LÂY SỎI THẬN QUA DA
BS. VŨ VĂN TY
Khoa Niệu A - BV. Bình Dân
Từ thời xa xưa, sỏi đường tiết niệu đã gây ra biết bao nhiêu vấn đề nghiên
cứu về nguyên nhân sinh bệnh cũng như về phương pháp điều trị. Ngày nay, với
sự tiến bộ của y học, nhiều phương pháp điều trị sỏi niệu đã được áp dụng
song song với phẫu thuật. Với sự phát triển của ngành nội soi, việc điều trị
sỏi thận và niệu quản đoạn trên được thêm vào bằng cách lấy sỏi qua nội soi
xuyên qua da và thành hông lưng, bổ túc cho phương pháp mổ hở vẫn được áp
dụng từ trước tới nay.
Lịch sử về lấy sỏi thận qua da bắt đầu từ năm 1941, khi Rupel và Brown lấy
được một viên sỏi nhỏ trong thận ra bằng máy soi bàng quang thông qua lỗ mở
thận ra da. Các tác giả tiếp tục nghiên cứu, qua nhiều giai đoạn, đến năm
1976, Fernstrom và Johanson mới thật sự lấy được sỏi thận qua nội soi mà
không cần mổ hở. Năm 1983, lấy sỏi thận qua da thật sự được hoàn chỉnh khi
Wickham và Miller phát triển được phương pháp lấy sỏi thận qua da một thì.
Lấy sỏi thận qua da được áp dụng lần đầu tiên ở Bệnh viện Bình Dân năm 1992
khi các giáo sư người Pháp đến trình bày và huấn luyện, tuy nhiên vì thiếu
thốn phương tiện nên không được thành công hoàn toàn. Cuối năm 1998, Giáo sư
Ph. Ballanger và Giáo sư Lanson thuộc Đại học Y khoa Bordeaux Cộng hòa Pháp
đã đến hướng dẫn và thực hiện được 4 trường hợp lấy sỏi thận qua da, ngoài
khả năng chuyên môn của các giáo sư người Pháp, chúng ta cũng phải kể đến sự
trang bị của bệnh viện với một máy x-quang chuyên dùng và máy nội soi thận
mới của hãng KARL - STORZ - Cộng Hòa Liên Bang Đức đã đóng góp cho sự thành
công trên. Mặt khác, ý thức rằng nước ta là một vùng dịch tễ của sỏi niệu,
đa số bệnh nhân đến điều trị tại các khoa Niệu của bệnh viện đều là bệnh sỏi
niệu, nên bệnh viện cũng tích cực gởi các bác sĩ đi tu nghiệp ở nước ngoài
để học hỏi những tiến bộ về y học, đặc biệt là lĩnh vực lấy sỏi qua da để về
áp dụng phục vụ bệnh nhân.
Lấy sỏi qua da có thể lấy được những viên sỏi thận lớn, không phụ thuộc vào
kích thước như tán sỏi ngoài cơ thể. Các tác giả nước ngoài có thể lấy sỏi
qua da cả những viên sỏi san hô.
