PHƯƠNG PHÁP MỚI PHẪU THUẬT, DÙNG
MÁY TÁN SỎI TRONG ỐNG GAN
NGUYỄN HƯNG
Trước đây, tại Việt Nam, người ta chỉ giải quyết được những viên sỏi nằm
ở ống mật chủ, ống gan chung cho người bệnh. Thế nhưng khi sỏi có ở ống gan
trái, ống gan phải thì đành bó tay. Phương pháp mới dùng máy tán sỏi đã giải
quyết được vấn đề tưởng chừng như nan giải trên...
Tán lấy sỏi trong ống gan - tường trình từ một ca mổ
Sáng ngày 25/7, phòng mổ tại Bệnh viện Trưng Vương TPHCM, lần đầu tiên,
bệnh viện giải quyết một trường hợp bệnh nhân bị sỏi nằm trong ống nhánh
gan. Cũng do vậy, ca mổ có Bác sĩ Giám đốc bệnh viện Lê Văn Đương - Trưởng
khoa ngoại I Nguyễn Thanh Nguyện và các phẫu thuật viên, kỹ thuật viên...
Bệnh nhân được mở thành bụng, ống mật chủ được xẻ dọc và các viên sỏi có
trong ống mật chủ được lấy ra. Bình thường ca mổ này đã dừng lại ở đây, bệnh
nhân sẽ được khâu thành bụng lại chuyển sang phòng hậu phẫu... Nhưng các bác
sĩ tiếp tục đẩy máy chụp X quang có cản quang vào trực tiếp chụp ngay trên
bàn mổ và xác định thêm được rằng bệnh nhân còn bị sỏi đóng tại ống gan
phải. Việc lấy sỏi ở chỗ "hóc hẻm" này không thể dùng cách giải quyết bằng
phẫu thuật thông thường mà phải cần dùng đến máy tán sỏi.
Máy tán sỏi được chuẩn bị. Đây là một loại máy nhằm kích phát điện, "đầu
súng" là một đầu dây điện cỡ 5mm, có thể quay được 4 hướng phải, trái, trên,
dưới nhằm cơ động để dễ dàng tiếp cận với viên sỏi.
Thế nhưng, mắt của bác sĩ không thể nhìn thấu đến vị trí viên sỏi nằm trong
ống nhánh gan được, do vậy phải nhờ đến một camera mini quay "cảnh vật"
trong ống gan bệnh nhân. Chiếc camera được đặt vào trong ổ bụng. Máy hoạt
động, các bác sĩ nhìn lên màn hình tivi, viên sỏi nhỏ bằng đầu đũa được phát
hiện. Một bác sĩ đưa "đầu súng" lại gần, mắt vẫn theo dõi trên màn hình.
"Đầu súng" đã đến gần viên sỏi, một tiếng hô khẽ: "bắn". "Đầu súng" lóe lên
tia lửa điện, viên sỏi vỡ vụn ra. Còn một mảnh vỡ khá lớn, không trôi thoát
ra ngoài ống gan được. Đầu điện cực lại được tiếp tục đưa đến gần mảnh vỡ và
bắn, mảnh sỏi vỡ vụn ra.
Cuối cùng sau hơn 1 giờ đồng hồ, ca tán sỏi đã hoàn thành, những mảnh sỏi
vỡ vụn li ti như những hạt cám trôi ra ngoài thành bụng nạn nhân theo ống
dẫn chứa dung dịch muối Clorua natri (NaCl). Các đường mổ được khâu, thành
bụng bệnh nhân được đóng lại. Tất cả các bác sĩ, kỹ thuật viên có trong
phòng mổ tỏ vẻ hài lòng.
Phương pháp mới này có lợi gì?
Trao đổi với chúng tôi, Bác sĩ Nguyễn Thanh Nguyện, một trong những người
đầu tiên ở Việt Nam tiếp nhận, sử dụng kỹ thuật tán sỏi trong ống gan nói:
"Kỹ thuật này mở ra một bước ngoặt mới cực kỳ quan trọng là giải quyết triệt
để sỏi trong ống gan, nhất là ở các nhánh ống gan phải, ống gan trái".
Theo một con số thống kê, ở một ca mổ bình thường tỷ lệ sót sỏi có khi đến
24%. Nếu như có chụp X quang trực tiếp thì tỷ lệ sót sỏi có thể đến 12-17%.
Điều dễ hiểu là các phương pháp cũ không giải quyết được các trường hợp sỏi
nằm trong ống gan phải hoặc trái. Bình thường ống mật chủ có đường kính từ
0,8-12mm; ở bệnh nhân có sỏi, ống mật chủ có thể bị giãn ra đến 30mm. Do
vậy, trong trường hợp này, các phẫu thuật viên chỉ cần rạch một đường trên
ống mật chủ và gắp sỏi ra là được. Thế nhưng, nếu trường hợp bệnh nhân có
thêm sỏi ở các ống gan phải, trái thì việc mổ gắp lấy sỏi rất khó. Các ống
gan phải, trái có đường kính nhỏ hơn hoặc bằng 5mm nằm sâu trong thùy gan,
nếu nó nằm quá sâu thì không thể mổ ra lấy sỏi được.
Chính vì vậy, việc dùng máy tán sỏi, dùng điện cực bắn phá sỏi trong môi
trường nước có Ion (dung dịch muối ăn - NaCl) đã giải quyết được những vấn
đề nan giản nói trên. Đầu điện cực sẽ đi sâu vào gan theo một ống dẫn cỡ 5mm
(nếu ống gan quá nhỏ sẽ được nong từ từ cho lên đến cỡ 5mm). Khi đến gần
viên sỏi đầu điện cực sẽ phát ra điện sóng ngắn, tạo ra một lực và lực này
vừa bắn sỏi vừa khuyếch tán tạo sóng dung dịch có Ion, tạo ra cộng lực bắn
vỡ các viên sỏi mà không ảnh hưởng đến các cơ quan, tổ chức lân cận của gan
người bệnh. Như vậy, việc dùng kỹ thuật mới tán sỏi trong các ống gan sẽ
giải quyết triệt để tình trạng tồn tại sỏi trong các ống gan mật của người
bệnh. Ca mổ dùng phương pháp mới này sẽ không để tình trạng bệnh nhân phải
mổ đi mổ lại nhiều lần rất tốn kém và người bệnh lâu hồi phục sức khỏe. Cũng
lưu ý thêm, nếu qua chẩn đoán, những bệnh nhân không bị sỏi ở các nhánh ống
gan phải, trái thì chỉ cần dùng phương pháp mổ bình thường như lâu nay đã
làm, vì sỏi ở vị trí dễ mổ và gắp ra, không cần phải tán sỏi.
Hiện nay ở Việt Nam kỹ thuật mới này chỉ mới có ở Bệnh viện Trưng Vương
TPHCM. Hy vọng, trong tương lai gần, ở nước ta có thêm nhiều bệnh viện, cơ
sở y tế được tiếp nhận kỹ thuật này nhằm phục vụ tốt nhất cho người bệnh.