CỨU SỐNG MỘT BỆNH
NHÂN BỊ VỠ TIM NGUYỄN HƯNG n Đây là trường hợp bệnh nhân bị vỡ
tim ở thất phải do chấn thương ngực kín rất ít khi gặp đã được cứu sống. n Bệnh nhân đã có dấu hiệu hồi phục
tốt. VÀO VIỆN LÚC CẬN KỀ CÁI
CHẾT Vào lúc 19h ngày
17/1/1999, trong khi ẩu đả, nạn nhân Bùi Văn Chót ngụ tại 7/4 Bình Thọ, Thủ
Đức, TPHCM, bị hai người dùng gậy đánh vào tay phải và ngực. Nạn nhân té xỉu
và được đem ngay đến Bệnh viện Thủ Đức bằng xe ba gác trong tình trạng mạch,
huyết áp không có. Bệnh viện Thủ Đức đã truyền dịch và chuyển bệnh nhân đến
Bệnh viện Nhân Dân Gia Định lúc 22h cùng ngày với chẩn đoán: Chèn ép tim
cấp nghi tràn máu màng tim do đả thương. Tại khoa Cấp cứu Bệnh viện
NDGĐ, mạch, huyết áp của bệnh nhân không đo được, da xanh, tiếng tim mờ.
Bệnh nhân được truyền nhanh Lactate Ringger và ngay sau đó được nhập vào Hồi
sức ngoại lúc 22h05'. Khám tại khoa Hồi sức
ngoại cho thấy, mạch của bệnh nhân: 128, huyết áp: 4/0, nhịp đập: 36,8... Bệnh nhân hốt hoảng, da
xanh, vã mồ hôi, vật vã người, có vết trầy xuớc 10 cm trước ngực trái, tĩnh
mạch cổ nổi, tim nhanh, nhỏ, tiếng tim mờ và sưng 1/3 dưới cẳng tay phải, ấn
đau. Siêu âm tim khẩn trong đêm (lúc 2h20') cho thấy: có tràn dịch màng tim
lượng ít; siêu âm lần 2 (vào lúc 8h45' sáng ngày 18/1) cho biết: tràn dịch
màng tim, lượng dịch tăng lên so với lần 1... Bệnh nhân Bùi Văn Chót
tiếp tục được tích cực truyền dịch, tiêm thuốc điều trị và ngay sau đó một ê
kíp bác sĩ của bệnh viện lập tức tiến hành hội chẩn. Hội chẩn dưới sự chủ
trì của GS. BS Nguyễn Thế Hiệp (Giám đốc bệnh viện) đã thống nhất chẩn đoán:
Bệnh nhân bị tràn máu màng tim do vỡ tim kèm gãy kín 1/3 dưới xương trụ
phải, và đưa ra quyết định: mổ khẩn. MỒ CỨU SỐNG BỆNH NHÂN Anh Bùi Văn Chót được đưa
vào phòng mổ. Kíp mổ gồm GS. BS. Nguyễn Thế Hiệp (mổ chính), BS. Khánh, BS.
Hải. Gây mê có BS. Đỗ Tất Tạo, BS. Thoan, BS. Sơn, KTV Dung. Bệnh nhân được
gây mê nội khí quản. Đúng 10h trưa ngày 18/1
vết dao mổ đầu tiên được thực hiện. Dao rạch da liên sườn 5 trước bên vào
xoang ngực, thành ngực không chảy máu, trong khoang màng phổi trái không có
máu. Màng tim căng to, tím, bất động. Tiếp tục xẻ màng tim, tràn ra khoảng
150ml máu loãng và 200g máu cục rơi ra với áp lực cao. Trái tim được đưa ra
một phần màng tim, tim đập tốt trên tay. Lúc này, các bác sĩ phát hiện thấy
ở tim một vết thủng ở mặt trước tâm thất phải sát cạnh nhánh động mạch
vành trước, lỗ thủng trên nền cơ tim bị dập lan xuống mõm tim (diện tích
vùng dập 2x4cm), cơ xung quanh lỗ thủng bị mủn. GS. BS Nguyễn Thế Hiệp lập
tức khâu tuần tự khoảng 5 mũi khâu hình chữ X để bịt cầm máu lỗ thủng và
tránh không phạm vào nhánh động mạch vành. Lỗ thủng được khâu, máu ngừng
phun, các bác sĩ đắp đúng vùng cơ tim đã khâu, kiểm tra lại việc cầm máu.
