía ngoài. Máu dính ở bàn chân lại trùng với nhóm máu của nạn nhân. Thế là coi như mọi bí ẩn của vụ án đã được hóa giải từ dấu bàn chân máu này. Trung tá Nguyễn Xuân Hòa - Phó Phòng Kỹ thuật Hình sự Công an TP Hà Nội - người đã cùng với đồng đội trực tiếp giám định đường vân của mẫu bàn chân dính máu. Anh bảo: "Kết quả giám định cho thấy đó chính là vân chân của Đồng Minh Chiến, người giúp việc của bà Nụ. Chiến đã bị bắt ngay sau đó trong khi y vẫn hí hửng tưởng rằng mình đã thoát tội nhờ những lời khai khôn khéo ở cơ quan công an trước đây".
Giải oan nhờ dấu vết
Dấu vết vạch mặt kẻ phạm tội nhưng dấu vết với tính khách quan của nó cũng đã lên tiếng minh oan cho người vô tội ngay cả trong những tình huống tưởng như không thể. Vào một ngày đẹp trời có một người đàn ông tìm đến cơ quan công an xin được đầu thú về hành vi giết người hiếp dâm. Theo lời khai của anh này thì lợi dụng lúc vắng người, anh ta đã đột nhập vào ngôi nhà 3 tầng số... ở đường Hoàng Quốc Việt bằng cách leo lên tum rồi tụt xuống tầng 1. Trong nhà lúc đó có một nữ sinh đang học bài. Sau khi khống chế cô gái này để cướp đi nhiều tài sản quý của gia đình, anh ta còn hiếp cô gái. Đúng là tại số nhà ấy đã xảy ra một vụ trọng án nội dung y hệt thế, và cơ quan điều tra đang tập trung rất nhiều công sức để ráo riết truy lùng thủ phạm của vụ án này mà chưa thấy. Thế nhưng, cũng cần phải nói thêm rằng, sau khi vụ án xảy ra, công tác khám nghiệm hiện trường đã thu thập được rất nhiều dấu vân tay của thủ phạm để lại trên các đồ vật trong ngôi nhà. Vì thế, người đàn ông đầu thú đã buộc phải lăn tay để kiểm tra lại độ xác thực của những lời... thú nhận. Và, kết quả thật bất ngờ: Dấu vân tay của người đàn ông này không trùng với dấu vân tay của thủ phạm. Ít lâu sau, thủ phạm đích thực của vụ án bị Công an TP Hà Nội bắt giữ. Chuyện đầu thú của người đàn ông kỳ dị nọ cũng được làm rõ. Thì ra, đó là một người đàn ông khùng, mê phim kinh dị và thích nổi tiếng theo kiểu người điên. Sau khi đọc báo biết được chi tiết của vụ án anh ta đã tự xưng mình là thủ phạm, tự tìm đến cơ quan công an đầu thú để được... nổi tiếng (?!).
Cách đây không lâu, Công an tỉnh Bình Phước nhận được đơn tố cáo của bà Võ Thị T. ở thị xã Lộc Ninh. Bà T. tố cáo một chàng trai tên là L. ở gần nhà bà đã lợi dụng tình trạng thần kinh không ổn định của con gái bà để hiếp dâm. Đến nay, con gái bà đã sinh được một bé trai đặt tên là A. Con gái bà T. tuy lúc nhớ lúc quên nhưng cũng khẳng định rằng L. chính là cha đứa bé. Nhưng khi cơ quan công an gọi hỏi L. thì anh ta cứ nhất mực kêu oan. Và, thế là lại phải cậy nhờ đến dấu vết, trong trường hợp này chỉ có thể là gien, một dấu vết di truyền. Công an tỉnh Bình Phước đã phải tiến hành trưng cầu giám định gien của anh L., cháu A. và con gái bà T. tới Viện Khoa học Hình sự. Và, kết quả trái với những gì bà T. phán đoán và mong muốn. Thế là mọi điều tiếng oan ức mà bấy lâu anh L. phải gánh chịu đã được giải tỏa.
Đặng Huyền