MỘT SỐ VẤN ĐỀ CẦN BIẾT VỀ BỆNH ĐÁI THÁO ĐƯỜNG
BS. ThS. Diệp Thanh Bình
1. Bệnh đái tháo đường là gì?
- Bệnh nội tiết do rối loạn chuyển hóa chất bột đường (gluxit) làm tăng đường máu mãn tính và trong nước tiểu có đường. Kèm theo:
· Rối loạn chuyển hóa chất mỡ (lipit)
· Rối loạn chuyển hóa chất đạm (protit).
2. Tình hình bệnh tiểu đường trong nước và trên thế giới
Tỷ lệ mắc bệnh giữa các châu lục:
· Pháp: 1,4%
· Châu Âu: 3%
· Mỹ: 6,6%
· Singapore: 8,6%
· Philippin: 4,27%
· Thái Lan: 3,58%
· Malaysia: 3,01%
Ở Việt Nam theo số liệu thống kê:
· Hà Nội: 1991 1,1%
· TP. Hồ Chí Minh: 1992 2,52%
· Huế: 1993 0,96%
3. Tại sao lại bị bệnh đái tháo đường?
- Do thiếu một chất hócmôn: Insulin do tuyến tụy tiết ra.
- Bệnh không lây, thường do di truyền và rối loạn miễn dịch.
4. Bệnh đái tháo đường có hai loại thường gặp:
- Đái tháo đường loại 1: gặp ở người dưới 40 tuổi, chiếm tỷ lệ 10 – 15%, thường sụt cân nhanh.
- Đái tháo đường loại 2: gặp ở người trên 40 tuổi, chiếm tỷ lệ 85 – 90%, thường mập hoặc sụt cân từ từ.
Loại này khó phát hiện nên phát hiện thường trễ, một nửa số bệnh nhân có loại này không được chẩn đoán nên thường có nhiều biến chứng mãn và cấp.
5. Những người nào dễ bị mắc bệnh đái tháo đường?
- Béo phì.
- Trong gia đình bị đái tháo đường.
- Thuộc nhóm dân số có nguy cơ cao.
- Cao huyết áp.
- Rối loạn chuyển hóa mỡ.
- Đái tháo đường thai kỳ hoặc nữ sinh con trên 4,5 kg.
- Có rối loạn đường huyết khi đói và rối loạn dung nạp đường huyết trong những lần xét nghiệm trước.
6. Làm sao để phát hiện bệnh đái tháo đường?
Khi một người có các triệu chứng như sau:
- Tiểu nhiều trên 3 lít/ngày
- Khát nước nhiều, uống nước trên 3 lít/ngày
- Ăn nhiều: 3 – 4 tô cơm mỗi bữa mà vẫn đói
- Sụt cân nhiều
- Ngoài ra: mệt mỏi, mờ mắt, ngứa toàn thân
* Nên đi khám bệnh ngay!
7. Bệnh đái tháo đường có những biến chứng gì?
- Cao huyết áp.
- Tai biến mạch máu não.
- Thiếu máu cơ tim, nhồi máu cơ tim.
- Cườm mắt, mù mắt.
- Loét bàn chân ® cắt cụt chân.
- Suy thận mãn.
- Xơ gan.
- Lao phổi khó chữa khỏi.
- Nhiễm trùng tiểu dai dẳng.
- Nhiễm trùng đường sinh dục.
- Bất lực ở nam giới.
- Nhiễm trùng da do vi trùng và nấm.
- Nặng nhất là hôn mê ® tử vong.
8. Nên làm gì khi phát hiện bệnh đái tháo đường?
Khi được phát hiện bệnh thì bệnh nhân phải tuân theo chỉ dẫn điều trị của bác sĩ chuyên khoa. Bao gồm:
- Ăn theo chế độ ăn của bệnh nhân đái tháo đường.
- Tập thể dục thường xuyên, phù hợp với tình trạng sức khỏe.
- Dùng thuốc theo toa của bác sĩ chuyên khoa.
Vì bệnh cần điều trị suốt đời, bệnh nhân nên:
- Khám bệnh định kỳ.
- Không tự ý ngưng thuốc.
