Bệnh tiểu đường

Tiểu đường là xuất hiện đường trong nước tiểu ( bình thường không có), làm cho nước tiểu có vị ngọt. Tiểu đường là một bệnh lý mãn tính ảnh hưởng đến cuộc sống người bệnh. Về lâu dài, bệnh tiểu đường có thể gây tổn thương mạch máu, thần kinh, suy thận.

Tiểu đường là gì ?

Tiểu đường là xuất hiện đường trong nước tiểu ( bình thường không có), làm cho nước tiểu có vị ngọt. Ðây là bệnh lý nội khoa mãn tính, có mức đường tăng bất thường trong máu. Ðường trong máu tăng làm xuất hiện đường trong nước tiểu.

Bình thường, đường trong máu được kiểm soát bằng insulin, là một nội tiết tố của tuyến tuỵ. Insulin có tác dụng làm giảm đường trong máu. Khi đường máu tăng ( chẳng hạn sau khi ăn), insulin sẽ đưa mức đường huyết trở về bình thường. Ở người bị tiểu đường do sự sản xuất insulin không đủ, đó là nguyên nhân làm tăng đường huyết.

Tiểu đường là một bệnh lý mãn tính ảnh hưởng đến cuộc sống người bệnh. Về lâu dài, bệnh tiểu đường có thể gây tổn thương mạch máu, thần kinh, suy thận. Bệnh tiểu đường cũng là một yếu tố nguy cơ quan trọng làm tăng tình trạng xơ vữa động mạch, đột quị, bệnh mạch vành tim và gây ra các bệnh lý mạch máu khác trong cơ thể.

Bệnh tiểu đường chiếm tỷ lệ khá cao và tỷ lệ thuận với tình trạng dinh dưỡng. Có rất nhiều người bị bệnh tiểu đường mà không hề hay biết. Chi phí trực tiếp và gián tiếp cho điều trị bệnh tiểu đường cũng khá cao, vì bệnh tiểu đường phải điều trị suốt đời. Tử vong do bệnh tiểu đường đứng hàng thứ ba sau bệnh tim và ung thư.

Nguyên nhân nào gây ra bệnh tiểu đường?

Bệnh tiểu đường loại 1 là do thiếu insulin. Do tuỵ sản xuất không đủ insulin ( thiếu insulin tương đối hay tuyệt đối so với nhu cầu của cơ thể ) hoặc do tế bào không sử dụng được insulin, làm tăng đường huyết và tiểu đường.

Thường bị ảnh hưởng nhất là tế bào cơ và mô mỡ, kết quả của quá trình này được gọi là " kháng insulin". Kháng insulin là vấn đề chính trong bệnh tiểu đường loại 2. Glucose là loại đường đơn có trong thức ăn. Glucose là chất dinh dưỡng chính cung cấp năng lượng cho các tế bào trong cơ thể hoạt động. Sau khi ăn, thức ăn được tiêu hoá ở dạ dày và ruột.

Sau khi ăn vào, glucose trong thức ăn sẽ được hấp thu ở ruột bởi những tế bào của ruột, sau đó nó được vận chuyển trong máu đi đến các tế bào của cơ thể. Tuy nhiên glucose không thể vào trong tế bào một mình được, mà nó phải nhờ đến insulin để đưa vào trong tế bào. Nếu không có insulin, tế bào không sử dụng được năng lượng từ glucose, và như vậy làm cho nồng độ glucose trong máu tăng. Làm cho glucose bị thải nhiều qua nước tiểu.

Insulin là một nội tiết tố được tế bào đặc biệt của tuyến tuỵ bài tiết ra. Nó có tác dụng giúp đưa glucose vào trong tế bào, cũng như insulin giữ vai trò quan trọng trong việc điều hòa glucose máu. Tuỵ là một cơ quan nằm sâu trong bụng, phía sau bao tử .

Sau khi ăn, glucose trong máu tăng lên. Ðể đáp ứng với sự tăng này, tuỵ sẽ bài tiết ra insulin giúp đưa glucose vào trong tế bào và như thế sẽ làm mức đường trong máu trở về bình thường. Khi glucose trong máu thấp, tuỵ sẽ ngưng bài tiết insulin.

