Thư giãn bằng cách bấm huyệt

Tác giả : BS. QUÁCH TUẤN VINH

Trong thời đại khoa học kỹ thuật, lối sống công nghiệp nhiều khi đã trở thành một áp lực nặng ảnh hưởng đến tâm lý con người. Doanh nhân, các nhà quản lý, người lao động trí óc là những đối tượng thường phải chịu hậu quả của stress với các triệu chứng căng thẳng thần kinh, mệt mỏi, mất ngủ, đau đầu, hoa mắt chóng mặt, giảm thị lực, đau vai.

Có nhiều cách thư giãn khác nhau nhằm mục đích phục hồi sự cân bằng của hệ thống thần kinh, điều hòa các chức năng sống của cơ thể, hạn chế những tác hại của môi trường xã hội, môi trường sống và nhiều thói quen có hại trong lao động, sinh hoạt. Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi giới thiệu cách thư giãn bằng bấm huyệt - một phương pháp đơn giản mà bất cứ ai cũng có thể thực hiện cho chính bản thân mình.

Phương huyệt chủ yếu thường được chọn là các huyệt Bách hội, Ấn đường, Phong trì, Nội quan, Khúc trì, Túc tam lý, nhằm mục đích tái lập sự cân bằng hệ thống thần kinh và các chức năng khác của cơ thể... Có thể phối hợp phương pháp này với các phương pháp thư giãn khác để nâng cao hiệu quả.

Vị trí và tác dụng của các huyệt:

Bách hội là huyệt thuộc mạch đốc, có vị trí ngay chính giữa đỉnh đầu, là giao điểm của đường chính trung và đường thẳng nối 2 đỉnh vành tai. Còn có nhiều tên gọi khác như Tam dương ngũ hội, Nê hoàn cung, Ðiên thượng, Thiên mãn... Là huyệt hội của Ðốc mạch với 6 dương kinh. Huyệt Bách hội có tác dụng khai khiếu tỉnh thần, bình can tức phong, thông dương cố thoát, cử được dương khí bi hạ hãm, tiềm được can dương, thanh được thần chí, tiết được nhiệt ở các dương kinh...

Ấn đường là kỳ huyệt, có vị trí nằm chính chỗ lõm giữa 2 đầu lông mày hoặc là giao điểm của đường chính trung với đường nối 2 đầu lông mày. Có tác dụng định thần chí, đuổi phong nhiệt. Theo kinh nghiệm của tiền nhân, có thể phối hợp với Nội quan để chữa mất ngủ, đau đầu hoặc phối hợp Khúc trì để chữa bệnh huyết áp cao.

Nội quan là huyệt thuộc kinh Thủ quyết âm tâm bào lạc, giao hội với Thủ quyết âm và Âm duy mạch. Có vị trí nằm giữa 2 gân cơ gan tay lớn và gan tay bé ở cổ tay, cách lằn chỉ cổ tay về phía trên 2 thốn. Có tác dụng định tâm, an thần, hòa vị, thư trung, lý khí, trấn thống. Nghiên cứu của Soulié de Morant - một châm cứu gia người Pháp cho thấy nếu bổ huyệt Nội quan có tác dụng chữa bệnh suy nhược thần kinh, mệt nhọc, mất ngủ, sợ sệt, buồn phiền...

Khúc trì là huyệt thuộc kinh Thủ dương minh Ðại tràng, là huyệt hợp, thuộc Thổ, còn có tên gọi khác như Dương trạch, Qui cư. Có vị trí ở chỗ lõm, đầu lằn chỉ khuỷu tay khi co lại. Khúc trì có tác dụng sơ tà nhiệt, lợi quan tiết, thanh nhiệt, hòa vinh dưỡng huyết, khu phong, giải biểu. Thường được áp dụng để chữa các bệnh đau khuỷu tay, vai gãy, liệt chi trên, hội chứng cổ vai - cánh tay gây đau mỏi ở cổ vai, cánh tay...

Theo trường phái châm cứu Trạch Ðiền, Khúc trì là yếu huyệt có tác dụng làm cho sáng mắt (tăng thị lực), chữa các bệnh ngoài da như dị ứng, ban chẩn, mề đay...

Phong trì là huyệt thuộc kinh Túc thiếu dương Ðởm, hội với Dương duy mạch. Có vị trí nằm ở chỗ hõm nhất sau gáy. Có tác dụng khu phong, giải biểu, sơ tà, thanh nhiệt, thông nhĩ (làm tỏ tai - tăng thính lực), minh mục (làm sáng mắt - tăng thị lực). Thường được áp dụng chữa các bệnh cảm mạo, hoa mắt, chóng mặt, các bệnh về mắt, bệnh về tai... Kinh nghiệm của tiền nhân phối hợp với huyệt Khúc trì để chữa đau đầu, huyết áp cao, bệnh về thần kinh...

