Một thành tựu mới:
BÍT LỖ THÔNG LIÊN NHĨ BẲNG DỤNG
CỤ QUA ĐƯỜNG ỐNG THÔNG
MAI LINH (thực hiện)
Sau khi ứng dụng một loạt kỹ thuật (KT) mới trong lĩnh vực tim mạch can
thiệp như: chụp và nong động mạch (ĐM) vành, đặt STENT trong lòng ĐM vành,
nong ĐM thận và nong van hai lá hay van ĐM phổi bị hẹp bằng bóng v.v., ngày
20/9/2000 vừa qua, Viện tim mạch Việt Nam với sự hỗ trợ của hai bác sĩ người
Mỹ: S. Burstein và B. Macrum trường Đại học y California và một Bác sĩ Việt
kiều - Khôi Lê đã triển khai một KT mới lần đầu tiên tại Việt Nam: bít lỗ
thông liên nhĩ bằng một dụng cụ đặc biệt. Được sự giới thiệu của GS. Viện
trưởng Phạm Gia Khải, chúng tôi đã gặp và trao đổi với bác sĩ (BS) Phạm Mạnh
Hùng, người trực tiếp tham gia cuộc phẫu thuật này.
* Phóng viên (PV): Trước tiên, xin BS giải thích về khái niệm:
"bít lỗ thông liên nhĩ bằng dụng cụ"?
w BS. Phạm Mạnh Hùng: Thông liên nhĩ (TLN) là một trong những
bệnh tim bẩm sinh thường gặp. Đây là một dị tật bẩm sinh còn tồn tại một lỗ
hổng ở vách liên nhĩ (giữa tâm nhĩ phải và tâm nhĩ trái mà bình thường phải
kín), dẫn đến có luồng máu bất thường từ nhĩ trái sang nhĩ phải qua lỗ này.
Nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến tăng áp lực động mạch phổi,
suy tim hoặc có tắc mạch não nghịch thường (Hình 1).
Điều trị kinh điển là phải mổ tim mở để vá lỗ thông này. Năm 1974 hai BS
người Mỹ là King và Mills lần đầu tiên dùng một loại thiết bị hình hai chiếc
ô úp ngược nhau qua một ống thông nhỏ từ tĩnh mạch đùi đi lên để bịt lỗ
thông liên nhĩ mà không cần phải mổ. Đến nay đã có ít nhất 5 loại thiết bị
khác nhau để bít lỗ TLN qua đường ống thông và ngày càng có nhiều bệnh nhân
TLN được điều trị bằng cách này. Nói một cách ngắn gọn, bít lỗ TLN bằng dụng
qua đường ống thông là một kỹ thuật ít xâm lấn, chỉ qua một ống thông nhỏ từ
tĩnh mạch đùi bệnh nhân, người ta đưa được thiết bị đặc biệt này lên tim để
đóng bịt được lỗ TLN lại.
* PV: Anh có thể cho biết Viện tim mạch đã sử dụng loại thiết
bị nào và cụ thể các bước tiến hành ra sao?
w BS. Phạm Mạnh Hùng: Dụng cụ mà chúng tôi dùng ở Việt Nam
lần này là loại có hình như 2 chiếc ô úp ngược nhau và dính với nhau ở giữa
gọi là Cardio Seal (Hình 2). Dụng cụ này gồm khung kim loại (Nitinol) có 4
thanh với các khớp để gập lại được cho gọn nhỏ trong lòng ống thông. Khi
được giải phóng ra khỏi ống thông nó sẽ xòe ra như hình dạng ban đầu. Bọc
dính lấy khung kim loại đó là màng đặc biệt bằng Poly Utheral.
Việc đóng lỗ thông được tiến hành ở phòng chụp mạch và có sự phối hợp giữa
3 nhóm làm việc: gây mê, siêu âm tim qua thực quản và nhóm làm thủ thuật
trực tiếp đưa dụng cụ vào.
Đầu tiên bệnh nhân được gây mê. BS siêu âm tim đặt đầu dò qua thực quản và
theo dõi. Tiếp theo phải đo được chính xác kích thước lỗ thông bằng cách đưa
một quả bóng có bơm thuốc cản quang lên nhĩ trái và kéo từ từ qua lỗ thông
để đến khi có chỗ thắt trên quả bóng đó.
Đo kích thước này qua hình chụp trên máy X quang, đồng thời cũng đo đối
chiếu trên siêu âm qua thực quản (Hình 3, 4). Mục đích của việc đo để chọn
cỡ dụng cụ phù hợp sẽ sử dụng. Dụng cụ sẽ được gập gọn lại trong ống thông
để đưa lên tim bệnh nhân. Dưới màn huỳnh quang tăng sáng BS làm thủ thuật sẽ
đẩy dụng cụ lên nhĩ trái trước (khi đó dụng cụ vẫn ở trong ống thông). Sau
đó kéo dần ống thông tụt lại sao cho chiếc "ô" thứ nhất mở ra trong nhĩ trái
(Hình 5). Tiếp đến cả hệ thống với chiếc "ô" đã mở này được kéo lại nhẹ
nhàng cho đến khi mắc lại phía bên nhĩ trái của lỗ thông.