Ở người bình thường, với hệ thống điều hoà như vậy giúp kiểm soát được mức đường trong máu. Còn ở bệnh nhân bị tiểu đường, chất insulin bị thiếu hụt ( tiểu đường loại 1) hoặc bài tiết không đủ cho nhu cầu của cơ thể ( tiểu đường loại 2 ). Cả hai nguyên nhân này đều làm tăng lượng đường trong máu.

Sự khác biệt của bệnh tiểu đường lọai 1 và loại 2 là gì?

Có hai loại bệnh tiểu đường chính, gọi là tiểu đường loại 1 và tiểu đường loại 2. Tiểu đường loại 1 còn gọi là tiểu đường phụ thuộc insulin hay tiểu đường ở người trẻ. Trong bệnh tiểu đường loại 1, là do cơ chế tự miễn, tức tuyến tuỵ bị tấn công và phá hủy bởi chính cơ thể, làm cho tuyến tuỵ không còn khả năng sản xuất insulin nữa.

Kháng thể bất thường này được thành lập ngay trong cơ thể người bệnh tiểu đường loại 1. Kháng thể này bản chất là protein trong máu, một phần trong hệ thống miễn dịch của cơ thể. Bệnh nhân bị tiểu đường loại 1 muốn sống được cần phải chích insulin mỗi ngày.

Trong bệnh lý miễn dịch, cũng như ở bệnh nhân bị tiểu đường loại 1, hệ thống miễn dịch sản xuất ra kháng thể trực tiếp chống lại chính mô của người bệnh. Bệnh tự miễn này thường gây bệnh tiểu đường loại 1, mặt khác bệnh này không phải do di truyền.

Gen gây bệnh tiểu đường loại 1 có nhiễm sắc thể số 11 giống nhau ( nhiễm sắc thể là nơi lưu trữ mọi thông tin di truyền bằng các nucleotic trong tế bào). Tiếp xúc, nhiễm một số virus như quai bị, Coxakies virus hay các độc chất trong môi trường có thể khởi phát đáp ứng kháng thể một cách bất thường, là nguyên nhân làm hư tổn tế bào tuỵ tiết insulin.

Tiểu đường loại 1 có xu hướng xảy ra ở người trẻ, thường dưới 30 tuổi. Tuy nhiên ở bệnh nhân trẻ còn có dạng tiểu đường do cơ hội. Tiểu đường loại 1 chiếm khoảng 10%, còn tiểu đường loại 2 chiếm 90%.

Tiểu đường loại 2 còn gọi là tiểu đường không phụ thuộc insulin hay tiểu đường ở người trưởng thành. Trong tiểu đường loại 2, tuỵ người bệnh vẫn còn khả năng sản xuất insulin, nhưng không đủ. Trong một số trường hợp,sau khi ăn tuỵ sản xuất một lượng insulin nhiều hơn bình thường. Ða số bệnh nhân tiểu đường loại 2, tế bào cơ thể vẫn còn nhạy cảm với insulin ( đặc biệt là tế bào mỡ và tế bào cơ), lượng lớn insulin được sản xuất được tế bào nhận diện.

Tóm lại vấn đề tăng kháng insulin, sự phóng thích insulin từ tuỵ cũng có thể bị thiếu, gây ra tình trạng tăng glucose máu. Hầu hết tiểu đường loại 2 xảy ra ở người trên 30 tuổi, và tỷ lệ tiểu đường tăng theo tuổi. Yếu tố di truyền cũng đóng vai trò quan trọng trong bệnh tiểu đường loại 2. Một số yếu tố khác như mập phì cũng là nguy cơ bị tiểu đường. Có mối liên quan trực tiếp giữa béo phì và tiểu đường loại 2.

Tiểu đường có thể xảy ra thoáng qua trong quá trình thai kỳ. Sự thay đổi đáng kể về hormone trong quá trình mang thai thường làm tăng mức đường trong máu ở một số người. Trong trường hợp này người ta gọi là tiểu đường do thai kỳ. Tiểu đường do thai kỳ sẽ khỏi sau khi sanh. Tuy nhiên, có khoảng 40-50% phụ nữ tiểu đường do thai kỳ sẽ bị tiểu đường thật sự sau này.

