Trị sỏi ở bàng quang
Có một nguyên tắc rất quan trọng trong điều trị sỏi bàng quang: bao giờ cũng phải phối hợp với việc xử lý vật cản gây ứ đọng và nhiễm khuẩn nước tiểu - nguyên nhân làm phát sinh sỏi. Nếu chỉ lấy sỏi thì bệnh sẽ tái phát.
Sỏi phát sinh từ trong lòng bàng quang do ứ đọng và nhiễm khuẩn nước tiểu. Cấu trúc của sỏi là các lớp bọc quanh một nhân tơ huyết-bạch cầu hoặc một dị vật lọt vào bàng quang. Cũng có trường hợp một viên sỏi nhỏ từ thận di chuyển xuống bàng quang, lưu lại và lớn dần lên. Vật cản gây ứ đọng nước tiểu có thể là một u xơ tiền liệt tuyến ở người già hoặc cổ bàng quang xơ cứng do viêm lâu ngày ở người còn trẻ; hãn hữu có thể do hẹp niệu đạo, hậu quả của một chấn thương xảy ra từ trước.
Về tính chất hóa học, có nhiều loại sỏi như canxi, oxalic, xystin nhưng thường là sỏi hỗn hợp, vỏ bọc ngoài là một lớp canxi.
Sỏi bàng quang có thể nằm im và bất ngờ được phát hiện nhân một lần chụp X-quang do bệnh nhận thấy đi tiểu vướng. Sỏi có thể gây nhiều bệnh cảnh như đau tức ở vùng bàng quang do viêm bàng quang; luôn buồn đi tiểu, sau mỗi lần tiểu đau lại tăng lên; nếu nằm nghỉ thì không sao nhưng thay đổi tư thế lại thấy đau vùng bàng quang, có khi đau dữ dội lan xuống tầng sinh môn, dương vật. Nếu bị nhiễm khuẩn, nước tiểu sẽ đục và có mủ. Ở nam giới, khi đứng để đi tiểu, bỗng nhiên tia tiểu đột ngột ngưng lại, bị ngắt quãng.
Để chẩn đoán sỏi bàng quang, có thể chụp X-quang bàng quang (nhìn rõ sau khi đi tiểu), siêu âm (thấy được hình dạng, kích thước của sỏi), soi niệu đạo bàng quang (vừa xác định sỏi vừa thấy được tổn thương ở cổ bàng quang có bị xơ cứng hay không). Có thể chụp thận có dùng thuốc cản quang để đánh giá chức năng thận và thấy được toàn thể hình ảnh đường dẫn nước tiểu.
Trong điều trị bệnh này, phải kết hợp lấy sỏi và xử lý vật cản.
Với những viên sỏi đường kính dưới 1 cm, có thể dùng tán sỏi không cần mổ. Đối với sỏi lớn, phải mổ mở bàng quang lấy ra. Để giải quyết vật cản, cần mổ bóc u xơ tiền liệt tuyến kết hợp lấy sỏi; hoặc tán sỏi kết hợp cắt nội soi vành xơ cứng quanh cổ bàng quang. Nếu có hẹp niệu đạo do chấn thương cũ, phải mở bàng quang lấy sỏi và làm phẫu thuật tạo hình niệu đạo.
BS Trần Trí, Sức Khỏe & Đời Sống