Những quan điểm mới về hen phế quản
Công nghiệp càng phát triển, số lượng bệnh nhân hen phế quản (còn gọi là hen, suyễn), đặc biệt ở trẻ em càng gia tăng. Trung bình cứ 20 năm, tỷ lệ mắc hen ở trẻ em tăng 2-3 lần. Theo Tổ chức y tế thế giới (WHO), hiện nay có khoảng 8-10% trẻ em dưới 15 tuổi trên thế giới bị hen. Ở Việt Nam tỷ lệ này là 10%, gần gấp đôi người lớn.
Tuy nhiên, trong nhiều năm trước đây, hen phế quản trẻ em vẫn chưa được quan tâm đúng mức từ nhiều phía, cho nên dù bệnh ít gây tử vong nhưng hàng năm vẫn có chừng 25.000 trẻ em chết vì hen phế quản trên toàn thế giới.
Theo Bộ Y tế, hen phế quản (gọi tắt là hen) là một bệnh có thể kiểm soát và điều trị được hoàn toàn nhưng do mức độ lưu hành hen, cùng với việc chẩn đoán thường bỏ sót và điều trị không đúng mức, đặc biệt ở trẻ em, nên bệnh ngày một tăng. Từ năm 1993, đã có những phương pháp mới để nhận biết, chẩn đoán, điều trị và kiểm soát hen; chi phí cá nhân, xã hội và kinh tế điều trị hen có thể giảm tới mức tối thiểu; giáo dục tốt người bệnh có thể chống lại bệnh hen một cách hiệu quả. Hen gây ra từng cơn tái phát với triệu chứng: ho, khó thở, khò khè, nặng ngực, đặc biệt vào ban đêm và lúc gần sáng, cơn hen có thể đe dọa tính mạng người bệnh nhưng hoàn toàn có thể dự phòng được. Hen là bệnh lý viêm mạn tính đường thở khi tiếp xúc với các nguyên nhân và các yếu tố gây bệnh như: nhiễm virus, dị ứng với mạt bụi từ đệm, thảm, đồ dùng có nhồi bông… lông thú, phấn hoa, khói thuốc lá, thuốc Aspirin, strees, hóa chất…
Cơn hen xảy ra từng đợt, nhưng trạng thái đường thở luôn tồn tại. Hen là một bệnh mạn tính đòi hỏi sự quản lý và điều trị lâu dài, điều đó có nghĩa là người bệnh hàng ngày, hàng năm phải dùng một loại thuốc dự phòng. Mức độ nặng, nhẹ của hen tùy theo mỗi người, tùy theo thời gian và có thể đe dọa tính mạng người bệnh. Quyết định điều trị tùy thuộc vào mức độ nặng nhẹ của bệnh. Hen có thể chữa và quản lý được. Người bệnh hoàn toàn có thể dự phòng các triệu chứng hen ban đêm và ban ngày; dự phòng các cơn hen nặng; sử dụng ít đi hoặc không cần dùng thuốc cắt cơn; có cuộc sống thoải mái, hoạt động thể lực bình thường; có chức năng hô hấp gần như bình thường. Không nên mặc cảm vì có bệnh hen, đối với trẻ có tiền sử gia đình hen, có cơ địa dị ứng phải hết sức tránh tiếp xúc với các nguyên nhân và yếu tố gây bệnh, đối với người lớn cần tránh tiếp xúc với các hóa chất độc hại ở nơi làm việc.
Như vậy, hen phế quản nói chung, ở trẻ em nói riêng là một vấn đề thuộc về y tế – xã hội nên đòi hỏi phải có sự quan tâm đúng mức không chỉ của ngành y tế, các bậc phụ huynh mà cả các cấp, ban ngành trong xã hội, nếu không nó sẽ như một tảng đá ngầm tai hại có thể dẫn tới những hậu quả xấu mà lẽ ra chúng ta hoàn toàn có thể tránh được.
. Ngọc Hòa
(Trung tâm Truyền thông GDSK)