Những câu chuyện về vitamin
Nhà khoa học Gowland Hopkins. |
Nhà hóa sinh học Mỹ Casimir Funk (1884-1967) là người đầu tiên dùng thuật ngữ này. Năm 1912, ông đưa ra kết luận: Nhiều bệnh suy dinh dưỡng hình thành do sự thiếu vắng các yếu tố thức ăn phụ. Ông gọi nó là vitamine. Theo tiếng Latin, “vita” có nghĩa là “sự sống” và “amine” là thành phần hóa học cần thiết cho sự sống.
Ngay từ xa xưa, con người đã biết rằng ngoài những món ăn như thịt cá, cơ thể luôn cần các chất từ rau quả tươi. Sự thiếu hụt những chất này sẽ gây hại cho sức khỏe và dẫn đến bệnh tật, thể hiện rõ nhất ở những người đi biển lâu ngày. Tuy nhiên, lúc ấy chưa ai hiểu rõ tại sao.
Đến giữa thế kỷ 16, qua kinh nghiệm của nhiều đoàn thủy thủ, mọi chuyện mới dần dần được sáng tỏ. Tháng 5/1534, nhà thám hiểm người Pháp Jacques Cartier dẫn một đoàn 110 thủy thủ rời cảng Saint Malo thuộc miền bắc nước Pháp, trên bờ biển Manche, để tìm đường đến châu Á. Trong nhật ký du hành có đoạn ghi: “Một số thủy thủ có các dấu hiệu như mệt mỏi, hai chân sưng phù, nướu (lợi) miệng loét hôi, niêm mạc và da bong từng mảng, răng rơi rụng dần...”. Cũng thời gian đó, John Woodall, một người Anh từng phục vụ lâu ngày ở công ty tàu biển Ấn Độ đã ghi chép: “Nhiều thợ trên tàu bị bệnh nướu (lợi), răng chảy máu, phù chi, nổi mẩn và ngứa khắp người. Sau khi uống nước rau tươi và hoa quả thì khỏi bệnh”. Tuy nhiên, tất cả các kinh nghiệm này vẫn chỉ là những ghi nhận tản mạn, chưa được xác định trên cơ sở khoa học.
Giữa thế kỷ 18,
bác sĩ James Lind thuộc hải quân Anh đã xác nhận, ở những thủy thủ đi biển lâu
ngày luôn xuất hiện nhiều dấu hiệu bệnh do chế độ ăn thiếu rau quả tươi, đó là
bệnh scorbut. Năm 1747, trong chuyến đi trên tàu Salisbury, ông đã tiến hành thử
nghiệm và thu được kết quả: những thủy thủ ăn đầy đủ rau quả tươi không mắc
bệnh, trong khi những người khác đều có dấu hiệu của bệnh scorbut. Năm 1753,
James Lind đã viết một cuốn sách thông báo hiện tượng này nhưng mãi tới năm 1795
(nghĩa là 42 năm sau khi ông qua đời), các nhà khoa học mới chú ý đến nó và hải
quân mới có những quy định về chế độ ăn rau quả tươi trên tàu biển.
Năm
1907, hai nhà khoa học Axel Holst và Theodor Frolich dự tính dùng chế độ ăn giảm
thiểu để gây suy dinh dưỡng ở chuột lang; và ngẫu nhiên họ lại gây được bệnh
scorbut trong thử nghiệm. Nhờ đó, giới y học mới hiểu thêm được quá trình hình
thành dạng bệnh này.
Năm 1912, sau một thời gian dài nghiên cứu các bệnh
như beri-beri, scorbut và nhiều bệnh suy dinh dưỡng khác, Casimir Funk mới phát
hiện ra vitamin. Cũng chính ông là người sau này đã khẳng định vai trò của
vitamin C trong việc phòng chống bệnh scorbut. Mãi đến năm 1920, Jack Drummond
mới xác định “yếu tố phụ cần thiết cho sự sống” không phải là amine như Funk
tưởng và đề nghị bỏ chữ “e” để tránh gây sự ngộ nhận về tính chất hóa học. Từ
đó, thuật ngữ “vitamin” được chính thức sử dụng trong y văn.