Tuy nhiên, lấy sỏi qua da đòi hỏi nhiều dụng cụ hơn là phẫu thuật. Bệnh
nhân cũng phải được gây mê toàn diện, sau đó bác sĩ sẽ đặt 1 ống thông niệu
quản lên tới thận dùng để bơm thuốc cản quang lên thận và cũng để ngăn chặn
không để sỏi vụn rơi xuống làm bế tắc niệu quản. Dưới sự
hướng dẫn của máy x-quang hoặc máy siêu âm, bác sĩ dùng kim chọc dò vào bể
thận, đặt một dây dẫn vào thận và dùng một bộ gồm nhiều ống plastic hoặc kim
loại với kích thước từ nhỏ tới lớn để nông rộng đường vào thận. Đến một kích
thước đủ rộng (khoảng gần 1cm đường kính) để đặt được máy soi vào bể thận và
nhìn thấy được sỏi thận, sau đó dùng máy tán sỏi phá vỡ viên sỏi thành từng
mảnh nhỏ có thể gắp được qua ống nội soi. Máy tán sỏi có nhiều loại trên thị
trường, loại dùng sóng thủy động lực, loại dùng sóng siêu âm, loại cơ học
dùng khí nén và mới nhất là loại tán sỏi bằng tia Laser. Trong quá trình soi
thận và tán sỏi người ta dùng nước muối sinh lý để ròng rửa liên tục. Sau
khi đã tán vỡ và gắp hết các mảnh sỏi ra, người ta sẽ đặt một ống thông vào
thận qua vết mổ mục đích để rửa bể thận, ngoài ra tùy theo thành phần hóa
học của sỏi mà ta có thể dùng các dung dịch thích hợp cho vào để làm tan các
sỏi vụn còn sót lại. Sau 48 đến 72 giờ ống thông thận ra da được rút bỏ và
24 đến 48 giờ sau rút luôn ống thông niệu quản và bệnh nhân có thể xuất viện
được.
Đây là một phương pháp còn tương đối mới mẻ với chúng ta để điều trị sỏi
thận mặc dù trên thế giới các nước đã đi vào sử dụng thường qui từ nhiều năm
nay. Ưu điểm của phương pháp lấy sỏi qua da so với mổ hở là vấn đề thẩm mỹ,
người bệnh chỉ có vết mổ khoảng 1cm, kế đến là vấn đề đau vết mổ sau khi mổ
và thời gian dài sau người bệnh có cảm giác tê rần phía dưới vết mổ, yếu cơ
thành bụng phía bên mổ do thần kinh ngoài da bị ảnh hưởng theo đường mổ hở
dài. Ngoài ra sỏi niệu thường tái phát nhiều năm sau khi mổ, vấn đề mổ lại
rất khó khăn do mô xơ gây dính quanh thận, trong khi đó lấy sỏi qua da ít
gặp trở ngại hơn khi phải giải quyết sỏi thận tái phát.
Vấn đề bất lợi của phương pháp lấy sỏi qua da ngoài việc đòi hỏi phải đầu
tư nhiều máy móc, dụng cụ còn là vấn đề sót sỏi, khi tán vỡ sỏi ra, có thể
sót lại mảnh vụn mà với máy soi thường ta nhìn không thấy, điều này có thể
khắc phục được nếu ta được trang bị máy soi thận mềm có thể uốn cong được.
Cũng phải kể đến một yếu tố khác nữa là sỏi ở người Việt Nam rất cứng gây
khó khăn nhiều khi tán sỏi.
Các tác giả nước ngoài đã đạt được tỷ lệ thành công khá cao, biến chứng
thấp cho thấy lấy sỏi qua da hiện nay có thể thay thế phần lớn các trường
hợp mổ hở. Cho nên ngoài những điểm thuận lợi và bất lợi trên chúng ta vẫn
phải cố gắng từng bước áp dụng kỹ thuật này để điều trị cho bệnh nhân bị sỏi
niệu.
Để kết luận, lấy sỏi qua da là một kỹ thuật mới để điều trị sỏi thận đã
được áp dụng bước đầu tại Bệnh viện Bình Dân nhưng chưa được phổ biến rộng
rãi. Tuy nhiên đây là kỹ thuật đã đi vào áp dụng thường qui ở các nơi trên
thế giới để điều trị sỏi thận bổ sung cho tán sỏi ngoài cơ thể và mổ hở, cho
nên mặc dù bước đầu còn nhiều khó khăn vì dụng cụ và kỹ thuật, hy vọng trong
tương lai, lấy sỏi qua da sẽ trở nên một trong những phương pháp điều trị
sỏi niệu chủ yếu, bổ túc cho tán sỏi ngoài cơ thể và mổ hở.