GHÉP THẬN - KHI NÀO?
Ở ĐÂU?
KIM SƠN
Thực hiện
Năm 1999, Bộ Y tế sẽ
cho phép thực hiện 10 ca ghép thận với kinh phí của Nhà nước - trong đó có 4
ca cho phía Bắc và Bệnh viện Chợ Rẫy sẽ thực hiện 4-6 ca cho khu vực phía
Nam. Đó là kinh phí Nhà nước, còn đối với bệnh nhân có tiền, thì không hạn
chế số ca. Đây là tin vui cho những người suy thận mãn. Vậy thế nào là ghép
thận? Người bệnh cần những điều kiện gì và liên hệ ở đâu?
Giáo sư Trần Văn Sáng -
Chủ nhiệm Bộ môn Niệu trường Đại học Y Dược TPHCM cho biết:
- Tôi xin mở đầu: thế nào
là ghép thận và những nguyên tắc phải tuân thủ. Ở nhiều nước trên thế giới
hiện đang triển khai việc ghép cơ quan như ghép thận, ghép tim, ghép gan...
để thay thế cho những cơ quan này bị hư hỏng. Thay thận là dễ nhất vì lý do
một người có hai thận nên người sống có thể cho bớt một quả thận - trong khi
tim, gan... thì chỉ chờ ở người chết não hiến mô và cơ quan.
Cái khó khăn lớn nhất
trong ghép thận là quả thận của người cho đưa sang người nhận phải phù hợp
các yếu tố về tổ chức - nếu không, thận ghép sẽ bị đào thải... Có nghĩa là
cơ thể người nhận không chấp nhận quả thận mới. Do đó trong các xét nghiệm,
quan trọng nhất là xét nghiệm HLA và chi phí cho xét nghiệm này rất lớn, cho
cả người cho và người nhận, có khi phải thử trên 4-5 người cho mới quyết
định được một lần ghép. Nếu chuẩn bị thật chu đáo khâu này có thể quyết định
trên 50% sự thành công.
Trên thế giới đã thực
hiện ghép thận từ những năm 1970. Khởi đầu chỉ ghép ở những anh em song sinh
để dễ phù hợp về mặt tổ chức. Tiếp đến là ghép cho anh chị em ruột và đến
nay chủ yếu là lấy thận người chết - thường là chết vì tai nạn giao thông
(tức cơ thể bình thường, thận tốt nhưng người này không sống được do đã chết
não). Hiện ở nước ta chưa có luật lấy thận của người chết nên phải lấy thận
của người cho tình nguyện.
·
Thưa Giáo sư, khi nào thì cần ghép thận và muốn ghép thận phải chuẩn bị như
thế nào?
GS. Trần Văn Sáng: Tất cả những bệnh nhân suy thận ở
giai đoạn cuối và phải chạy thận nhân tạo định kỳ. Các bệnh nhân này phải
chọn một trong hai giải pháp: Lọc máu ngoài thận (còn gọi chạy thận nhân
tạo) hoặc phải ghép thận.
Người muốn ghép thận phải
chuẩn bị ở cả người cho thận và người nhận thận.
- Đối với bệnh nhân
(người nhận) phải được chạy thận trên 6 tháng để loại bỏ hết bệnh lý thụ đắc
(yếu tố phá hủy thận), nếu còn bệnh lý này sẽ tiếp tục phá hủy thận mới ghép
vào.
Trong quá trình chạy thận
nhân tạo người bệnh phải giữ được đủ sức khỏe để chịu đựng một cuộc phẫu
thuật.
- Điều kiện đối với người
cho thận: phải có hai thận hoàn toàn tốt vì nếu lấy một xong người đó sẽ
phải sống với một thận còn lại suốt đời, phải phù hợp về mặt tổ chức với
người nhận - vì nếu không, thì người nhận sẽ phải bị mổ 2 lần (lần mổ ghép
vào và lần mổ lấy ra), mà người cho chắc chắn mất đi một thận. Mạch máu thận
của người cho không bị dị dạng để cắt nối tốt. Điều quan trọng nữa là người
cho phải tình nguyện, được sự đồng ý của vợ hoặc chồng (nếu đã có gia đình)
và ổn định về mặt tư tưởng, được xác định bởi một bác sĩ về tâm lý học.
Sau khi mổ xong, người
cho thận không phải dùng thuốc gì cả, vì tạo hóa cho chúng ta gấp đôi cái
cần thiết: người còn một thận - thì thận này sẽ hoạt động bù trừ, to ra,
năng suất tăng lên gấp rưỡi. Thận còn lại cũng sẽ đáp ứng những thử thách
của cuộc đời trong đó có những hoạt động thể lực ở nam giới (như chạy
thi...) hoặc sinh đẻ - kể cả sinh đôi, sinh ba - ở nữ giới. Vì vậy y học
không cấm những người sau khi cho thận có thai hoặc chơi thể dục thể thao.
Trừ một điều duy nhất
phải tránh là những chấn thương gây bể quả thận độc nhất còn lại, và đây
cũng là nguy hiểm mà người cho thận phải chấp nhận.
