Dùng thuốc kiểu vitamin đẩy ngược bệnh Parkinson
Các nhà khoa học Mỹ mới phát hiện ra rằng, hàm lượng cao của một loại thuốc bổ sung rất phổ biến là coenzyme Q10 có thể làm cho sự tiến triển của bệnh Parkinson chậm lại gần một nửa. Nếu thành công, đây sẽ là loại thuốc đầu tiên có tác dụng đẩy ngược bệnh.
Coenzym Q10 là một thành phần gần giống vitamin, do cơ thể tự sản xuất. Nó đóng vai trò quan trọng trong hoạt động của ty lạp thể - thành phần của tế bào chịu trách nhiệm chuyển các chất dinh dưỡng thành năng lượng. Khi còn trẻ, cơ thể sản xuất khoảng 300 mg coenzym Q10/ngày, nhưng mức độ này bắt đầu giảm sau tuổi 30. Q10 dạng tổng hợp đã được bán rộng rãi tại các cửa hàng để bổ sung cho bệnh nhân tim mạch, ung thư và một số bệnh khác.
Các nhà khoa học tại Đại học California đã tiến hành nghiên cứu trên 80 bệnh nhân bị bệnh Parkinson giai đoạn đầu, chưa cần dùng thuốc đặc hiệu. Họ uống Q10 ở các liều khác nhau hoặc dùng giả dược, mỗi ngày 4 lần, trong 16 tháng hoặc đến khi cần dùng thuốc điều trị truyền thống như L-dopa. Kết quả cho thấy, so với nhóm dùng giả dược:
- Tất cả bệnh nhân dùng Q10 đều tiến triển tốt hơn.
- Hiệu quả rõ nét nhất là ở nhóm dùng thuốc liều cao (1.200 mg/ngày): bệnh tiến triển chậm hơn 44%.
- Ở nhóm dùng 300 hoặc 600 mg Q10, bệnh tiến triển chậm hơn 20%.
Phát hiện này được các nhà khoa học đánh giá là rất đáng khích lệ, nhưng còn cần thêm các nghiên cứu trên quy mô lớn hơn trước khi có thể đưa ra lời khuyên với người bệnh. Báo cáo đăng trên tạp chí Hồ sơ Lưu trữ Thần kinh của Mỹ số ra hôm nay.
Khoảng 1% những người trên 65 tuổi bị bệnh Parkinson. Bệnh nhân thường bị run rẩy, khó cử động vì có quá ít dopamine (hóa chất trong não). Cho tới nay, việc dùng thuốc như L-dopa chỉ giúp bổ sung dopamin từng ngày, trong khi bệnh vẫn tiếp tục tiến triển xấu đi.
Các nghiên cứu trước đó cho rằng, ở bệnh nhân Parkinson, chức năng của ty lạp thể bị tổn thương và bộ phận này bị thiếu Q10.
Thu Thủy (theo BBC, WebMD)