PHÒNG NGỪA SUYỄN
BS. ĐỖ THỊ TƯỜNG OANH
TT Lao - Bệnh phổi Phạm Ngọc Thạch
Suyễn là bệnh rất thường gặp ngày nay, nhất là ở những vùng đô thị công
nghiệp hóa cao. Điều đáng lo ngại là tỷ lệ người mắc bệnh suyễn ngày càng
tăng cao trên thế giới, nhất là suyễn ở trẻ em, và sự gia tăng này dường như
song song với tốc độ công nghiệp hóa.
Suyễn là tình trạng viêm nhiễm mãn tính của các đường dẫn khí trong phổi
làm cho các đường dẫn khí này trở nên rất dễ phản ứng đối với 1 số tác nhân
gây kích thích như bụi nhà, phấn hoa, nấm mốc, lạnh, gắng sức... Hậu quả dẫn
đến tình trạng tắc nghẽn luồng khí thở do co thắt phế quản, do sưng phù làm
hẹp lòng phế quản và do đàm nhớt làm tắc phế quản. Người bệnh thường xuất
hiện những cơn suyễn cấp tính, tức là những đợt ho, khò khè, nặng ngực, khó
thở. Những cơn này có thể rất nhẹ, tự qua khỏi không cần uống thuốc nhưng
cũng có thể rất nặng gây khó thở dữ dội, nếu không cấp cứu kịp thời có thể
tử vong.
Người xưa có câu "Phòng bệnh hơn trị bệnh". Vì những cơn suyễn cấp tính có
thể trở thành một cấp cứu nội khoa và có thể dẫn đến tử vong nếu không xử
trí kịp thời nên việc phòng ngừa cơn suyễn là rất cần thiết. Phòng ngừa cơn
suyễn có thể giúp cho cơn suyễn xảy ra ít hơn, nếu có xảy ra thì với mức độ
ít trầm trọng hơn và hiếm khi phải cấp cứu. Nhờ vậy, người bệnh suyễn sẽ có
cuộc sống dễ chịu hơn, an toàn hơn, và căn bệnh cũng ít ảnh hưởng đến công
việc hay học tập. Các biện pháp giúp phòng ngừa suyễn bao gồm:
? Phòng ngừa bằng cách thay đổi lối sống và môi trường.
? Phòng ngừa bằng thuốc.
Phòng ngừa bằng cách thay đổi lối sống và môi trường
Phương pháp này nhằm giúp cho người bệnh hạn chế tiếp xúc với các chất hoặc
các tình huống có thể khởi phát cơn suyễn như: các loại gây dị ứng đường hô
hấp (phấn hoa, nấm mốc, bụi nhà, lông súc vật...), dị ứng qua thức ăn, các
tình huống đặc biệt như lạnh, gắng sức, uống Aspirin...
- Suyễn do hít phải phấn hoa: Vào mùa đơm hoa kết trái, theo quy
luật tự nhiên, phấn hoa của các loại cây sẽ theo gió bay đi khắp nơi để rồi
đâm chồi nẩy lộc, nhân giống ra khắp nơi. Luồng gió có mang phấn hoa này nếu
bị những người bệnh suyễn vô tình hít phải thì có thể sẽ làm khởi phát 1 cơn
suyễn cấp. Tùy theo loại cây ra hoa theo mùa hay quanh năm mà người bệnh có
thể bị bệnh vào những thời điểm nhất định trong năm hay quanh năm. Đây cũng
là yếu tố giúp bạn biết được mình có dị ứng với phấn hoa hay không, tuy
nhiên việc xác định chính xác loại phấn hoa gây bệnh cũng rất khó khăn. Để
phòng tránh, bạn nên lưu ý đến các loại cây có hoa trồng xung quanh nhà và
chặt bỏ hay mang đi nơi khác nếu có thể. Tuy vậy cũng có nhiều cây không thể
chặt bỏ hay di chuyển được, trong trường hợp này, vào mùa cây cối trổ hoa,
bạn nên ở trong nhà và đóng kín cửa, nhất là những ngày có nhiều gió. Có thể
dùng máy điều hòa nhiệt độ, tốt nhất là các loại có kèm bộ phận lọc khí. Khi
buộc phải ra ngoài, nên đeo khẩu trang thật kín. Một số trường hợp thay đổi
hẳn nơi cư trú có thể làm bệnh giảm hẳn.
- Suyễn do nấm mốc: Nấm mốc thường có ở những nơi ẩm thấp. Các bào
tử nấm có thể theo gió phát tán khắp nơi. Ở trong nhà, nấm mốc thường có ở
những nơi ẩm ướt thường xuyên như tầng hầm, nhà tắm, nhà bếp hoặc có trong
các vật dụng trong nhà như giường nệm, mền gối, thảm trải sàn, tấm chùi
chân, thú nhồi bông, giấy dán tường, sách vở cũ... Ở bên ngoài, đất ẩm ướt
rong rêu, các loại phân ủ bằng lá cây mục là những nơi có chứa nhiều loại
nấm mốc. Để phòng chống nấm mốc, nên vệ sinh nhà cửa thường xuyên, nhất là
những nơi ẩm thấp, tránh rong rêu, nước đọng. Thỉnh thoảng cọ rửa sàn nhà
tắm, nhà bếp bằng dung dịch sát trùng. Những kệ sách cũ lâu năm, những lớp
giấy dán tường cũ kỹ nên được loại bỏ hay thay thế, tốt nhất là dùng các
loại sơn chống mốc. Nệm gối và các vật dụng bằng gỗ cũ kỹ nên thỉnh thoảng
đem phơi nắng.
