Sỏi niệu hai bên dễ dẫn đến suy thận
Siêu âm giúp phát hiện sỏi niệu. |
Suy thận là hậu quả gần như tất yếu của sỏi niệu hai bên nếu để bệnh tiến triển mà không có sự can thiệp sớm bằng ngoại khoa.
Theo thống kê, tỷ lệ bệnh nhân mắc sỏi niệu hai bên khá cao, chiếm tới 14-15% số ca bệnh sỏi niệu. Bệnh nhân nam mắc nhiều hơn nữ. Trong bệnh sỏi niệu hai bên, hay gặp nhất là sỏi bể thận với 38%.
Sỏi niệu hai bên có tỷ lệ nhiễm khuẩn nhiều hơn một bên. Vi khuẩn gây viêm thận kẽ, bệnh từ hình thái cấp dễ trở thành mạn tính, khiến thận bị xơ hóa. Tổ chức xơ lan đến ống thận và sau đó là cầu thận.
Điều đáng ngại ở bệnh sỏi niệu là biểu hiện lâm sàng và xét nghiệm sinh hóa thường không phản ánh đúng tổn thương thực thể đã có ở thận. Khi xét nghiệm thấy urê máu cao thì đó là một dấu hiệu chứng tỏ bệnh đã ở giai đoạn muộn, khả năng lọc của cầu thận đã giảm 2/3. Triệu chứng tăng huyết áp xuất hiện khi đã có suy thận - một biến chứng nặng làm bệnh tiến triển rất nhanh.
Các chuyên gia tiết niệu đều thống nhất rằng bệnh sỏi niệu, nhất là sỏi niệu hai bên, cần được mổ sớm. Điều quan trọng trong phẫu thuật sỏi niệu hai bên là phải bảo tồn được thận, ngay cả khi cơ quan này đã có những biến đổi lớn về tổ chức học. Đối với các trường hợp đã có biến chứng suy thận, việc điều trị kết hợp nội-ngoại khoa có ý nghĩa hết sức quan trọng. Bệnh nhân phải được điều trị tích cực bệnh lý suy thận để chuẩn bị cho phẫu thuật. Nếu cần thiết, phải chạy thận nhân tạo trước và cả sau khi mổ...
Để có kết quả điều trị tốt, khi phát hiện sỏi niệu, bệnh nhân cần kịp thời đến trung tâm y tế có thầy thuốc và trang thiết bị chuyên khoa tiết niệu. Hiện nay, phương pháp tán sỏi ngoài cơ thể đã giúp tránh được phẫu thuật trong nhiều trường hợp sỏi bé.
BS Trần Trí, Sức Khoẻ & Đời Sống