ĐIỀU TRỊ SỎI THẬN
(Tiếp theo và hết)
PGĐ. BS NGUYỄN VĂN HIỆP
BS NGUYỄN THÀNH NHƯ
Bệnh viện Bình Dân, TPHCM
SỎI NIỆU QUẢN
Sỏi niệu quản thường là sỏi từ thận di chuyển xuống niệu quản. Trong đa số
trường hợp sỏi tự thoát ra nếu sỏi nhỏ < 6 mm. Sỏi lớn hơn dễ bị tắc lại,
nhất là những nơi niệu quản hẹp tự nhiên (chỗ niệu quản bắt chéo với động
mạch chậu và đoạn niệu quản sát bàng quang hay nội thành bàng quang).
Điều trị nội khoa tương tự như đối với sỏi thận. Tán sỏi ngoài cơ
thể (TSNCT) cũng áp dụng được cho sỏi niệu quản. Sỏi niệu quản tại đoạn 1/3
trên thường được đẩy lên thận để tán hơn là tán trực tiếp. Do xương chậu che
sóng đến sỏi và do động mạch chậu nằm sát niệu quản, nên TSNCT không áp dụng
trực tiếp cho sỏi niệu quản ở đoạn 1/3 giữa, mà sỏi sẽ hoặc được đẩy lên
thận để tán, hoặc dùng nội soi niệu quản lôi sỏi. Sỏi nằm ở 1/3 dưới của
niệu quản có thể áp dụng TSNCT cho kết quả tốt, hay nội soi lôi sỏi nhờ
thông giỏ qua ngả bàng quang-niệu đạo.
Tại Bệnh viện Bình Dân chúng tôi đã tiến hành lôi sỏi mù (không nhìn thấy
trực tiếp sỏi khi thao tác) từ nhiều năm, và từ 6 năm nay, lôi sỏi tiến hành
qua quan sát trực tiếp nhờ có máy soi niệu quản. Từ 1 năm nay, camera đã
giúp cho kỹ thuật được tiến hành dễ dàng hơn nhiều nhờ hình ảnh được phóng
to trên màn ảnh. Camera cũng giúp cho việc đào tạo chuyên viên trở nên thuận
lợi hơn rất nhiều. Nhờ có những đầu dò rất nhỏ, luồn qua máy soi, đến tiếp
xúc trực tiếp với hòn sỏi để phá sỏi đã giúp gia tăng đáng kể tỉ lệ thành
công của điều trị sỏi niệu quản qua nội soi. Sỏi niệu quản to sẽ được phá
nát tại chỗ, rồi lôi các mảnh nhỏ ra hay để các mảnh sỏi tự trôi ra ngoài
sau khi đã đặt 1 thông niệu quản JJ tại chỗ.
Mổ lấy sỏi niệu quản áp dụng cho các trường hợp thất bại với các kỹ thuật,
trên hay do cần phải tạo hình niệu quản đồng thời với lấy sỏi.
SỎI BÀNG QUANG
Sỏi bàng quang có thể là sỏi từ niệu quản di chuyển xuống, hay trong đa số
trường hợp là sỏi tạo thành ngay tại bàng quang do sự bế tắc đường tiểu dưới
(như do bướu tiền liệt tuyến gặp ở đàn ông trên 60 tuổi) hay do dị vật (như
do ống thông bàng quang để lưu tại chỗ).
TSNCT có thể áp dụng để điều trị sỏi bàng quang, nhưng tốt nhất là tán sỏi
qua nội soi nhờ dụng cụ bóp sỏi mù (không nhìn thấy trực tiếp sỏi) hay dụng
cụ có thị kính giúp thấy rõ sỏi khi thao tác. Bóp và gắp sỏi bàng quang mù
đã được áp dụng tại Bệnh viện Bình Dân từ mấy chục năm nay, riêng bóp sỏi có
quan sát trực tiếp chỉ mới thực hiện từ 5 năm nay khi có dụng cụ, và chỉ áp
dụng cho sỏi nhỏ, mềm.
Nếu sỏi quá lớn, sỏi không thể bóp bể an toàn qua nội soi, hay có bế tắc
thật sự cổ bàng quang, niệu đạo, bệnh nhân sẽ được mổ lấy sỏi đồng thời với
điều trị nguyên nhân gây bế tắc.
SỎI NIỆU ĐẠO
Thường là sỏi từ thận, niệu quản hay bàng quang trôi xuống rồi bị tắc lại ở
niệu đạo tiền liệt tuyến hay miệng niệu đạo.
Nếu sỏi kẹt ở miệng niệu đạo thì sẽ gây tê, xẻ rộng lỗ niệu đạo lấy sỏi;
sau đó khâu lại chỗ xẻ. Nếu sỏi nằm ở niệu đạo tiền liệt tuyến thì được đẩy
vào bàng quang bằng cây nong sắt, rồi điều trị như với sỏi bàng quang.