- Suyễn do bụi nhà: Bụi là một hỗn hợp khá phức tạp bao gồm phấn
hoa, lông súc vật, nấm mốc, các loại sợi tổng hợp và nhiều nhất là 1 loại
côn trùng rất nhỏ mắt thường không nhìn thấy được gọi là con mạt. Loài mạt
này sống nhiều nhất là ở nệm giường, nệm ghế salon; chúng ăn lông, vẩy da
người tróc ra, mồ hôi, tinh dịch rơi vãi... Để phòng tránh bụi nhà, nên giữ
cho nhà cửa sạch sẽ thường xuyên, không để bụi đóng thành lớp ở gầm giường,
gầm bàn, nóc tủ. Khi làm vệ sinh nhà cửa nhớ đừng quét làm bụi bay tung tóe
mà nên lau bằng giẻ ẩm hoặc dùng máy hút bụi. Cần lưu ý là nếu chính bạn bị
suyễn, bạn không nên tham gia trực tiếp vào các buổi tổng vệ sinh nhà cửa;
nếu không thể được thì bạn có thể mang khẩu trang thật kín và nhớ làm ẩm
trước khi làm vệ sinh. Hạn chế sử dụng các vật dụng có thể làm tích tụ bụi
như màn cửa, rèm, thảm, các đồ vật bằng bông... Mền gối khi dùng xong nên
cất vào tủ, không treo nhiều quần áo trong phòng ngủ. Không nên dùng nệm quá
dày và nên thay nệm mới sau vài ba năm sử dụng.- - Suyễn do dị ứng với
lông thú vật: Có nhiều người bị suyễn do dị ứng với lông của các loài
vật nuôi trong nhà, bao gồm cả loài có lông mao như chó, mèo hay loài có
lông vũ như gà, vịt, chim chóc. Thật ra lông thú vật tự nó không gây dị ứng
mà người ta thường dị ứng với nước bọt hoặc nước tiểu của thú vật dính trên
lông. Lông mèo là nguyên nhân gây suyễn thường gặp nhất, có lẽ do mèo hay
liếm lông. Để phòng tránh, tốt nhất là không nên nuôi thú vật trong nhà.
Cũng cần lưu ý để tránh không cho chó mèo nhà hàng xóm chạy sang nhà mình,
nhất là trong phòng ngủ. Không sử dụng các vật dùng làm bằng lông thú.
- Suyễn do thức ăn: Một số người có thể lên cơn suyễn sau khi ăn một
số thức ăn gây dị ứng, thường khoảng chừng 2 giờ sau khi ăn. Một số loại
thức ăn có thể gây dị ứng là tôm, cua, cá biển, thịt bò, sữa bò, đậu phộng,
đậu nành, chocolat... Có người bị dị ứng với loại thức ăn này nhưng không bị
dị ứng với thức ăn kia, vì thế tìm hiểu xem bị dị ứng với loại thức ăn nào
và cần tránh ăn loại thức ăn đó.
- Suyễn do các tình huống đặc biệt:
Các cơn suyễn cấp có thể khởi phát khi gặp phải thời tiết lạnh. Nên hạn chế
đi ra ngoài trong những ngày thời tiết trở lạnh và phải chú ý mặc quần áo đủ
ấm. Nếu sử dụng máy điều hòa nhiệt độ thì phải chỉnh nhiệt độ vừa mát, không
quá lạnh (khoảng 27-28oC).
Gắng sức quá mức, đùa giỡn quá độ cũng có thể làm khởi phát cơn suyễn, khi
lao động, chơi thể thao phải biết dừng lại đúng mức, đừng để cơ thể quá mệt
mỏi. Các bậc cha mẹ có con bị suyễn cũng nên nhắc nhở con mình không nên
cười giỡn, nô đùa quá nhiều có thể gây ra cơn suyễn.
Ngoài ra, uống các thuốc như Aspirin, Ibuprofen (thuốc trị đau nhức) có thể
gây cơn suyễn ở 1 số người. Nên tránh dùng các loại thuốc cảm có chứa
Aspirin. Khi đến khám bác sĩ vì một bệnh nào đó, khai rõ mình bị suyễn để
bác sĩ tránh cho dùng các loại thuốc có thể gây suyễn (như Ibuprofen) hoặc
các loại thuốc có thể làm bệnh nặng hơn (như Sectral...).
Phòng ngừa bằng thuốc
Ngoài các biện pháp thay đổi lối sống và môi trường kể trên, có thể sử dụng
1 số thuốc để phòng ngừa cơn suyễn. Các thuốc này là các loại thuốc kháng
viêm nhằm làm giảm tình trạng viêm nhiễm mãn tính của phế quản, nhờ đó làm
giảm bớt sự co thắt phế quản. Thuốc cần phải được sử dụng thường xuyên mới
có hiệu quả và phần lớn đều được dùng dưới dạng ống bơm xịt, ống hít hay
phun khí dung. Các thuốc này có thể có nguồn gốc corticoid như Bécotide,
Béclovent, Pulmicort hay không có nguồn gốc corticoid như Lomudal, Tilade...
Vì là thuốc sử dụng trực tiếp qua đường hô hấp nên tác dụng phụ của thuốc
không đáng kể. Bác sĩ sẽ chọn lựa loại nào thích hợp nhất với bạn và hướng
dẫn bạn sử dụng thuốc đúng cách.
Phòng ngừa suyễn là một việc làm cần thiết đối với những người mắc bệnh
suyễn. Nó sẽ giúp bạn khống chế phần nào được căn bệnh và sống lạc quan hơn,
yêu đời hơn hay nói cách khác đó là một phương pháp giúp bạn "sống chung
với bệnh suyễn".