Túc tam lý là huyệt thuộc kinh Túc dương minh vi, còn có các tên như Quỷ tà, Hạ lăng, Hạ tam lý..., là huyệt hợp thuộc Thổ, là huyệt đa khí đa huyết. Có vị trí nằm ở dưới đầu gối, cách hõm dưới - ngoài xương bánh chè ngang 1 bàn tay, cách bồ xương chày (xương ống chân) ngang 1 khoát ngón tay. Túc tam lý có tác dụng lý tỳ vị, điều trung khí, hòa trường, tiêu trệ, sơ phong, hóa thấp, thông điều kinh lạc và hành khí hoạt huyết, phù chính, khu tà, bồi nguyên, bổ hư, dự phòng bệnh tật. Ðược áp dụng chữa các bệnh suy nhược, thiếu máu, thần kinh suy nhược. Ngoài ra còn chữa các bệnh về đường tiêu hóa... Người xưa cho rằng tác dụng của Túc tam lý ví như độc sâm thang vậy.

Thủ pháp bấm huyệt:

Trong thực hành bấm huyệt, thường dùng đầu ngón tay cái bấm thẳng góc vào huyệt để tạo được lực tác động mạnh vào huyệt vị. Các huyệt Khúc trì, Phong trì, Nội quan, Túc tam lý đều có ở cả 2 bên thân mình, khi bấm thì nên bấm cả hai bên.

Thời gian bấm mỗi huyệt khoảng 1-3 phút. Mỗi ngày nên day bấm 1-2 lần. Nên làm sau khi lao động trí óc căng thẳng, mệt mỏi... để phục hồi sức khỏe, trí tuệ, năng lực sáng tạo...

Các biện pháp thư giãn phối hợp nhằm nâng cao hiệu quả bấm huyệt là một vấn đề cần chú ý thực hiện. Khi day bấm huyệt, nếu có điều kiện nên làm ở nơi yên tĩnh, cần tập trung tư tưởng, tập thở, nới lỏng cơ bắp toàn thân... Ngoài ra, cần chú ý bố trí hợp lý thời gian làm việc, xen kẽ giữa nghỉ ngơi và làm việc để tránh gây sự căng thẳng thần kinh. Lưu ý các bạn rằng, đi bộ và tập thể thao cũng là những biện pháp thư giãn tích cực.

 

XOA BÓP TRỊ LIỆU
Bâm huyệt chữa đau họng, viêm phế quản
Bấm huyệt chữa bệnh viêm túi mật
Bấm huyệt chữa viêm xoang mũi, hốc mũi, tắc mũi
Bấm huyệt Túc tam lý - liều 'doping' cho sức khỏe
Cách chữa bong gân
Cách day bấm huyệt phòng và chữa bệnh suy giảm thị lực tác giả
Giá trị dinh dưỡng của huyệt tam âm giao
Lằc bàn chân gây ngủ
Massage vành tai - một phương pháp bảo vệ sức khỏe
Phòng ngừa đau lưng
Phương pháp dưỡng sinh mùa xuân
Thư giãn bằng cách bấm huyệt
Tập luyện trị đau lưng cấp
Tự xoa bóp chống táo bón
Tự xoa bóp chữa đau mình sau khi sinh
Tự xoa bóp phòng chống phì ðại tiền liệt tuyến lành tính
Tự xoa bóp phòng chống táo bón
Tự xoa bóp phòng chống viêm họng mạn tính
Tự xoa bóp để điều trị liệt dương
Tự xóa bóp điều trị viêm mũi mạn tính 
Tự ấn huyệt chữa cơn suyễn
Xoa bóp chữa đau khớp gối và mắc cá chân
Xoa bóp phòng cảm lạnh
Xoa bóp phòng và chữa cận thị
Xoa bóp, bấm huyệt chữa bí đại tiện của trẻ nhỏ
Xoa bóp, ân huyệt chữa thiếu sữa
Xông và tắm thuốc chữa đau mỏi xương khớp
Đi bộ - phương thuốc phòng bệnh tuyệt vời

 

THƯ MỤC Y HỌC CỔ TRUYỀN
Bài thuốc Đông Y
Bình luận Đông Y
Dược thiện
Thảo Dược
Trang Võ Hà
Trà dược
Tài dược
Tự chữa bệnh
Xoa bóp trị liệu
Điều trị Đông Y