Tán sỏi trong gan bằng kỹ thuật nội soi ở Việt Nam
Việc sử dụng máy nội soi để truy tìm và dùng xung động thủy lực phá sỏi cho phép "diệt" sỏi ở các nhánh mật nhỏ nằm sâu trong gan, giúp giảm đáng kể tỷ lệ sót sỏi sau tán. Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) và Bệnh viện Trưng Vương TP HCM là hai cơ sở duy nhất ở Việt Nam thực hiện được kỹ thuật này.
Sỏi mật không chỉ hình thành ở ống mật chủ (ống lớn nhất) mà còn có thể xuất hiện ở các nhánh nhỏ của ống mật nằm khắp trong gan. Việc lấy những viên sỏi nằm trong đó thường rất khó khăn. Trước đây, sau khi mở ống mật chủ, các bác sĩ dùng dụng cụ có kích thước lớn để gắp sỏi và chỉ lấy được những viên sỏi lớn ở gần. Kết quả là nhiều bệnh nhân vẫn phải mổ lại.
Với kỹ thuật nội soi tán sỏi, một ống nội soi nhỏ (đường kính 3-5 mm, dài 40-50 cm) được đưa vào ống mật chủ. Thiết bị này có thể len lỏi khắp các nhánh mật. Khi tìm thấy "địch", máy sẽ phát xung động thủy lực phá vỡ sỏi, rồi bơm nước vào rửa và hút ra. Ống nội soi có thể "tiêu diệt" phần lớn sỏi mật, kể cả những viên nằm rất sâu trong các nhánh mật nhỏ.
Kỹ thuật nội soi tán sỏi trong gan ra đời ở Nhật Bản vào đầu thập kỷ 90 và được Bệnh viện Việt Đức áp dụng từ năm 2000. Cho đến nay, bệnh viện đã thực hiện được 93 ca, tất cả đều tiến triển rất tốt, ít trường hợp tái phát. Hiện bệnh viện chưa thu phí phẫu thuật đối với phương pháp này.
Nội soi tán sỏi có mổ hở và không
PGS Trần Gia Khánh, Phó Chủ nhiệm khoa Phẫu thuật gan mật, cho biết, hiện tại, Bệnh viện Việt Đức áp dụng phương pháp nội soi tán sỏi trong gan trên các bệnh nhân được mổ hở. Sau khi mổ và lấy sỏi ở túi mật và ống mật chủ, các bác sĩ dùng thiết bị nội soi để phá nốt những khối sỏi nhỏ.
Năm 2002, Bệnh viện sẽ triển khai kỹ thuật nội soi tán sỏi trong gan không cần mổ hở (nội soi tán sỏi qua da). Phẫu thuật viên dùng một chiếc kim nhỏ tạo một đường dẫn qua thành bụng, nhu mô gan vào ống mật. Đường dẫn sẽ được nong rộng, đủ để đưa ống nội soi vào thực hiện tán sỏi. Phương pháp này có thể thực hiện ở bệnh nhân thể lực yếu, không thể chịu phẫu thuật. Tuy nhiên, nhược điểm của nó là thời gian thực hiện dài (2-3 ngày), đôi khi có thể gây biến chứng như viêm phúc mạc, tràn máu ổ bụng, chảy máu đường mật và nhiễm trùng máu.
Bệnh sỏi mật
Theo PGS Khánh, bệnh sỏi mật ở Việt Nam có nhiều điểm khác với các nước phát triển. Ở các nước này, sỏi hình thành chủ yếu ở túi mật (do cholesterol kết tủa mà thành). Còn ở Việt Nam, có tới 50% trường hợp sỏi xuất hiện ở các ống mật trong gan, được tạo thành từ những mảnh xác giun, trứng giun và xác vi khuẩn.
Sỏi mật gây đau, sốt, vàng da. Nếu không điều trị, các triệu chứng bệnh có thể tự biến mất rồi lại xuất hiện. Bệnh nhân có thể tử vong vì các biến chứng như nhiễm trùng, áp xe hoặc chảy máu đường mật. Sỏi mật mạn tính còn gây xơ gan và viêm tụy mạn tính...
Thanh Nhàn