Năm 1928,
trong khi nghiên cứu hiện tượng oxy hóa tế bào, Szent Giorgyi, nhà sinh hóa Mỹ,
đã phân lập được từ tuyến thượng thận một chất và đặt tên là hexuronic acid,
thực ra là vitamin C hòa tan trong nước. Nhờ phát hiện này, ông được tặng giải
Nobel Y học. Năm 1932, W.A. Waugh và Charles King phân lập được vitamin C từ
chanh và xác nhận có tính chất giống hệt hexuronic acid. Năm 1933, vitamin C
được gọi với tên ascorbic acid và tới năm sau thì được tổng hợp nhờ công trình
nghiên cứu của nhà hóa học người Anh Walter Haworth). Như vậy, vitamin C đã được
biết đến sớm nhất.
Sự phát hiện vitamin B
Khoảng giữa thế kỷ 18, Jacob de Bondt, một thầy thuốc làm việc tại Batavia ở miền đông Ấn Độ thuộc Hà Lan đã viết cuốn sách “Y học Ấn Độ”, trong đó mô tả một căn bệnh phổ biến ở dân cư vùng này. Người ốm mất trương lực bàn tay, cánh tay, cơ chi dưới suy yếu kèm viêm dây thần kinh ngoại vi. Nhưng mãi đến năm 1642 (nghĩa là sau khi Bondt qua đời 11 năm), gia đình mới phát hiện và cho xuất bản cuốn sách.
Sau đó, nhiều thầy thuốc ở vùng Viễn Đông cũng thông báo một số trường hợp có triệu chứng tương tự và gọi tên là bệnh beri beri (tiếng Sri Lanka là mỏi mệt, suy nhược). Năm 1881, Erwin Von Balcz xác nhận, dạng bệnh suy nhược cơ chi khá phổ biến ở nhiều vùng dân cư Nhật. Trong suốt 4 năm (1882-1885), Kanehiro Takaki, Tổng Giám đốc Y khoa Hải quân Nhật đã loại trừ dạng bệnh này trong thủy quân nhờ áp dụng chế độ ăn gạo cám, hoa quả tươi.
Năm 1890, Christian
Eijkman, thầy thuốc ngoại khoa và vệ sinh học người Hà Lan, làm việc tại một
trại giam ở Java, nhận xét thấy phần lớn các tù nhân đều có dấu hiệu bệnh beri
beri: suy nhược cơ, tê phù, liệt chân. Qua theo dõi một thời gian dài, ông nhận
ra nguyên nhân là tù nhân ăn loại gạo xay xát quá kỹ. Ông dùng loại gạo đó nuôi
dưỡng đàn gà của trại giam và lần đầu tiên gây được bệnh beri beri thực nghiệm.
Sau đó, ông quyết định cho cả tù nhân lẫn đàn gà dùng chế độ ăn gạo chứa nhiều
cám thì thấy hết hẳn các dấu hiệu bệnh.
Năm 1906, nhà hóa sinh học người
Anh Gowland Hopkins đã tiến hành những thử nghiệm các chế độ ăn khác nhau trên
súc vật. Sau 6 năm nghiên cứu, ông kết luận: Nhiều thể bệnh (như scorbut, beri
beri...) xuất hiện do chế độ ăn thiếu hụt một chất rất cần thiết cho sự phát
triển cơ thể sinh vật (dù nhu cầu về chúng rất nhỏ) Năm 1911, sau khi gây bệnh
beri beri thực nghiệm ở chim câu, Funk đã dùng 20 mg chất phân lập từ bột cám và
điều trị khỏi bệnh này, từ đấy mở đường cho việc tìm hiểu đầy đủ về vitamin B.
Năm 1929, giải Nobel Y học được trao tặng cho hai nhà khoa học Eijkman và
Hopkins để ghi nhận công lao phát hiện vai trò của vitamin B.
Như vậy, từ
giữa thế kỷ 16, con người đã bắt đầu ghi chép để nhận biết về sự hiện diện của
những chất (không phải thực phẩm) cần thiết cho sự phát triển của cơ thể. Đã hơn
4 thế kỷ trôi qua và ngành khoa học nghiên cứu các chất cần thiết này đã được
hình thành với tên gọi “vitamin học” (vitaminology). Ngành này đã xác định được
khoảng 20 loại vitamin cùng với cấu trúc và vai trò của chúng.
(Theo Sức Khỏe & Đời Sống)