Bệnh phổi nghề nghiệp dễ mắc, khó chữa
Công nhân khai thác đá rất dễ bị bệnh phổi silic. |
Bệnh phổi do bụi silic, amiăng, bụi bông, hen, viêm phế quản mạn... rất thường gặp ở những người làm việc trong môi trường ô nhiễm. Các bệnh này khó chữa và hay tái phát, có thể dẫn đến tử vong.
Thạc sĩ Trịnh Hồng Lân, Trưởng khoa Vệ sinh lao động, Viện Vệ sinh y tế công cộng TP HCM cho biết, các bệnh phổi nghề nghiệp gây mất khả năng lao động; một số bệnh có thể làm chết người. Chúng thường diễn tiến âm thầm, kéo dài nhiều năm mới bộc lộ triệu chứng nên đa số công nhân không biết để tự bảo vệ sức khỏe của mình.
Theo thạc sĩ Lân, trong các loại bệnh phổi nghề nghiệp, bệnh phổi silic là nguy hiểm và thường gặp nhất. Đó là tình trạng xơ hóa phổi lan tỏa do hít thở phải bụi có hàm lượng silic tự do cao. Bệnh tiến triển thành mạn tính do sự xâm nhập và tồn đọng của bụi chứa silic tự do ở dạng tinh thể. Sau khi ngừng tiếp xúc với bụi này, bệnh vẫn tiếp tục tiến triển, không hồi phục, gây các biến chứng như lao phổi, suy hô hấp, nhiễm khuẩn phế quản phổi, tràn khí phế mạc, hoại tử vô khuẩn, viêm phế quản mạn. Biểu hiện của bệnh phổi silic là khó thở khi gắng sức, đau tức ngực (lúc này bệnh đã phát triển và có biến chứng). Do chưa có thuốc điều trị hiệu quả nên bệnh nhân thường chỉ được điều trị triệu chứng và tập luyện phục hồi chức năng hô hấp.
Bệnh phổi amiăng là bệnh xơ hóa phổi do bụi amiăng; triệu chứng cũng là khó thở khi gắng sức, đau ngực, cử động lồng ngực bị hạn chế. Bệnh có thể diễn tiến theo hướng xơ hóa phổi, tổn thương màng phổi lành tính, u ác tính. Hiện cũng chưa có phương pháp điều trị khỏi hoặc hạn chế sự tiến triển của bệnh. Điều trị triệu chứng chủ yếu bằng các loại thuốc corticostéroid, thuốc long đàm, ho, tập luyện phục hồi chức năng.
Bệnh phổi bông xuất hiện do tiếp xúc với bụi bông, bụi gai, bụi đay, gây những tổn thương về bộ máy hô hấp. Ở giai đoạn sớm, người bệnh có biểu hiện tức ngực vào ngày lao động đầu tiên sau kỳ nghỉ cuối tuần. Về sau, triệu chứng này kéo dài sang các ngày khác trong tuần nhưng nhẹ dần vào những ngày cuối tuần. Ở giai đoạn cuối, biểu hiện lâm sàng giống với viêm phế quản mạn nên rất khó phân biệt bệnh có nguyên nhân nghề nghiệp hay không. Để điều trị, cần dùng thuốc kháng histamin để làm giảm tác hại bụi bông đối với phổi; hít thở khí dung thuốc giãn phế quản.
Bệnh viêm phế quản mạn nghề nghiệp có triệu chứng: phế quản tăng tiết gây ho, khạc đờm suốt trên ba tháng mỗi năm và kéo dài trên hai năm.
Thạc sĩ Hồng Lân cho biết, các bệnh phổi nghề nghiệp đều có thể dự phòng nếu chủ doanh nghiệp, cơ quan y tế và người lao động cùng thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp phòng ngừa. Cần thực hiện sản xuất trong chu trình kín, ẩm hoặc thông hút gió tại chỗ, tránh bụi lan tỏa bằng cách bố trí các máy hút bụi, hơi khí độc cục bộ. Phải định kỳ kiểm tra sự ô nhiễm môi trường lao động tại các doanh nghiệp. Khi lao động, bắt buộc công nhân mang khẩu trang hay mặt nạ phòng chống bụi thích hợp, mặc đồ bảo hộ lao động. Những người này phải được khám kiểm tra sức khỏe định kỳ và khám bệnh nghề nghiệp (chụp phổi, đo chức năng hô hấp) để phát hiện dấu hiệu sớm của bệnh phổi nghề nghiệp.
(Theo Tuổi Trẻ)