Nghệ thuật của pháp y (phần V)
Những bức vẽ nhiều khi có hiệu quả hơn hẳn so với ảnh chụp vì họa sĩ có thể thêm vào khuôn mặt trong tranh một số đặc điểm riêng theo ý muốn. Nhiều trường hợp, nét thêm vào làm biến dạng khuôn mặt, nhưng bức ảnh lại trở nên sống động hơn và gợi nhớ tốt hơn cho những người làm chứng.
Taylor giải thích: “Việc vẽ lại người đã chết như khi họ còn sống là một thách thức lớn vì thông thường khuôn mặt của một người hiện lên trong trí nhớ của một người khác thường ở dạng động chứ không phải ở dạng tĩnh. Khuôn mặt tái tạo phải thật sinh động, và tôi coi đó là phần việc khó nhất”.
Tuy nhiên, nghệ thuật pháp y không chỉ đơn giản là vẽ lại. Taylor từng thực hiện một bức tượng điêu khắc miêu tả chính xác khuôn mặt ở cả 3 chiều từ một bộ xương sọ. Vì thế, cô đã phải tới học Betty Pat Gatliff.
Ảnh dựng lại của Gatliff dựa vào xương sọ của nạn nhân. |
Gatliff từng có thâm niên thực hiện các hình mẫu kỹ thuật trong hải quân, sau đó là 20 năm vẽ tranh minh họa, phục vụ ngành y tế của không quân. Bà thường làm việc cho nhà nhân chủng học, Tiến sĩ Clyde Snow. Chính những kinh nghiệm trong ngành điêu khắc đã giúp bà trở thành người hỗ trợ cho các chuyên gia pháp y.
Công việc đầu tiên của Gatliff là tái tạo một khuôn mặt cho cảnh sát vào năm 1967. Lúc đó, bà hợp tác với Snow để phác họa chân dung của một lính hải quân bị chết mà không xác định được danh tính. Trong 3 thập kỷ sau đó, Gatliff tham gia giúp đỡ cảnh sát trong khoảng hơn 200 vụ án với công việc chính là tạo ra các bức tượng người dựa vào xác của họ. 9 người trong số đó là nạn nhân của vụ án kẻ giết người hàng loạt nổi tiếng với biệt danh "Thằng hề".
Ảnh thật của nạn nhân. |
Các bước thông thường trong công việc của Gatliff là tạo ra bề mặt nền của bức tượng dựa vào cấu trúc xương sọ, bề dày dự tính của các cơ, lượng mỡ của cơ thể và những dự tính khác về da và các cơ nối. Để làm việc đó, bà phải dựa vào sơ đồ cơ từ phía ngoài vào đến phía trong mà các nhà nhân chủng học thường dùng. Khi đã biết lớp “da thịt” cần có độ dày khoảng bao nhiêu, bà sẽ dùng những mốc đánh dấu độ dày của chúng. Sau đó, bà tạo ra lớp phủ bằng đất sét trên khuôn mặt để tượng trưng cho từng phần ấy.
Có rất nhiều cách để phát triển những nét tiêu biểu mang tính đại diện của cá tính con người trên khuôn mặt một bức tượng. Vì các mô và phần xương sụn luôn bị phân hủy sớm nên Gatliff thường phải tìm cách dự tính số đo của các bộ phận trên mặt, chẳng hạn như mũi. Bà nói: “Về bề ngang của mũi thì chúng tôi dựa vào bề rộng của lỗ mũi. Sau đó, chúng tôi tăng nó lên khoảng 5milimét ở mỗi bên để ước lượng chiều rộng thật sự. Phép chiếu đơn giản nhất là căn cứ vào phần xương mũi ngay ở phía dưới thành vách ngăn. Sau đó nhân chỉ số này với 3. Rồi thực hiện phép quy chiếu để đo chiều dài của xương mũi, nếu chiều dài bằng 8 thì con số cần có là 24. Tóm lại, chúng tôi sử dụng đồng thời hai cách là đo chiều rộng và quy chiếu. Khi nối chúng lại với phần sống mũi thì chiếc mũi coi như đã hoàn thành. Trong suốt 30 năm nay, công thức này cho kết quả rất chính xác”.
Để hoàn thành khuôn mặt bức tượng, Gatliff thêm vào khuôn mặt đôi mắt. Nếu như tìm thấy vài sợi tóc ở xác chết, bà sẽ tạo ra một mái tóc nhân tạo có cùng màu và độ dày của sợi tóc. Bức tượng của bà coi như đã hoàn thành và đến phần việc của thợ chụp ảnh.
