Hãy cảnh giác với bệnh phổi tắc nghẽn mãn
(Trích bài nói chuyệncủa BS. Lê Thị Tuyết Lan - Giảng viên Trường Đại học Y Dược TP. HCM đăng trên báo Tuổi Trẻ ngày 8/11/2002)
Bệnh phổi tắc nghẽn mãn (BPTNM) là tình trạng bệnh lý do viêm kinh niên tại phổi. Nguyên nhân chủ yếu do hút (hít khói) thuốc lá, hoặc hít phải khói bịu từ các chất đốt, bụi, hơi và khói trong xí nghiệp...
Tình trạng viêm kinh niên của phổi dần dần làm đường dẫn khí hóa xơ, tạo sẹo, gây tắc nghẽn đường thở. Mô phổi cũng bị hủy hoại từ từ. Quá trình này thường diễn tiến trong khoảng 30 năm.
Làm sao phát hiện sớm BPTNM?
BPTNM có đặc điểm tiến triển âm thầm nhiều năm với các triệu chứng không đáng kể như ho, khạc đàm và chỉ khó thở khi gắng sức nên không hề bệnh nhân (BN) cảnh giác. Do xảy ra âm thầm nhưng luôn tiến triển nên BN không hề nghĩ bệnh rất nguy hiểm và nó đang từ từ hủy hoại tràn lan trong phổi.
Phương pháp duy nhất để phát hiện sớm BPTNM là làm hô hấp ký(đo chức năng thở). Nhờ hô hấp ký mà bác sĩ có thể phát hiện được BPTNM 20 năm trước khi BN có khó thở. Lưu ý khám lâm sàng, chụp hình phổi không thể phát hiện BPTNM ở giai đoạn sớm được. Những người hút thuốc lá hoặc tiếp xúc với khói, bụi, hơi độc mà có khạc đàm mỗi sáng, ho và khó thở khi gắng sức hãy làm hô hấp ký ít nhất mỗi năm một lần để phát hiện sớm BPTNM.
BPTNM điều trị có khỏi không?
Khoảng 10 – 30% BN đáp ứng tốt với thuốc corticoid dạng phun. Liệu pháp này cần có sự theo dõi, đánh giá của bác sĩvới sự trợ giúp của hô hấp ký. Các loại thuốc giãn phế quản, long đàm chỉ nhằm giảm nhẹ triệu chứng cho BN. Tập dưỡng sinh, tập thở, tập vận động để phục hồi chức năng hô hấp cũng giúp BN cải thiện chất lượng cuộc sống.
Phòng BPTNM?
Cần lưu ý thêm đến nay vẫn chưa có loại thuốc nào có thể ngăn cản được sự tiến triển của bệnh một cách hữu hiệu. Do đó, biện pháp tiên tiến nhất, hiệu quả nhất trong điều trị BPTNM là cai thuốc lá ngay lập tức. Hút thuốc lá thụ động (hít phải khói thuốc) cũng làm tăng 10 – 43% nguy cơ BPTNM. Giảm thiểu tối đa việc tiếp xúc với khói, bụi và hơi độc. Nếu thấy có nguy cơ mắc bệnh hãy đến bệnh viện để được phát hiện thật sớm bằng hô hấp ký, ít nhất mỗi năm một lần. Nếu bệnh đã ở giai đoạn muộn, hãy đề phòng các đợt cấp bằng cách chích ngừa cảm cúm. Dùng thuốc và các biện pháp khác theo sự hướng dẫn của bác sĩ để giảm nhẹ triệu chứng, nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống cho chính mình.