Cẩn trọng khi phẫu thuật bằng laser
Tia laser được ứng dụng rộng rãi trong phẫu thuật mắt. |
Các thống kê của Hiệp hội Y học-laser của Mỹ (ASLMS) cho thấy, dù có thực hiện các biện pháp bảo vệ tối đa và bác sĩ phẫu thật bằng laser có tay nghề siêu hạng, vẫn có tới 5-15% năng lượng của tia laser gây tổn thương các vùng xung quanh khu vực giải phẫu.
Hằng năm, tại Mỹ có tới 1 triệu ca phẫu thuật được thực hiện với sự giúp đỡ của kỹ thuật này. Máy phát laser có cấu tạo tinh xảo như máy vi tính, công năng của nó rất lớn, vì thế nếu để xảy ra một sơ suất, dù là rất nhỏ, thì hậu họa cũng vô cùng nguy hiểm. Tia laser là chùm sáng đơn sắc có năng lượng rất cao nên 1% năng lượng không thể kiểm soát này cũng đủ để phá huỷ các mô tiếp giáp, đầu dây thần kinh, mạch máu, tổ chức mô sống dưới biểu bì…
Cho tới nay, tại Mỹ chưa có bệnh nhân nào thiệt mạng vì phẫu thuật sử dụng công nghệ laser, song 25% người được phẫu thuật da bằng kỹ thuật trên đã bị mất sắc tố và gần 10% bị dị ứng hoặc nhiễm trùng do tổn thương dưới lớp mô.
ASLMS cũng lên tiếng cảnh báo tác hại hết sức to lớn mà công nghệ laser đem lại, nếu người sử dụng không có tay nghề vững chắc và thâm niên làm việc nhiều năm với các thiết bị laser. Tổ chức này cho rằng, kỹ thuật laser nằm vào tay các bác sĩ thiếu kinh nghiệm còn nguy hiểm hơn cả dao mổ. Vì vậy, họ quy định chỉ có những nhà phẫu thuật đạt trên 150 giờ thực tập với thiết bị laser mới được phép làm người mổ chính.
Lao Động (theo Laser Medicine 4/2000)