Hãy biết trân trọng hai quả thận
Tuy chỉ bé bằng nắm tay, song hai quả thận giữ vai trò là cơ quan bài tiết quan trọng nhất của cơ thể. Chúng làm nhiệm vụ xử lý các chất thải như nitơ, urê và nước dư thừa ra khỏi máu.
Thực chất, thận là bộ phận rất bền, song lại dễ dàng bị vô hiệu hóa nếu cơ thể mắc các bệnh truyền nhiễm, bị sỏi thận, ung thư hoặc bệnh thận đa nang (một rối loạn gene khiến nhiều nang phát triển trong thận).
Những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến suy thận là chứng huyết áp cao và tiểu đường. Huyết áp cao làm dày các mạch máu trong bộ phận lọc của thận là tiểu cầu thận. Nếu không được điều trị, các tế bào thận sẽ chết. Còn trong bệnh tiểu đường, lượng đường máu độc hại sẽ trực tiếp gây tổn thương tiểu cầu thận.
Bệnh thận thường tấn công thầm lặng và "khi xuất hiện triệu chứng bệnh thì đã quá muộn", tiến sĩ Brian Pereira, chủ tịch Quỹ tài trợ Bệnh thận Mỹ, cho biết. Nhiều người bị thận mạn tính trong nhiều năm mà vẫn không cảm thấy bệnh, cho đến khi phát hiện ra các triệu chứng như đau bụng, mệt mỏi liên miên, vàng da, sưng phù tay chân thì đã bước vào những giai đoạn cuối.
Phát hiện bệnh càng sớm thì cơ hội khống chế bệnh càng cao, còn nếu một khi đã để thận suy thì sẽ khó cải thiện được tình hình. Vì vậy, "câu thần chú" ở đây là nếu trong gia đình có tiền sử bệnh tiểu đường, huyết áp cao và bệnh thận, hoặc bản thân bị bệnh tiểu đường và huyết áp cao thì hãy làm các xét nghiệm máu và nước tiểu, kiểm tra huyết áp và lượng creatin trong máu. Việc xuất hiện protein trong nước tiểu và creatin trong máu là dấu hiệu cho thấy thận đã bị tổn thương.
Khi bị suy thận, người bệnh phải lọc máu thông qua quá trình thẩm tách. Thẩm tách gồm 2 dạng: thẩm tách máu (phải tiến hành tại bệnh viện 3 lần/tuần) và thẩm tách màng bụng (thực hiện tại nhà vào buổi đêm).
Bệnh nhân thận có thể được lựa chọn: hoặc là ghép thận hoặc phải phụ thuộc quá trình thẩm tách suốt phần đời còn lại. Ghép thận là giải pháp tối ưu song lại không mấy an toàn do nguy cơ đào thải thận ghép cao.
Còn đối với việc thẩm tách, chế độ dinh dưỡng là yếu tố cực kỳ quan trọng, giúp kiểm soát sự tích tụ những độc tố có nguy cơ làm cho bệnh thêm trầm trọng. Đối với bệnh nhân thận, hai chất cần được theo dõi đặc biệt là kali và photpho. Kali tăng cao sẽ gây nguy hiểm cho tim, và sự dư thừa phospho sẽ dẫn đến các bệnh về xương khớp và làm dày thành mạch máu.
Để kiểm soát tốt kali, người bệnh cần tránh những thực phẩm như chuối, khoai tây, cà chua..., và tăng cường các loại rau quả có hàm lượng kali thấp như táo, nho, dưa hấu và mận... Photpho có thể được kiểm soát bằng thuốc. Ngoài ra, đối bệnh nhân chạy thận, nhu cầu protein động vật phải tăng 20% so với người bình thường.
Mỹ Linh (theo HealthDayNews)