Ðặc biệt những người cần insulin trong suốt thai kỳ và những người này quá trọng. Ở bệnh nhân tiểu đường do thai kỳ cần phải làm test dung nạp glucose 6 tuần sau khi sanh nhằm xem sau này họ có thể bị tiểu đường hay không.

Tiểu đường "thứ phát" là sự tăng đường trong máu xảy ra sau khi dùng một số thuốc. Tiểu đường thứ phát chỉ xảy ra khi mô tuỵ không sản xuất được insulin do mô tuỵ bị phá huỷ do bệnh lý như viêm tuỵ mãn ( viêm tuỵ do tác dụng độc của rượu khi uống nhiều rượu ), do chấn thương, do phẫu thuật cắt bỏ tuỵ.

Tiểu đường cũng có thể do rối loạn các chất nội tiết tố khác như việc bài tiết quá nhiều hormon tăng trưởng ( bệnh to đầu chi) và hội chứng Cushing. Trong bệnh to đầu chi là do u tuyến yên nằm ở đáy não sản xuất quá nhiều hormon tăng trưởng, đưa đến tăng đường huyết. Trong hội chứng Cushing, tuyến thượng thận sản xuất ra quá nhiều cortisol, làm khởi phát sự tăng đường huyết. Nói tóm lại, một số loại thuốc có thể giúp kiểm soát đường huyết hay không che đậy bệnh tiểu đường tìm ẩn. Tiểu đường do thuốc thường gặp nhất khi dùng thuốc corticoid ( như prednisone ).

Triệu chứng của bệnh tiểu đường là gì?

Triệu chứng sớm của bệnh tiểu đường khi không được điều trị liên quan đến sự tăng đường trong máu, xuất hiện đường trong nước tiểu. Ðường có nhiều trong nước tiểu sẽ làm lượng nước mất nhiều hơn, làm cho người bệnh khát nước và uống nhiều nước.

Mất khả năng sử dụng glucose là nguồn cung cấp năng lượng chính, làm cho người bệnh sụt cân, mặc dù ăn ngon miệng và ăn nhiều. Nếu không được điều trị, người bệnh sẽ mệt mỏi, buồn nôn, ói mửa. Người bệnh tiểu đường rất dễ bị nhiễm trùng da, bàng quang, vùng âm đạo. Sự dao động đường máu có thể gây ra nhìn mờ. Khi lượng đường trong máu tăng quá cao người bệnh có thể bị hôn mê dần (hôn mê do tiểu đường ).

Bệnh tiểu đường được chẩn đoán như thế nào ?

Ðo đường huyết lúc đói thường dùng để chẩn đoán bệnh tiểu đường. Xét nghiệm này dễ dàng thực hiện. Người bệnh phải nhịn đói tối hôm trước để sáng hôm sau xét nghiệm ( nhịn đói tối thiểu là 8 giờ ), người ta lấy một mẩu máu nhỏ gửi đến phòng xét nghiệm để phân tích.

Bình thường đường huyết lúc đói dưới 110 mg/ dl (tức 110mg%). Khi đường huyết lúc đói trên 126mg%, ít nhất 2 lần xét nghiệm vào những thời điểm khác nhau trong ngày, được chẩn đoán là tiểu đường.

Thử đường huyết vào thời điểm bất kỳ cũng có thể dùng để chẩn đoán bệnh tiểu đường (chấp nhận ăn uống trước khi thử), khi người bệnh có triệu chứng. Mức đường huyết trên 200mg/dl có thể coi là bị tiểu đường, tuy nhiên cần làm thêm đường huyết lúc đói, hoặc thử nghiệm dung nạp đường vào một ngày khác.

Thử nghiệm dung nạp đường bằng đường uống là gì ?

