Có thể nhờ người nước ngoài giám định tư pháp
(VietNamNet) - Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn Yểu đã tán thành việc trưng cầu cá nhân, tổ chức nước ngoài thực hiện giám định tư pháp tại buổi lấy ý kiến UBTVQH về dự án Pháp lệnh Giám định tư pháp chiều 20/8.
Cụ thể, trường hợp khả năng chuyên môn, điều kiện về trang thiết bị, phương tiện giám định trong nước không đáp ứng được yêu cầu giám định thì cơ quan tiến hành tố tụng có thể trưng cầu tổ chức, cá nhân nước ngoài thực hiện giám định.
Cũng trong xu hướng xã hội hoá, ngoài các tổ chức giám định tư pháp, các tổ chức chuyên môn thuộc Nhà nước hoặc ngoài khu vực Nhà nước cũng có thể được trưng cầu thực hiện giám định theo vụ việc.
Ông Trần Thế Vượng, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật cho rằng, cần lập danh sách những người có trình độ chuyên môn có tư cách đạo đức tốt, uy tín nghề nghiệp lập thành danh sách phục vụ giám định. ''Không nên cầu toàn vào danh sách, cũng không bó vào người đang làm việc mà có thể đã nghỉ hưu'', Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn Yểu bổ sung.
Vấn đề bồi thường oan sai cũng được đặt ra khi dự thảo Pháp lệnh quy định trách nhiệm bồi thường thiệt hại của người giám định trong trường hợp giám định sai do lỗi cố ý của mình gây ra.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Uông Chu Lưu thì bảo vệ quan điểm: ''Chỉ định một số tổ chức giám định tư pháp hoặc tổ chức chuyên môn có đội ngũ chuyên gia giỏi, trang bị bảo đảm được thực hiện giám định cuối cùng. Hội đồng giám định chỉ được thành lập trong trường hợp không có tổ chức nào có đủ khả năng giám định cuối cùng hoặc khi cơ quan giám định cao nhất như Viện Pháp y, Viện Khoa học hình sự đã giám định lần đầu và giám định lại''.
Có ý kiến khác cho rằng không nên quy định cụ thể các tổ chức nói trên được thực hiện giám định cuối cùng. Trong trường hợp có xung đột kết luận giám định thì Bộ trường Bộ chủ quản phải thành lập Hội đồng giám định bao gồm các chuyên gia giỏi để thực hiện giám định cuối cùng.
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn Yểu, cần có điểm dừng trong giám định tư pháp. Tuy nhiên, ''vấn đề này vẫn mở ra để anh em tiếp tục bàn'', ông nói.
Kết luận buổi thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn Yểu tán thành việc cấp thẻ cho giám định viên tư pháp. Ông Yểu cũng tán thành đề nghị của Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Vũ Đức Khiển bổ sung quy định người trưng cầu giám định phải nhận lại vật cần giám định.
Dự thảo Pháp lệnh Giám định tư pháp dự kiến sẽ được xem xét, thông qua tại phiên họp thứ 22 của UBTVQH vào cuối tháng 9 tới. Pháp lệnh này sẽ thay thế cho Nghị định số 117/HĐBT ngày 21/7/1998.
-
Văn Tiến