ÂN TƯỢNG VỀ MỘT CA GHÉP THẬN
QUANH ANH
8 giờ sáng ngày 28/7, kíp lấy thận thực hiện vết mổ đầu tiên. Người cho
thận là Nguyễn Thị Ân, 50 tuổi, ngụ tại TP Hội An, tỉnh Quảng Nam. Giáo sư
Bác sĩ Trần Văn Sáng, kíp trưởng mổ chính. Đến 9h đã thấy được quả thận cần
lấy, GS Trần Văn Sáng "dọn dẹp" quả thận, cắt, buộc các mạch máu nhánh bên
trước khi cắt động mạch và tĩnh mạch. Và loáng một cái tĩnh mạch, động mạch,
niệu quản được cắt, quả thận được đưa ra khỏi cơ thể. Thời gian "thiếu
máu nóng", tức là thời gian đưa thận ra khỏi cơ thể rửa sạch máu bằng
loại dung dịch đặc biệt và làm lạnh không quá 5 phút. Ở ca này giai đoạn
trên hoàn thành đúng 65 giây. Quả thận vừa lấy ra, bác sĩ rửa thận phải ngay
lập tức lấy đúng loại kim rửa vừa với ống cuống thận.
Ở phòng mổ bên cạnh, kíp ghép do BS Trần Ngọc Sinh trưởng kíp, mổ chính,
tiến hành phẫu thuật sau khoảng 40 phút so với kíp lấy thận... Thêm khoảng 1
giờ đồng hồ động mạch quả thận ghép được nối vào động mạch chậu trong, tĩnh
mạch thận nối vào tĩnh mạch chậu. Và gần như tức thì nước tiểu chảy ra. Mọi
người thở phào, GS Trần Văn Sáng yên tâm bước ra khỏi phòng mổ. Ở trong
trường hợp này, 2 quả thận đã hỏng của bệnh nhân vẫn được giữ nguyên để
tránh một cuộc phẫu thuật khá lớn xác suất thất bại cao do khả năng chịu
đựng của cơ thể khó đáp ứng. 2 quả thận hỏng tuy còn tiết ra chất renin
gây cao huyết áp nhưng sau một thời gian nó sẽ bị xơ hóa hoàn toàn và vô
hại.
Sau khi nối xong tĩnh mạch, động mạch, nước tiểu đã chảy ra chứng tỏ thận
ghép đã hoạt động, niệu quản được cắm vào bàng quang theo kỹ thuật chống
trào ngược dòng. Công việc từ 8 giờ sáng đến 12 giờ trưa đã hoàn thành.
Ca mổ diễn ra gần như trong lặng lẽ. Aùnh sáng đèn mổ, mùi thuốc vô
trùng... như thường lệ không nói lên gì nhiều. Nhưng đằng sau nó chứa chất
bao điều. Trước hết để có ca mổ này là sự kết hợp đồng đều đầy trách nhiệm
và tình thương. Các bác sĩ trong kíp mổ, bác sĩ gây mê, hồi sức, X quang,
miễn dịch học, huyết học, tim mạch, khoa thận nhân tạo, bộ máy hậu cần... đã
hòa nhịp với nhau như một bản hợp tấu âm luật chặt chẽ để ca mổ này thành
công.
Bà Nguyễn Thị Ân, một ngày sau khi được mổ, nét mặt còn mệt mỏi nhưng khi
cầm điện thoại nói chuyện với con mình ở lầu trên bà đã nở một nụ cười tuy
còn héo hắt. Bà không quên nhắc nhở con mình cám ơn các bác sĩ. Người mẹ đó
là một cô giáo nay đã nghỉ hưu, chồng mất sớm, một mình tần tảo nuôi các
con, nay vì đứa con trai 28 tuổi tên là Thái Văn Hùng bị suy thận mãn bà lại
rứt ruột lần nữa để sinh thành cho con.
Trên lầu 10 Bệnh viện Chợ Rẫy, ngẫu nhiên tôi gặp một cô gái độ tuổi đôi
mươi. Da mặt cô hơi tái, cô gái là một trong hàng trăm bệnh nhân lên lầu 10
để chạy thận nhân tạo. Gặp bác sĩ, cô được nghe nói về chất lượng cuộc sống
sau khi được ghép thận, rằng cô có thể lấy chồng, sinh con. Đó là cô gái
cùng rất nhiều người có hoàn cảnh tương tự dễ bị đẩy ra lề đời sống xã hội
vì không chồng, con, không việc làm... Bệnh viện Chợ Rẫy đã thực hiện 8 ca
ghép thận đều mẹ cho con, chị cho em, và chỉ thế thôi thì số người được cải
thiện sức khỏe rất ít. Tôi suy ngẫm về ý kiến của BS Trần Ngọc Sinh, rằng
liệu có nên có luật để cho phép lấy thận của người chết não để cứu sống
người khác hay không?