Bệnh nhân chạy thận nhân tạo buối sáng sống lâu hơn
Đối với các bệnh nhân có tuổi phải chạy thận nhân tạo, việc tiến hành điều trị vào buổi sáng giúp giảm 30% nguy cơ tử vong so với điều trị vào buổi chiều. Kết luận này được các nhà khoa học đăng trên Tạp chí Hội Y khoa Mỹ số ra hôm nay (5/12).
Các bệnh nhân mà chức năng thận quá suy yếu thường phải nhờ một cỗ máy gọi là thận nhân tạo tẩy rửa các chất độc trong máu. Bác sĩ Bliwise, Đại học Tổng hợp Emory (bang Georgia, Mỹ), đã tiến hành một nghiên cứu kéo dài 11 năm, trên 242 bệnh nhân tuổi từ 60 trở lên. Họ được chia thành 2 nhóm:
- Nhóm 1 gồm 167 bệnh nhân chạy thận buổi sáng.
- Nhóm 2 gồm 75 người chạy thận buổi chiều.
Kết quả cho thấy, tuổi thọ của những người thuộc nhóm 1 tăng trung bình 15 tháng so với nhóm 2.
Theo các tác giả, thời điểm dùng thuốc cũng có ảnh hưởng tới hiệu quả của việc điều trị. Ví dụ, với một số bệnh ung thư, hóa chất đem lại hiệu quả lớn nhất nếu được dùng vào sáng sớm.
Trong khi chưa thể giải thích vì sao chạy thận nhân tạo vào buổi sáng tốt hơn, các tác giả cho rằng việc những người bệnh này hay ngủ trong khi điều trị có thể đóng vai trò nhất định. Các nghiên cứu trước đó cho thấy chạy thận trong khi ngủ đạt hiệu quả cao hơn.
Mỗi năm tại Mỹ có hơn 30.000 người phải lọc máu và 20% trong số đó tử vong.
Thu Thủy (theo Reuters)