Sau cùng đóng lại một phần màng tim, kiểm tra thấy phổi bình thường, đặt dẫn
lưu màng phổi trái và đóng thành ngực của bệnh nhân lại. Cuộc phẫu thuật kết
thúc lúc 11h20' sau gần 1 tiếng rưỡi đồng hồ vất vả căng thẳng. Gặp chúng tôi, GS. BS
Nguyễn Thế Hiệp nói: "Tôi không dám khâu tăng cường thêm vì hình dạng vết
thương không cố định, máu phun nhòe nhoẹt, tim lại đập nẩy nẩy, vết thương
sát gần động mạch vành trái do đó dễ khâu nhằm phải nó. Nếu khâu thêm vài
mũi e đụng phải động mạch vành làm tắc nghẽn mạch dẫn đến chết tim". Cũng do
không dám khâu tăng cường nên GS. BS Nguyễn Thế Hiệp cho biết thêm: "Sau mổ
tôi lo do áp lực tim ở vùng tâm thất mạnh chỉ khâu bị bục ra dẫn đến bệnh
nhân chết do vỡ tim thứ phát". Theo bác sĩ gây mê - hồi
sức Đỗ Tất Tạo cho hay ở trường hợp này, riêng bản thân việc chèn ép tim cấp
có thể dẫn đến tử vong cho bệnh nhân, do đó phải giữ cho tim không đập quá
chậm dưới 100 lần phút. Sau khi giải phóng chèn ép tim cấp mổ ra máu cục và
máu thì phải hạ huyết áp đúng mức để phẫu thuật viên thực hiện khâu dễ dàng
hơn. Công việc sau khi mổ là
bệnh nhân được điều trị như một trường hợp bị nhồi máu cơ tim nặng. Cơ tim
được bảo vệ tối đa, tránh hoại tử vùng dập, tránh bục chỉ khâu dẫn đến vỡ
tim thứ phát, tiếp tục giữ huyết áp ở tình trạng thấp nhất nhưng an toàn vừa
đủ tưới máu cho động mạch vành, não, thận. Được biết ngày 28/1,sau 10
ngày điều trị, bệnh nhân Bùi Văn Chót đã có dấu hiệu hồi phục tốt và được
chuyển xuống tiếp tục điều trị ở khoa Nội tim mạch. Ngày 1/2, qua điện
thoại, GS. BS Nguyễn Thế Hiệp cho biết tình trạng bệnh nhân đã tốt lên
nhiều... Cứu sống một bệnh nhân vỡ
tim là một thành công đầu tiên của Bệnh viện Nhân dân Gia Định và cũng là
một sự kiện đáng ghi nhận cho ngành phẫu thuật lồng ngực - tim mạch Việt
Nam. Theo các chuyên gia tim mạch, tại Bệnh viện Chợ Rẫy chỉ mới 4 ca (3
sống, 1 chết) nhưng chỉ là vỡ nhĩ và tiểu nhĩ chứ không phải
là vỡ tâm thất, nơi có vùng cơ tim dày, như trường hợp ở BV NDGĐ. Hay
theo Giáo sư Đặng Hanh Đệ cho biết trong 32 năm (1957-1988) tại BV Việt Đức
- Hà Nội có 15 nạn nhân chấn thương kín vỡ tim thì chỉ có 7 ca còn sống đến
viện và mổ sáu ca chỉ sống 1. Báo cáo của tác giả Stahlr. D và cộng sự cho
hay trong năm 1997 chỉ có 1 trường hợp vỡ tim duy nhất ở Mỹ được cứu sống.
Qua đó, trường hợp một bệnh nhân vỡ thất phải tim do chấn thương ngực
kín được cứu sống sẽ là một kinh nghiệm quý báu cho ngành phẫu thuật nước ta
cũng như cho thế giới. |