Với thử nghiệm dung nạp đường bằng đường uống, người bệnh phải nhịn đói (tối thiểu là 8 giờ nhưng không quá 16 giờ ). Ðầu tiên là đo đường trong máu lúc đói. Sau đó người bệnh được cho uống 75 mg đường glucose (phụ nữ có thai cho uống 100mg). Thông thường, người bệnh được cho uống nước đường đã pha. Lấy 4 mẫu máu ở những thời điểm khác nhau để xét nghiệm.

Ðể có kết quả chính xác, người làm xét nghiệm phải khoẻ mạnh ( không bị bất kỳ bệnh nào, thậm chí không mắc bệnh cảm), cũng như người làm xét nghiệm cần phải hoạt động không nằm liệt giường, không phải nằm viện và họ không thể đến bác sĩ để đo đường máu.

Ba ngày trước khi làm thử nghiệm, người bệnh được cho chế độ ăn giàu carbohydrate (150-200gam mỗi ngày). Ðường huyết được thử vào buổi sáng, người bệnh không được hút thuốc, uống café.

Theo thử nghiệm dung nạp glucose cổ điển, đo glucose trong máu 5 lần cách nhau 3 giờ. Một số bác sĩ đơn giản hoá vấn đề bằng cách lấy mẫu máu đem làm xét nghiệm 2 giờ sau khi uống nước đường.

Ở người không bị tiểu đường, mức glucose sẽ giảm xuống nhanh. Ở một số người bị tiểu đường mức glucose tăng cao hơn bình thường

Ở người có mức đường huyết cao hơn bình thường nhưng dưới mức tiểu đường nên làm nghiệm pháp dung nạp glucose. Ở người có bất thường dung nạp glucose nhưng không bị tiểu đường. Trong vài năm sau, chỉ khoảng 1-5% số người có test dung nạp glucose bất thường bị tiểu đường.

Tập thể dục, giảm cân có thể giúp người có thử nghiệm dung nạp glucose bất thường có mức đường huyết trở về bình thường. Các nghiên cứu mới đây cho thấy rằng người có thử nghiệm dung nạp glucose bất thường có thể là một yếu tố nguy cơ trong bệnh tim mạch.

Kết quả thử nghiệm dung nạp glucose nói lên điều gì?

Test dung nạp glucose có thể giúp chẩn đoán: Ðáp ứng bình thường, khi đường huyết đo 2 giờ sau uống nước đường thấp hơn 140mg%, trong 0-2 giờ mức đường huyết thấp hơn 200mg%

Bất dung nạp glucose khi đường huyết lúc đói trên 126 mg% và glucose máu 2 giờ sau uống trong khoảng 140-199mg%.

Gọi là tiểu đường khi : khi xét nghiệm 2 lần ở những thời điểm khác nhau mức glucose cao

Tiểu đường ở nữ có thai khi đo 2 lần đường huyết lúc đói trên 105 mg%, hoặc 1 giờ sau uống nước đường, xét nghiệm trên 190 mg%, 2 giờ đo trên 165mg%, 3 giờ đo trên 145 mg%.

Biến chứng cấp tính của bệnh tiểu đường là gì?

Ðường trong máu tăng quá cao do không sử dụng được insulin hoặc do thiếu insulin.

Hạ đường huyết bất thường có thể do dùng insulin hoặc do thuốc uống.

Bệnh lý mạch máu liên quan đến mắt, thận, thần kinh, tim. Tất cả là do biến chứng lâu dài của bệnh tiểu đường.

Insulin là một chất có tính chất sống còn cho bệnh nhân tiểu đường loại 1. Ở bệnh nhân tiểu đường loại 1, nếu thiếu insulin thì đường trong máu sẽ tăng rất cao. Khi đường máu tăng cao sẽ có đường xuất hiện trong nước tiểu ( nên gọi là tiểu đường), kéo theo mất nhiều nước và chất điện giải.

Khi thiếu insulin, sẽ làm ly giải tế bào mỡ, làm tăng cetone trong máu. Cetone làm toan chuyển hóa máu, còn gọi là nhiễm cetone acid. Triệu chứng của nhiễm cetone acid bao gồm: buồn nôn, ói mửa, và đau bụng.