Ngoài công việc chuyên môn, Gatliff còn mở các lớp dạy về kỹ năng pháp y. Taylor đã tham gia vào một trong các lớp học đó. Cô nói: “Theo tôi, việc tạo ra khuôn mặt từ xương sọ nói chung được chia làm hai phần. Phần đầu tiên thuần túy kỹ thuật và phần thứ hai mang tính nghệ thuật. Tôi có thể dạy các học viên về nhiều loại cơ khác nhau phủ trên hộp xương sọ và những phần mô mềm có liên quan. Tuy nhiên, trong quá trình đó, bản năng của người nghệ sĩ đóng vai trò rất quan trọng. Vì đã vẽ hàng nghìn khuôn mặt trong đời, họ tự phát triển một loại kỹ năng rất đặc biệt về cảm nhận. Một cách vô thức, họ "thu thập" được một bộ những nét luôn đi đôi với nhau trên một khuôn mặt. Tôi cho rằng, pháp y, vì thế, là một môn kết hợp cả hai yếu tố khoa học và nghệ thuật. Luôn có sự kết hợp của một người nghệ sĩ tạo hình và một nhà khoa học pháp y trong quá trình điều tra các vụ án. Nhà khoa học có thể là nhà nghiên cứu bệnh học, nha học hoặc nhân chủng học”.
Trong suốt 3 năm liên tục, Taylor làm việc với những bức tượng để xác định nhân dạng của người chết. Chính từ việc làm đó cô đã phát triển được một kỹ thuật mới. Cô nói: “Tôi khá quen với cách tạo ra bộ mặt trên xương sọ theo phương pháp hai chiều. Việc tôi phải làm là kết hợp những chỉ số về độ sâu của cơ bắp trên khuôn mặt với nhiều hình thức phát triển khác nhau của các nét mặt. Trước đây, rất nhiều người đã tìm cách dựng nên một bức ảnh dựa vào xương sọ bằng cách úp một tờ giấy phẳng lên khuôn mặt. Giờ đây, khi đã hiểu phương pháp của Betty, tôi cho rằng phải làm khác đi. Tôi sẽ bắt đầu bằng cách vẽ dựa vào phần nền là xương sọ của hộp sọ. Tôi dùng những dụng cụ đánh dấu bằng cao su giống như trong phương pháp tạo tượng 3 chiều và sau đó chụp ảnh những vị trí đánh dấu ấy. Tôi tạo ra phần trán và gáy của hộp sọ theo đúng cỡ của người thật và lắp chúng vào hộp sọ. Sau đó tôi vẽ lại theo đúng kích thước thật dựa vào bức ảnh chụp hộp sọ”.
Khi phương pháp này chứng tỏ tính đúng đắn của nó, Taylor được mời dự một buổi hội thảo quốc tế của FBI, năm 1990. Sau đó, cứ 6 tháng một lần, cô tới Quantico để dạy các lớp về kỹ thuật của mình. Cô cho rằng hai phương pháp dựng tượng 2 chiều và 3 chiều có tác dụng tương tự nhau nên được áp dụng phổ biến như nhau. Chỉ trong trường hợp hộp sọ tìm được đã hỏng và dễ vỡ thì phương pháp dựng theo 2 chiều mới chứng tỏ có hiệu quả hơn hẳn.
Ngoài việc vẽ và tái tạo, Taylor còn tạo ra hình ảnh trên máy tính với những chương trình phần mềm tạo ra được nét già đi trên khuôn mặt. Theo cô, đó là lĩnh vực mà máy tính phát huy hiệu quả nhất. Tuy vậy, ngay cả với sự chính xác và tinh xảo của máy tính, người tạo hình vẫn phải cần tới sự viện trợ của những môn khoa học bổ trợ như giải phẫu phần mặt hay nhân chủng học.
Taylor đã được mời làm việc trong rất nhiều trường hợp để giúp giải quyết các vụ án khó, trong đó tiêu biểu nhất là vụ của Virgilio Paz Romero. Tên này bị tình nghi giết hại đại sứ Chile tại Mỹ và trợ lý của ông. Taylor chỉ được xem một số ảnh cũ, rất mờ của nghi phạm. Sau khi làm việc với bức ảnh, cô dự tính rằng đến thời điểm chính quyền Mỹ truy lùng tên này, hắn vẫn có dáng người thanh mảnh như khi gây án. Nhiều khả năng hắn còn là người rất năng động. Vì thế, cô quyết định vẽ hắn với một chiếc áo sơ mi đỏ.
Bức ảnh mà cô tạo ra được phát trên TV, và chỉ 3 ngày sau, Paz đã bị bắt. Đúng như linh tính của Taylor, lúc bị bắt hắn đang mặc một chiếc áo đỏ.
Giờ đây, Taylor không còn làm ở sở cảnh sát về pháp y nữa mà đã tập trung vào công ty của riêng mình. Quyển sách tiếp theo của cô có tựa đề "Thấu hiểu khuôn mặt người", trình bày những gì cô học và thu lượm được qua thực tế. Nhiều chuyên gia cho rằng đó là một cuốn kinh điển trong dòng sách pháp y.
Xuân Tùng dịch