9. Một số điều cần lưu ý đối với bệnh nhân đái tháo đường
a. Ăn uống hợp lý, không nên ăn uống quá nhiều trong một bữa hoặc đừng quên bữa ăn.
b. Nên chọn loại hình luyện tập phù hợp với sức khỏe và tuổi của bệnh nhân.
c. Uống hoặc chích thuốc tiểu đường phải theo đúng toa của bác sĩ điều trị. Không được tự ý tăng liều hoặc giảm liều hoặc bỏ thuốc. Phải đi khám bệnh theo định kỳ.
d. Khi có các triệu chứng hạ đường huyết như đói lả, đổ mồ hôi, run tay phải ăn kẹo ngay hoặc uống nước đường ngay rồi kiểm tra đường máu (nếu có máy thử) hoặc báo cho bác sĩ điều trị biết để chỉnh liều thuốc.
e. Hàng ngày phải chăm sóc bàn chân, không nên đi chân đất. Phải dùng giày dép mềm, vừa với chân và thoáng.
Kết luận: bệnh đái tháo đường là một bệnh mãn tính, có nhiều biến chứng nguy hiểm có thể gây tàn phế và tử vong nên cần được phát hiện sớm và điều trị đúng.
Khuyến cáo:
- Những người trên 45 tuổi nên thử đường máu mỗi ba năm một lần nếu đường máu bình thường ở lần thử trước đó.
- Những người ở trong nhóm dễ mắc bệnh nên thử đường máu mỗi sáu tháng hoặc một năm.
10. Chế độ tập luyện thể lực của bệnh nhân đái tháo đường
Luyện tập thể lực là một trong những khâu quan trọng không thể thiếu được trong quá trình điều trị bệnh đái tháo đường (ĐTĐ). Đặc biệt đối với bệnh nhân ĐTĐ típ 2. Tuy nhiên, ở một số bệnh nhân việc luyện tập thể lực vẫn chưa được quan tâm đúng mức, thậm chí có khi quên.
Lợi ích của luyện tập thể lực, không phải đến ngày nay người ta mới nhận thấy. Ngay từ thời xa xưa, Hippocrate nhà danh y lỗi lạc của thời cổ đại (460 – 377 trước công nguyên) đã nêu một chân lý cơ bản: “Chúng ta cần nhớ rằng vận động rèn luyện tăng sức lực, không vận động thì sức khỏe sẽ xuống cấp”.
Việc luyện tập thể lực sẽ đem lại một trong những lợi ích như sau:
- Có thể cải thiện tốt đường huyết.
- Có thể cải thiện tốt các rối loạn chuyển hóa mỡ.
- Làm giảm cân dư thừa đối với bệnh nhân ĐTĐ típ 2.
- Có thể cải thiện tốt chức năng hoạt động của tim và huyết áp.
- Tăng khả năng hoạt động chân tay, nhanh nhẹn hơn.
- Phòng ngừa bệnh loãng xương.
- Giảm bớt được liều thuốc điều trị bệnh ĐTĐ.
- Bệnh nhân cảm thấy lạc quan và yêu đời hơn.
Bên cạnh những lợi ích trên, việc luyện tập thể lực ở bệnh nhân ĐTĐ cũng có những nguy cơ có hại nếu luyện tập không đúng như:
- Hạ đường huyết.
- Nhiễm ceton acide do tăng đường huyết.
- Làm nặng thêm bệnh thiếu máu cơ tim và tụt huyết áp khi đứng.
- Làm nặng thêm bệnh lý võng mạc gây xuất huyết.
- Loét chân.
Như vậy để phát huy những lợi ích và phòng ngừa những nguy cơ có hại của việc luyện tập thể lực của bệnh nhân ĐTĐ. Bệnh nhân nên đến các trung tâm chuyên khoa Nội tiết để được khám bệnh đánh giá tình trạng sức khỏe, bởi vì bệnh ĐTĐ là một bệnh lý nhiều biến chứng mãn tính như:
- Tăng huyết áp.
- Thiếu máu cơ tim.
- Bệnh tăng sinh võng mạc.
- Loét chân.
Việc kiểm tra đường huyết định kỳ cần phải thực hiện thường xuyên để góp phần an toàn cho quá trình luyện tập.
Ngoài ra khi chọn bất cứ một loại hình luyện tập nào, bệnh nhân nên chú ý loại hình luyện tập đó có phù hợp với tuổi tác, sở thích và khả năng của mình không.