Nàng Kiều được điều trị về ngoại thương như thế nào?
Tác giả : BS. LÊ VĂN LÂN
Đọc Truyện Kiều của Nguyễn Du, ai cũng cảm thương và đau đớn cho số phận một người con gái “tài sắc vẹn toàn” phải trải qua 15 năm lưu lạc, nhiều lần bị hành hạ về thể xác, có khi cận kề cái chết..., nhưng Kiều vẫn sống và cuối cùng được đoàn tụ với gia đình. Có nhiều bài thuốc, vị thuốc đã cứu Kiều trong những cơn hoạn nạn ấy...
NƯỚC GỪNG HỒI TỈNH QUA KIM SANG TÁN ĐẾN NHỮNG DƯỢC THẢO CHỈ HUYẾT...
Trung Y chia thương tích thành các loại sau: Chưởng trúng sang (bị thương do tay), hội sang (vết thương vỡ ra), kim sang (thương do vũ khí kim loại), chiết sang (bị thương gẫy đứt).
Về nước gừng thì người bình dân Trung Hoa hay Việt Nam ta vẫn quen dùng để cấp cứu khi nạn nhân còn khả năng uống nước và nuốt được. Củ gừng là vị thuốc quí. Nó đã hiện diện trong Toa thuốc Hồi Dương cứu cấp thang trong Thương hàn lục thư (gồm phụ tử, can khương, nhục quế, nhân sâm, sao bạch truật, phục linh, trần bì, chích cam thảo, ngũ vị tử, bán hạ) để kích thích cho mạch máu đập lại khi nạn nhân bị ngất.
Về thuốc Kim sang tán gồm nhiều thứ thảo dược nghiền ra rắc vào vết thương do đao thương để cầm máu và trừ độc. Theo kinh nghiệm lâm sàng thì vết cứa cổ của Thúy Kiều cắt vào khá cạn, nằm ở phía cuống hầu nên không đụng vào hai cảnh - động mạch (carotid). Chúng ta chưa biết thành phần của Kim Sang tán nhưng có thể gồm những thảo dược có công hiệu cầm máu và trừ độc. Trong thư tịch của Đông Y, người ta có thể tìm thấy nhiều thảo dược có đặc tính cầm máu được khoa học hiện đại công nhận như cây cẩu tích (Cibotium barometz-J. Sm), Cỏ mực (Cỏ tháp bút, mộc tặc, hạn liên thảo - Equisetum herba Linn), Cây dành dành (chi tử - Gardenia jasminoides Ellis), Cây hòe (Sophora japonica Linn), Bạch phàn (Alum).
Vài khoáng chất dùng bên ngoài để cầm máu: Bạch phàn (Alum) đắp ngoài da làm co rút những huyết mao quản và làm đông máu; Nhờ đặc tính thu liễm (astringent) và kháng viêm (anti-inflammatory), nó rút nước từ tế bào nên tế bào teo khô lại, ngoài ra cũng làm giảm hoạt động những hạch ngoại tiết và sự rịn ra những viêm tiết chất (inflammatory exudate), nó lại tác dụng trên chất plasma protein để biến thành những chất kết tủa không tan trong nước nên làm khô những vết thương hay mô tế bào bị viêm.
Tóm lại, về vấn đề tại sao Kim Sang tán dùng bên ngoài cùng thuốc uống trong Truyện Kiều lại công hiệu và gồm những thành phần gì, thì chúng ta có thể đoán nó là một sự phối hợp của những vị thuốc kể trên vừa có tác dụng cầm máu vừa có tính kháng viêm chăng?
Kim Vân Kiều truyện được viết vào năm Gia Tĩnh nhà Minh (1522-1567). Lúc này nền y dược của Trung Quốc đã rất nổi tiếng, bằng chứng là sự ra đời cuốn Bản Thảo Cương Mục của Lý Thời Trân (1518-1593) vào năm 1596. Đây là một công trình thực sự có giá trị khoa học, nổi tiếng vào thế kỷ 16 và vang dội qua cả Tây phương.
THUỐC HÀNH HUYẾT LÀ GÌ?
Muốn hành huyết thì căn bản là uống rượu hâm nóng vì “tửu năng dẫn huyết”. Ngoài ra nếu nặng thì phải sử dụng nhiều thảo dược hành huyết khác kể trên. Những vị thuốc của Tú Bà đã dùng cho Kiều về phương diện dược động học gồm:
- Hồng hoa (Carthamus tinctorius Linn): khí ấm, vị cay, không độc; khử ứ huyết và làm giảm đau, thường dùng trong toa điều kinh, sinh khó, tích huyết tử cung hậu sản; dùng sắc với rượu uống làm tan máu bầm.
