Ghép gan để "cứu" thận
Các bác sĩ Thụy Điển vừa thực hiện một bước đột phá quan trọng trong kỹ thuật ghép thận. Để khắc phục tình trạng cơ thể "cố tình" đào thải thận mới, các bác sĩ đã cấy thêm 20% gan cho một bệnh nhân, trước khi ghép thận cho ông này. Kết quả là sau 3 tuần ghép thận mới, người bệnh không hề có biểu hiện đào thải.
Đó là một bệnh nhân 46 tuổi người Thụy Điển, phải sống nhờ vào thận nhân tạo trong nhiều năm. Trước đó, cơ thể người đàn ông này đã liên tiếp "từ chối" 3 quả thận mới, chỉ 5 ngày sau mỗi lần ghép.
Nồng độ HLA tăng cao
Khi gặp tổ chức lạ, cơ thể sẽ sản xuất ra các kháng thể có tên là HLA. Các kháng thể này không gây hại cho cơ thể, trừ khi bạn là người cần được ghép tạng. Không phải tất cả mọi người đều sản xuất ra HLA. Tại Thụy Điển, 50% bệnh nhân cần ghép thận có nồng độ HLA trong máu tăng cao. Điều này khiến việc ghép tạng và đặc biệt là việc ghép lại tạng hết sức nguy hiểm. Khi ghép thận cho người có nồng độ HLA cao, cơ thể thường đào thải thận mới, đôi khi ngay từ những ngày đầu. Nồng độ HLA có thể tăng cao sau khi người bệnh được truyền máu hay ghép tạng không thành công.
Ghép gan rồi mới ghép thận
Để khắc phục vấn đề đào thải tạng ở bệnh nhân ghép thận, bác sĩ Michael Olausson, Bệnh viện ĐH Sahlgrenska ở Gothenburg, đã thay 1/5 gan của bệnh nhân người Thụy Điển nói trên bằng một lượng gan tương đương của người hiến. Chỉ 1 giờ sau khi ghép gan, các kháng thể HLA đã được đào thải khỏi cơ thể. Theo bác sĩ Olausson, không rõ bằng cách nào, nhưng chính gan mới là người đã làm công tác "dọn vườn" này. Và đến lúc này, việc ghép thận lần thứ tư mới được tiến hành. 3 tuần sau phẫu thuật, bệnh nhân vẫn tiến triển tốt.
Bác sĩ Olausson tỏ ra rất lạc quan. Theo ông, bệnh nhân này vẫn có thể đào thải thận nhưng nếu có thì biểu hiện đào thải đã phải xuất hiện rồi. Hiện đang có một bệnh nhân khác chờ được ghép thận. Bác sĩ Olausson sự định sẽ khuyến khích bệnh nhân đó đi theo hướng này.
Thu Thủy (theo Reuters, 23/5)