Nếu không điều trị kịp thời, người bệnh nhanh chóng rơi vào choáng, hôn mê và chết. Nhiễm cetone acid ở người tiểu đường thường xảy ra khi có nhiễm trùng, stress, hay khi có chấn thương. Ðiều trị cấp cứu nhiễm ceton acid bao gồm truyền dịch, chất điện giải, và chích insulin. Thường người bệnh được cho nằm điều trị tại khoa săn sóc đặc biệt trong bệnh viện . Dùng kháng sinh khi có nhiễm trùng.

Với điều trị, sự tăng cao đường máu bất thường, nhiễm toan chuyển hoá và mất nước có khả năng phục hồi nhanh chóng, và người bệnh khoẻ trở lại.

Ở bệnh nhân tiểu đường loại 2, stress, nhiễm trùng, thuốc ( như corticoid ) cũng có thể làm mức đường huyết tăng lên. Ở bệnh nhân tiểu đường loại 2, mức đường huyết tăng cao, làm mất nước, điện giải và tăng áp lực thẩm thấu máu. Những yếu tố này có thể làm cho người bệnh hôn mê (hôn mê do tăng áp lực thẩm thấu ). Hôn mê do tăng áp lực thẩm thấu thường xảy ra ở bệnh nhân lớn tuổi bị tiểu đường loại 2. Giống như nhiễm cetone acid, hôn mê do tăng áp lực thẩm thấu cần phải được điều trị khẩn cấp.

Ðiều trị bằng truyền dịch, chích insulin là vấn đề quan trọng trong điều trị hôn mê do tăng áp lực thẩm thấu. Không giống như bệnh nhân bị tiểu đường loại 1. Ở bệnh nhân tiểu đường loại 2 thường không chuyển thành nhiễm cetone acid.

Hạ đường huyết cũng là biến chứng thường gặp ở bệnh nhân tiểu đường. Nguyên nhân thường gặp là do dùng nhiều insulin, hoặc uống thuốc hạ đường huyết làm giảm đường huyết quá mức. Khi hạ đường huyết xảy ra do insulin, gọi là phản ứng với insulin. Ðôi khi đường huyết bị hạ là do ăn uống không đủ năng lượng hoặc do hoạt động thể lực quá mức.

Ðường trong máu, chủ yếu cho hoạt động của tế bào não. Vì vậy, khi đường trong máu thấp làm cho người bệnh thấy choáng váng, lú lẫn, run. Nếu không được điều trị, bệnh nhân sẽ rơi vào hôn mê, tổn thương não không hồi phục. Ðiều trị hạ đường máu bằng cách cho người bệnh uống nước đường như uống nước cam, ăn đường thẻ. Nếu người bệnh vẫn chưa tỉnh, cho chích thịt glucagon, thuốc này có tác dụng giải phóng glucose dự trữ ở gan để đem ra sử dụng đặc biệt nếu người bệnh đang dùng insulin.

Gia đình và bè bạn của người bệnh tiểu đường cần phải biết cách chích glucagon. Từ đó người bệnh hy vọng mình sẽ không bị hạ đường máu quá mức để phải đưa vào bệnh viện cấp cứu.

Biến chứng mãn của bệnh tiểu đường là gì ?

Biến chứng của bệnh tiểu đường có liên quan đến bệnh lý mạch máu, thường là các mạch máu nhỏ như mắt, thận, thần kinh ( bệnh lý mạch máu nhỏ), và các mạh máu lớn ở tim. Bệnh tiểu đường làm gia tăng xơ vữa động mạch ở những mạch máu lớn, ảnh hưởng đến mạch vành tim ( gây đau ngực, nhồi máu cơ tim), đột quị , đau ở phần xa của chi do thiếu máu nuôi ( gây chứng đi lặt cách hồi). Để biết thêm thông tin xin vui lòng xem ở mục Đau ngực và đột quị tim của trang web : bacsigiadinh.com.

