Khắc phục dị tật lỗ đái lệch thấp
Đây là một dị tật bẩm sinh khá phổ biến; tỷ lệ mắc là từ 1/200 tới 1/1.000 nam giới. Tuy không gây chết người nhưng tật lỗ đái lệch thấp ảnh hưởng xấu tới tâm lý bệnh nhân, gia đình và tương lai của người bệnh.
Biểu hiện bệnh: Lỗ đái không đổ ra ở đỉnh quy đầu mà ở mặt dưới của dương vật, bìu và đáy chậu (ở vị trí từ gốc bìu tới lỗ hậu môn). Do vậy, bệnh nhân không tiểu tiện được một cách bình thường mà có khi phải đái ngồi như con gái, thậm chí tia nước tiểu còn vọt ra phía sau mông. Nếu lệch thấp về phía dưới, lỗ đái thường rộng; còn khi lệch về phía gần quy đầu thì lỗ đái thường hẹp và bệnh nhân đái khó, tia nhỏ.
Ở những bệnh nhân này, dương vật thường bị cong ở các mức độ khác nhau, có thể cong như hình chữ C. Trong trường hợp nặng, nó bị kéo gục vào giữa bìu, nhìn nghiêng thì không thấy dương vật và bìu tách đôi. Dị tật lỗ đái lệch thấp có thể kèm theo một số dị tật khác như tinh hoàn chưa xuống bìu, hoặc dị tật ở đường tiết niệu.
Những bất thường về bộ phận sinh dục ngoài và động tác tiểu tiện này thường bị bệnh nhân và gia đình giấu kín. Trẻ có lỗ đái lệch thấp thường không muốn cho ai xem bộ phận sinh dục ngoài. Khi đi học, trẻ thường phải nhịn đi tiểu, sợ bị bạn phát hiện. Theo lời khuyên của các bác sĩ, cách hành xử tốt nhất khi có dị tật nói trên là nhanh chóng đến bác sĩ để phẫu thuật.
Trong ca mổ, bác sĩ sẽ chuyển dương vật về đúng vị trí, làm cơ quan này thẳng khi cương cứng; đồng thời tạo thêm một ống nối từ lỗ đái bị thấp tới đỉnh quy đầu để dẫn nước tiểu và dẫn tinh sau này. Lứa tuổi thích hợp nhất cho việc phẫu thuật là 2-4. Việc mổ ở tuổi này sẽ giúp bộ phận sinh dục phát triển bình thường, tránh sự căng thẳng về tâm lý cho bệnh nhân và gia đình. Khi đi học, trẻ sẽ tự tin, hết mặc cảm vì bệnh và hòa nhập vui vẻ với bạn bè.
TS Trần Ngọc Bích, Sức Khoẻ & Đời Sống