- Tô mộc (cây gỗ vang - Caesalpinia sappan Linn): khí bình, vị mặn ngọt, không độc, công dụng như trên trong trường hợp thương tích, sưng bầm máu. Ngoài ra, thí nghiệm khoa học mới cho thấy rằng nước sắc của tô mộc còn có tính kháng khuẩn với Staphylococcus, Salmonella, Shigella dysenteriae.
- Đào nhân (Hột đào - Persicae semen): tính bình, đắng ngọt, không độc; trị huyết bầm ứ do thương tích
- Nga truật (Ngải tím - Nghệ đen Curcuma zedoaria Rosc.): tính ấm, vị chua ngọt, hơi đắng, không độc, khử ứ huyết và tan độc nên dùng trị kinh nguyệt tích ứ và thương tích bầm tím.
- Tam lăng (Spargani rhizoma): tính bình, vị đắng, công hiệu trị liệu như Nga truật.
Những vị thuốc “hành huyết” trong Đông y khi phối hợp thành bài thuốc thường được gọi là “hoạt huyết tễ”. Hoạt huyết tễ có công dụng làm huyết chạy mạnh lên và trừ khử hiện tượng ứ máu:
- Khi máu không vận chuyển điều hòa qua các tạng phủ và kinh mạch mà trở thành lười biếng chậm chạp thì gọi là “huyết trì” (xuè zhi), còn vì những nguyên nhân bệnh lý, luồng huyết lưu thông vận chuyển bị tắc lại và ngưng chảy thì gọi là “huyết ứ” (xuè yù).
- Huyết ứ theo danh từ biện chứng Đông y có thể phân biệt tùy theo tạng phủ âm dương trong cơ thể bị ảnh hưởng như thế nào, tùy theo những yếu tố bệnh nguyên như hàn, nhiệt, hư, thực; tùy theo bệnh tình như cấp tính, mạn tính, khinh chứng, trọng chứng...; tùy theo những biểu lộ ra như sưng tấy, đau nhức...
Nổi bật trong những yếu tố bệnh nguyên làm về huyết ứ
- Phần Khí “trong cơ thể không điều hòa” như hư khí, ứ khí làm cho ứ huyết vì Khí là vị chủ soái điều khiển Huyết, nên Khí dẫn Huyết đi. Khi Khí không đủ sức vận chuyển Huyết, thì nó ứ lại trong các đường kinh lạc. Đây là trường hợp của chứng bán thân bất toại sau khi bị trúng phong (post-stroke hemiplegia) xảy ra khi Khí hư nhược và Huyết thuyên tắc nên kinh lạc không lưu thông vì bị huyết ứ.
- Yếu tố “Hàn” (lạnh) làm máu không lưu thông nên dần dà khiến máu ngưng kết lại như trường hợp kinh nguyệt phụ nữ bế tắc, bụng nổi khối u và đau đớn. Sự trị liệu phải nhắm vào ôn kinh (sưởi ấm), trục hàn (đuổi lạnh), hoạt huyết thì giải quyết được sự huyết ứ và kinh nguyệt lại điều hòa.
- Yếu tố “Nhiệt” sung mãn quá làm huyết khô và đặc lại nên gây ra huyết ứ. Nhiệt lại khiến cho máu chảy ra ngoài qui luật kinh lạc nên có hiện tượng chảy máu cam, khái huyết, thổ huyết, tiểu ra máu...
VÀI TOA THUỐC MỸ PHẨM
Một điểm cần nói thêm, vì Thúy Kiều là phương tiện hái ra tiền của Tú Bà nên sau khi dùng những thuốc hành huyết, da thịt của Kiều không những hết bầm tím mà lại trở nên hồng hào, đẹp đẽ hơn vì quan niệm đàn ông bổ khí, đàn bà bổ huyết, mà đương qui là một vị bổ huyết cần thiết! Trong việc “chuốt lục tô hồng” cho Kiều, Tú Bà có thể còn dùng thêm mỹ phẩm cho nàng nữa. Ví như toa Đương qui Thược dược tán dùng cho những phụ nữ thể tạng yếu và xanh hay mệt nhọc cũng là để tẩy vết nám quanh mắt mũi; toa Thanh thượng phòng phong thang để ngừa mụn, da sẩn đỏ và tròng trắng mắt bị tia máu. Củ nghệ (Uất kim - Curcuma longa Linn) bôi giúp da mau lành và không gây sẹo. Nước tiểu con trai (đồng tiện) chứa nhiều kích thích tố nam, dùng với nghệ là thuốc xoa bóp cho các sản phụ, giúp da bụng săn lại, không nhăn nhão).
Nói về nổi khổ thể xác thì người ta nghĩ đến sự đau đớn do những trận đòn mà Kiều phải chịu, rồi phải dùng đến thuốc men hay điều trị y khoa. Do đó, nói chuyện y học trong Truyện Kiều cũng là một điều thú vị khi khảo sát một tác phẩm thời danh về phương diện chữa bệnh và văn hóa xưa.