Tuổi thọ còn lại của thận
không giảm vì về sinh lý, ở tuổi 60 trở đi thận mới bắt đầu già như những cơ
quan khác, do đó thường người ta không lấy thận ở người trên 50 tuổi trừ
trường hợp quá đặc biệt.
Đối với người nhận thận -
sau khi ghép xong phải dùng thuốc chống thải ghép suốt đời (trừ trường hợp
phù hợp tổ chức 100% ở các anh em sinh đôi cùng một trứng - theo lý thuyết).
Tuy nhiên thuốc chống thải ghép rẻ hơn rất nhiều so với phải chạy thận nhân
tạo.
·
Quả thận ghép thường sống được bao lâu?
GS Trần Văn Sáng: Cho đến nay đã có nhiều người sống
với quả thận ghép trên 20 năm. Ở VN, chị Võ Thị Thượng sống với thận ghép đã
trên 6 năm - ca này được ghép tại BV Chợ Rẫy năm 1992, cũng là năm đầu tiên
triển khai ghép thận ở phía Nam và phía Bắc.
·
Kỹ thuật ghép thận của chúng ta hiện nay có gì khác biệt so với thế giới?
GS TVS: Chúng ta cũng chỉ áp dụng những
thành tựu và kinh nghiệm của các nước tiên tiến. Ở châu Âu, châu Mỹ, Đông
Nam Á đều làm giống nhau. Ở đơn vị ghép thận BV Chợ Rẫy có được sự chuẩn bị
chu đáo và đồng bộ với một ê kíp được tập luyện thuần phục trên chó từ những
năm 1990. Ở chó dễ hơn ở người là ghép thận tự thân để thực nghiệm (lấy thận
nó ghép lại cho chính nó), không cần đánh giá tuổi thọ của cuộc ghép (sự phù
hợp tổ chức) như ở người, nhưng thầy trò chúng tôi đều phải tự rèn luyện
thuần thục trên thao tác của mình, tiến hành phối hợp nhanh theo thời gian
quy định và không gây chấn thương cho thận. Cuối cùng là xử lý những tình
huống bất ngờ... một cách hoàn thiện. Nhờ vậy cuối năm 1998, chúng tôi đã có
thể tự lực ghép thành công 2 ca trên người và mở ra triển vọng ghép với số
ca nhiều hơn trong năm 1999.
Có ý kiến cho rằng
ghép thận rất tốn kém và cũng phải dùng thuốc suốt đời?
GS Trần Văn Sáng: Ghép thận có ưu điểm nhiều hơn so
với chạy thận nhân tạo. Giá ghép thận ở Mỹ 100.000USD, ở Pháp 50.000USD, ở
Singapore 80.000USD, ở Trung quốc rẻ nhất thế giới: 18.000USD, còn ở BV Chợ
Rẫy chi phí một cuộc mổ khoảng 50 triệu đồng (không tính công phẫu thuật,
trong khi 1 BS ghép thận ở Trung Quốc được hưởng khoảng 5.000USD/ca).
Trong 6 tháng đầu sau
ghép, người bệnh phải dùng thuốc khoảng 150.000 đồng/ngày - sau đó giảm
liều. Trong khi chạy thận nhân tạo chi phí bình quân trên 5 triệu
đồng/tháng.
Chất lượng cuộc sống
người ghép thận cao hơn: về sức khỏe, lao động, tình dục bình thường, có
người sinh con được. Và người ghép thận có thể đi công tác xa, du lịch...
chỉ cần mang thuốc uống theo. Còn người chạy thận nhân tạo gần như cứ gắn
liền với bệnh viện suốt đời - Khi muốn đi xa phải gắn với nơi có máy thận
nhân tạo hoặc phải mua máy và có y tá vận hành máy đi theo.
·
Ở nước ta có bao nhiêu người cần ghép? Giới hạn tối đa ở tuổi nào và phải
liên hệ ở đâu?
GS TVS: Tất cả những người suy thận mãn đều
cần ghép. Con số thống kê chung trên cả nước chưa có, riêng ở các bệnh viện
trên địa bàn TPHCM có tổng cộng khoảng 50 máy với khoảng 200 bệnh nhân đang
chạy thận nhân tạo thường xuyên. Thực tế con số cần chạy cao hơn nhiều nhưng
do không có tiền. Như vậy con số cần ghép thận trước mắt hàng trăm ca và chỉ
có thể phát triển việc lấy thận người chết để ghép mới đủ đáp ứng nhu cầu
này.
Về tuổi của người ghép
thận - tối đa thường khoảng 50 tuổi, tuổi còn tiếp tục lao động.
Người bệnh muốn ghép thận
phải đến các Trung tâm chạy thận nhân tạo để có thời gian chuẩn bị tối thiểu
6 tháng như tôi đã nói ở phần trên và phải liên hệ với Ủy ban ghép thận Quốc
gia, bộ phận phía Nam được đặt tại BV Chợ Rẫy và do PTS Trương Văn Việt -
Giám đốc bệnh viện phụ trách. Danh sách các cặp ghép thận phải được Ủy ban
ghép thận Quốc gia duyệt và đây chỉ là mức lấy thận người sống tự nguyện
cho, chưa áp dụng việc lấy thận người chết để ghép.
Xin cảm ơn Giáo sư.