Điều trị thoát vị rốn lớn bằng kỹ thuật mới
Bệnh viện Nhi Đồng 2 TP HCM vừa nghiên cứu thành công việc điều trị căn bệnh nói trên bằng cách dùng tấm lưới tổng hợp tự tiêu để đóng bụng. Kỹ thuật này giúp cứu sống nhiều trường hợp thoát vị rốn khổng lồ, khắc phục được các nhược điểm do tăng áp lực ổ bụng mà phương pháp cổ điển có thể gây ra.
Thoát vị rốn được gọi là khổng lồ khi có đường kính trên 8 cm. Nếu nó chứa gan bên trong thì việc điều trị sẽ cực kỳ khó khăn. Với phẫu thuật thông thường, bác sĩ phải sử dụng vạt da hoặc tấm ghép nhân tạo để tái tạo thành bụng. Phương pháp này có nhược điểm:
- Gây tăng áp lực ổ bụng sau mổ, chèn ép các tạng trong bụng, đặc biệt là gan và các mạch máu trở về, gây thiểu niệu và phù nề hai chi dưới. Lực ép lên cơ hoành lớn có thể gây suy hô hấp.
- Các phẫu thuật viên thường sử dụng tấm ghép không tiêu do nó có ưu điểm là chắc và kín. Nhưng khi trẻ lớn lên, tấm ghép trở nên chật hẹp. Hậu quả là bệnh nhân nữ khi trưởng thành có thể tích khoang bụng quá nhỏ, nếu mang thai sẽ có nguy cơ sinh non hoặc con nhẹ cân.
Trong phương pháp mới, người ta dùng tấm lưới Vicryl bọc lấy khối thoát vị để đề phòng trường hợp bao túi bị vỡ. Lưới được khâu vào thành bụng với độ căng vừa phải, sau đó được treo lên nhằm làm tăng thể tích khoang bụng, tránh gây chèn ép. Như vậy, nhu động ruột sẽ tái lập nhanh, bệnh nhi được cho ăn uống sớm. Đến khi mô hạt mọc lên, tấm lưới đã tự tiêu hoàn toàn, ổ bụng được đóng kín mà không có hiện tượng kéo căng cân thành bụng, chèn ép lên các tạng.
Giáo sư Trần Đông A, Giám đốc bệnh viện, cho biết, đây là phương pháp dễ thực hiện, hậu phẫu nhẹ nhàng, có thể tiến hành ở các cơ sở ngoại nhi mà không đòi hỏi trang thiết bị quá tốn kém.
Sài Gòn Giải Phóng