Viện Pháp y Quân đội - những người làm sáng tỏ sự thật
Cục Quân y, Tổng cục Hậu cần có một đơn vị mà đội ngũ cán bộ, nhân viên mặc áo blu trắng nhưng lại làm công việc rất đặc biệt, đó chính là Viện Pháp y Quân đội. Tiền thân là Phòng Pháp y Quân đội (ra đời năm 1962), từ yêu cầu nhiệm vụ của quân đội và nhu cầu của xã hội, Viện Pháp y Quân đội hiện nay đã trở thành đơn vị pháp y có uy tín của nước nhà.
Viện Pháp y Quân đội thực hiện chức năng giám định pháp y theo quy định của pháp luật tố tụng và Pháp lệnh giám định tư pháp; nghiên cứu khoa học chuyên ngành, tham gia đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ pháp y và hoạt động hợp tác quốc tế về pháp y... Câu chữ thì vậy nhưng hiểu nôm na, những bác sĩ, kỹ thuật viên, giám định viên ở đây làm công việc mổ xẻ, khai quật, xét nghiệm, phân tích, giám định... để có một kết luận khoa học, chính xác nhất về một nguyên nhân, một sự việc gắn với từng số phận con người cụ thể. Tôi đã từng tìm hiểu công việc của những người lính ở đây khi xảy ra thảm họa trong cơn bão Chan Chu năm 2006. Hàng chục thi thể đồng bào ở miền Trung không còn điều kiện để thân nhân nhận dạng, các giám định viên của Viện Pháp y Quân đội đã không quản gian khó, ba tháng liên tục làm hàng nghìn mẫu xét nghiệm, giúp xác định chính xác danh tính của từng thi thể. Hàng trăm trường hợp giám định từ tử thi, người sống, tang vật... đã giúp các cơ quan tố tụng, điều tra làm sáng tỏ sự thật. Có những vụ việc (hình sự) chỉ còn sót lại một ít dấu vết, các anh cũng đã tìm ra chứng cứ duy nhất, giúp cơ quan điều tra xác định và bắt được đối tượng gây án. Đặc biệt, quá trình nghiên cứu, ứng dụng kỹ thuật khoa học bằng giám định dựa trên kỹ thuật sinh học phân tử, thông qua xác định ADN trên xương để nhận dạng được hài cốt liệt sĩ. Kỹ thuật này cũng được áp dụng để nhận dạng hài cốt lính Mỹ mất tích trong chiến tranh (giám định MIA), góp phần tích cực vào nhiệm vụ đối ngoại của Quân đội và Nhà nước, đóng góp tích cực vào việc bình thường hóa quan hệ Việt-Mỹ.
Công việc chuyên môn của những cán bộ, nhân viên ở đây được thực hiện với cường độ làm việc rất cao: 360 ca/năm, nghĩa là bình quân ngày một ca (mỗi ca cần nhiều kỹ thuật xét nghiệm). Thời gian, địa bàn thì bất kể: nửa đêm cũng lên đường, gần thì xe máy, ô tô, xa thì tàu hỏa... bàn chân của các anh có mặt ở khắp mọi miền Tổ quốc. Có thể hình dung thế này, một vụ việc nào đó (đa phần liên quan đến vụ án) vừa xảy ra, cũng có thể đã được chôn cất hàng tháng trời... giám định viên pháp y đến để khai quật, mổ xẻ, lấy mẫu vật xét nghiệm theo phương châm “kịp thời, chính xác, khoa học, khách quan và bí mật”. Trao đổi với chúng tôi, đại tá, PGS, TS Nguyễn Trọng Toàn, Viện trưởng cho biết: Những chứng cứ, kết luận của giám định viên pháp y là cơ sở đặc biệt quan trọng để cơ quan điều tra có kết luận bản chất của một vụ việc, hoặc khi giám định hài cốt liệt sĩ Quân đội ta hy sinh nhiều chục năm qua, là điều kiện để minh chứng rõ ràng, xác định đúng những bí mật nằm sâu trong lòng đất. PGS Nguyễn Trọng Toàn bộc bạch:
- Công việc của giám định pháp y là tìm ra sự thật nên chúng tôi thường gọi là “nghề nói thật”. Để “nói thật” được, cán bộ, nhân viên phải làm chủ được khoa học, kỹ thuật nhưng đồng thời có tâm đức trong sáng và lòng nhiệt thành, yêu công việc.
Lòng nhiệt thành của các giám định viên pháp y khó có nghề nào so sánh bởi sự vất vả của nó. Ví dụ một ca khai quật tử thi, tiền thù lao từ 80 đến 150.000 đồng nhưng độc hại thì… khó kể, nhất là nguy cơ phơi nhiễm các vi sinh vật độc hại. Không ít lần các anh đi với nhau một chuyến xe, cười nói vui vẻ nhưng lúc về, cũng chuyến xe ấy, bạn đi cùng ai cũng ngại ngồi gần các giám định viên. Mùi tử thi ám ảnh, ngăn cách... gây nên chứng “bệnh” độc hại về tâm lý còn khó xử hơn. Có bác sĩ, giám định viên của Viện, gần ba chục năm công tác rồi, vợ con, hàng xóm cũng chỉ biết anh là bác sĩ quân y chứ không dám hé lộ phần công việc khó khăn ấy.
Nhu cầu của xã hội về giám định huyết thống, tìm cha mẹ, con cái, anh em, dòng tộc... ngày càng nhiều, Viện Pháp y Quân đội đang tích cực nghiên cứu, ứng dụng hiệu quả nhiều đề tài khoa học vào thực hiện nhiệm vụ và nơi đây đã và đang là địa chỉ tin cậy để “tìm ra sự thật, nói đúng sự thật” trên nhiều lĩnh vực.
Ngô Anh Thu