Lúc này rất cần sự theo dõi của siêu âm qua thực quản. Khi đã xác định phía
này tốt thì tiếp tục kéo ống thông nhẹ nhàng xuống để chiếc "ô" thứ 2 sẽ mở
ra bên nhĩ phải và ôm lấy phía còn lại của lỗ TLN. Khi siêu âm qua thực quản
xác định vị trí là tối ưu, BS làm thủ thuật sẽ giải phóng (làm rời) khối
dụng cụ trên khỏi dây nối bằng một nút bấm đặc biệt ở ngoài. Trong trường
hợp mà dụng cụ bị tuột khỏi vách liên nhĩ (không bám được vào) thì vẫn có
thể kéo ra ngoài được nếu chưa bấm nút tháo rời khỏi dây nối nói trên.
* PV: Như vậy là có thể xảy ra biến chứng, thưa BS?
w BS. Phạm Mạnh Hùng: Cho đến nay thế giới đã ghi nhận thiết
bị được đặt cho hơn 3.000 bệnh nhân TLN với tỷ lệ thành công rất cao (trên
95%). Tỷ lệ tai biến liên quan đến thủ thuật rất thấp so với mổ. Trong số
hơn 3.000 ca chỉ 23 trường hợp có biến chứng. Biến chứng hay gặp nhất là
dụng cụ bị tuột khỏi vị trí (do lỗ thông quá lớn) bắn đi nơi khác gây tắc
mạch đòi hỏi phải mổ lấy ra. Biến chứng thứ hai hi hữu hơn là gãy khung kim
loại. Cần nhắc lại là nếu thấy các hiện tượng này khi siêu âm qua thực quản
lúc chưa làm rời dụng cụ khỏi dây nối thì hoàn toàn có thể kéo dụng cụ ra
ngoài, không phải mổ. Do đó, trong khi thực hiện điều đặc biệt quan trọng là
cần phải xác định chắc chắn vị trí đã ổn định tốt mới làm rời dụng cụ khỏi
dây nối. Một số trường hợp sau khi đặt thiết bị vẫn thấy luồng máu thông qua
khe thiết bị (trên siêu âm) nhưng đa số sẽ liền lại sau một thời gian. Vừa
qua chúng tôi đã thực hiện kỹ thuật này cho hai bệnh nhân, đạt kết quả tốt,
không xảy ra tai biến gì đáng kể.
* PV: Với phương pháp mới này, tất cả bệnh nhân TLN có quyền
hy vọng?
w BS. Phạm Mạnh Hùng: Chỉ áp dụng được ở những bệnh nhân có
lỗ TLN kiểu lỗ thứ hai, đường kính nhỏ hơn 20mm và có phần rìa còn lại của
vách liên nhĩ đủ dài (trên 5mm) để làm chỗ bám cho dụng cụ.
Hơn nữa phương pháp này chỉ thực hiện ở những bệnh nhân đủ lớn để có một
tĩnh mạch đùi kích thước >= 11Fr (>= 3,6mm).
* PV: So với mổ vá thông thường, ưu điểm nổi bật nhất của phương pháp
này là gì? Thưa anh?
w BS. Phạm Mạnh Hùng: Có 2 ưu điểm nổi bật.
Thứ nhất, đây là kỹ thuật ít xâm lấn, bệnh nhân không phải chịu đựng cuộc
phẫu thuật lớn (tim mở). Thời gian nằm viện ngắn (có thể ra viện sau 1 - 2
ngày), ít đau đớn, không để lại sẹo trên ngực và không gây tâm lý nặng nề
cho bệnh nhân về cuộc mổ tim. Thực tế, nó đã được chứng minh là phương pháp
có hiệu quả và khá an toàn.
Thứ hai giá thành của nó so với mổ tim mở (nói riêng ở các nước phát triển)
thì thấp hơn nhiều. Ở Mỹ, nếu mổ thì tốn từ 20.000 - 30.000 USD, dùng phương
pháp này chỉ tốn gần 3.000 USD.
Tuy nhiên không thể áp dụng cho tất cả các bệnh nhân TLN được mà có những
chỉ định nhất định như đã nói trên. Chúng tôi hy vọng sẽ triển khai thường
quy phương pháp này cho những bệnh nhân thích hợp.
* PV: Chân thành cám ơn anh về cuộc trao đổi này!