Nghệ thuật của pháp y (phần III)
Polly Klaas. |
Chiều tối 1/10/1993, Polly Klaas mời hai bạn gái tới dự tiệc tại nhà riêng ở Petaluma, California. Về khuya, 3 cô bé chơi đùa trong phòng của Polly, cố gắng không tạo ra tiếng ồn vì biết mọi người trong nhà đã ngủ. Bỗng một gã thanh niên lừng lững, đầy mùi rượu xuất hiện với một con dao trên tay. Hắn đột nhập qua đường cửa sổ.
Hung thủ đội một chiếc khăn thêu hoa quanh đầu, xách Polly ra khỏi nhà. Hai người bạn chỉ còn biết gọi điện cho cảnh sát.
Tại hiện trường, các điều tra viên phát hiện dấu vân tay của kẻ tấn công. Dựa vào miêu tả của hai cô gái và hơn 900 mẫu chân dung của mình, nhà khoa học pháp y Ralph Pata đã dựng lên bức chân dung của tên tội phạm. Tuy nhiên, cả tuần sau đó, cảnh sát vẫn không sao có được thêm manh mối để giải quyết vụ án.
Nhà hình sự pháp y Jeanne Boylan vào cuộc. Cô là người có khả năng tuyệt vời trong việc trấn an các nạn nhân còn hoảng hốt sau khi vụ án xảy ra, giúp họ nhớ lại những chi tiết về kẻ phạm tội. Làm được vậy bởi chính cô cũng từng là nạn nhân của một vụ bạo hành. Boylan phát triển một kỹ thuật khác với việc vẽ ảnh của kẻ tình nghi. Chân dung mà cô dựng lên thường nhờ vào việc khai thác nhân chứng từ góc độ tâm lý. Cô đặt ra nhiều câu hỏi mà các nhà hình sự pháp y khác cũng không bao giờ nghĩ tới. Boyland bỏ qua những miêu tả quá cụ thể và chi li về nhân diện, chỉ tập trung vào cảm giác mà các nét mặt tạo ra.
Phương pháp của Boylan nhấn mạnh việc khắc phục cảm giác nghi ngại của nhân chứng về độ chính xác trong miêu tả của họ. Họ muốn giúp đỡ cảnh sát, nhưng sự lo lắng của cảnh sát rất dễ lây sang họ, đặc biệt trong trường hợp nạn nhân của các vụ bắt cóc vẫn còn sống.
Trong vụ án của Polly, Boylan nói chuyện với 2 nhân chứng về các chủ đề thông thường hợp với lứa tuổi của các em và thêm vào đó một ít câu hỏi về vụ án. Cách hỏi chuyện đó tạo cho hai cô bé cảm giác yên tâm, giúp các em hồi tưởng chính xác những ấn tượng về hình dạng của kẻ tấn công. Boylan cũng tránh hỏi về những nét cụ thể trên mặt của kẻ tấn công vì đó là điều rất khó đối với một người bình thường. Phải mất rất nhiều thời gian cho những buổi nói chuyện như vậy, cuối cùng cô cũng đưa ra được một bức chân dung có nhiều đặc điểm cụ thể và rõ ràng hơn hẳn so với bức chân dung được tạo ra trước đó.
Ảnh dựng về chân dung của Richard Allen Davis. |
6 tuần sau, Richard Allen Davis đã bị bắt. Hắn có dấu vân tay trùng với dấu vết hiện trường, và trước đó từng có 2 tiền án về tội bắt cóc và đang được tại ngoại chờ đến ngày xét xử. Bức chân dung mà Boyland đưa ra giúp cảnh sát thu hẹp diện tình nghi và cuối cùng khi bị bắt, hắn đã cúi đầu nhận tội.
Hắn khai đã bắt Polly đi tới một điểm ở phía bắc San Francisco, hãm hiếp và bóp cổ cô bé cho tới chết.
Ảnh thật của Richard Allen Davis . |
Ngày 4/12/1993, Richard dẫn cảnh sát tới nơi hắn vứt xác của Polly. Tháng 6/1996, hắn bị buộc 8 tội bao gồm bắt cóc và giết người cấp độ một và bị kết án tử hình.
Nhưng thành công lớn nhất của Boylan lại không dẫn tới việc bắt giữ tên tội phạm. Năm 1994, cảnh sát Mỹ đau đầu về việc trong suốt 15 năm liền, một tên tội phạm đã giết 3 người và làm bị thương 29 người khác, mà vẫn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật. Năm 2001, Boylan được cảnh sát mời tới để hỗ trợ công tác điều tra. Tài năng của cô đã giúp các nhân chứng nhớ lại chính xác những gì họ nhìn thấy cách đó đã lâu. Bức chân dung do Boylan phác họa đã giúp cảnh sát bắt được Ted Kaczynski, dù tên sát nhân đã tự làm gãy mũi mình để thay đổi nhân dạng, hòng trốn thoát.
Ngoài những hình vẽ, các nhà khoa học pháp y còn có thể tạo ra những bức tượng căn cứ vào các chứng cứ và lời miêu tả của nhân chứng. Nổi bật trong số họ về khả năng này là nhà hình sự pháp y Karen T. Taylor.
Tái tạo cả một khuôn mặt
Karen T. Taylor. |
Trong suốt 18 năm, Karen T. Taylor, tác giả của cuốn sách "Nghệ thuật pháp y", là nhân viên của Sở An sinh Xã hội bang Texas (DPS). Trước đó, cô đã học điêu khắc tại Bảo tàng tượng sáp Madame Tussaud (London) trong suốt 3 năm. Cho đến năm 1981, công việc của Taylor tại DPS là làm những tấm biển báo an toàn dùng trong giao thông và một số công việc khác.
Một hôm, cảnh sát tới tìm Taylor và nhờ cô hợp tác với họ trong việc xây dựng ảnh nhận diện một tên tội phạm. Taylor được sắp xếp nói chuyện với một bé gái 8 tuổi, là nhân chứng của vụ tai nạn xe cộ đã gây ra cái chết của người anh họ. Cô đã kịp nhìn thấy người lái xe và miêu tả chính xác khuôn mặt hắn. Nhờ bức chân dung mà Taylor tạo ra qua lời kể của cô bé, cảnh sát bắt được tên tội phạm. Đó là thành công đầu tiên của Taylor trong nghề nghiệp mới và là bước khởi đầu thuận lợi cho những đột phá của cô sau này.
Kỳ trướcXuân Tùng dịch