Biến chứng mắt ở bệnh nhân tiểu đường ( bệnh lý võng mạc do tiểu đường) xảy ra ở bệnh nhân bị tiểu đường ít nhất 5 năm. Mạch máu nhỏ đáy mắt bị tổn thương, làm thoát protein và máu vào trong võng mạc. Bệnh lý mạch máu cũng có thể hình thành phình mạch nhỏ ( vi phình mạc ), và những mạch tân tạo này dễ vỡ có thể gây ra sẹo giác mạc và bóc tách võng mạc, làm giảm thị lực. Điều trị bệnh lý võng mạc do tiểu đường là dùng laser để phá hủy các phình mạch này nhằm ngăn ngừa tái phát.

Khoảng 50% bệnh nhân bị tiểu đường sẽ bị bệnh lý võng mạc sau 10 năm mắc bệnh và 85% sau 15 năm. Việc kiểm soát đường huyết và huyết áp không tốt sẽ làm nặng thêm bệnh lý võng mạc do tiểu đường. Đục thủy tinh thể, tăng nhãn áp cũng là một trong những biến chứng thường gặp của bệnh tiểu đường, kết quả của đục thủy tinh thể là người bênh nhìn mờ do đường huyết không được kiểm soát tốt. Người bệnh thường không nhìn rõ mặc dù đeo kính.

Tổn thương thận do tiểu đường còn gọi là bệnh thận do tiểu đường. Bệnh thận bắt đầu và tiến triển rất thay đổi. Lúc đầu, bệnh lý mạch máu nhỏ ở thận là nguyên nhân làm thoát protein vào trong nước tiểu.

Về sau, thận không còn khả năng thanh lọc máu nữa. Sự tích tụ nhiều độc chất trong máu cần phải lọc thận nhân tạo. Lọc thận nhân tạo bao gồm việc dùng máy, nhằm đảm bảo chức năng lọc của thận đã bị hư. Ở những bệnh nhân không thể lọc thận được, việc ghép thận cần được xem xét đến.

Tiến triển bệnh thận có thể chậm lại đáng kể bằng việc kiểm soát tốt huyết áp, và lượng đường cao trong máu.

Thuốc ức chế men chuyển (ACE) hay thuốc ức chế thụ thể angiotensin (ARB), được dùng để điều trị cao huyết áp cũng có lợi ở bệnh nhân bệnh thận do tiểu đường. Tổn thương thần kinh do tiểu đường cũng có thể là do tổn thương những mạch máu nhỏ. Thực ra, do dòng máu đến nuôi dây thần kinh bị giảm sút. Triệu chứng thần kinh do tiểu đường bao gồm : tê , nóng rát, đau ở đầu chi giảm hoặc mất cảm giác ở chân, làm cho người bệnh không còn cảm nhận được khi có tổn thương chân.

Người bệnh phải mang giày mềm, đúng kích cỡ để bảo vệ chân. Khi có tổn thương da cần phải được chăm sóc kịp thời để tránh nhiễm trùng nặng. Do lượng máu nuôi kém, nên tổn thương bàn chân do tiểu đường thường khó chữa khỏi. Đôi khi chỉ cần một chấn thương rất nhỏ ở chân có thể gây ra nhiễm trùng, loét và hoại tử. Lúc này cần phẫu thuật cắt bỏ ngón chân, bàn chân hay bất cứ phần nào khác bị nhiễm trùng.

Tổn thương thần kinh trong bệnh tiểu đường có thể là trầm trọng, gây liệt dương, do giảm dòng máu đến dương vật. Bệnh thần kinh do tiểu đường có thể ảnh hưởng lên dạ dày, ruột gây buồn nôn, sụt cân, tiêu chảy

Đau do thần kinh trong bệnh tiểu đường có thể đáp ứng với điều trị bằng gabapentin (Neurontin), phenytoin (Dilantin), carbamazepine (Tegretol), desipramine (Norpraminine), amitriptyline (Elavil), hoặc bằng thuốc dán capsaicin ( chiết xuất từ ớt), Neurontin, Dilantin và Tegretol là những loại thuốc được dùng lâu đời để điều trị đau. Elavil và Norpraminine là những loại thuốc dùng để chữa chứng trầm cảm.

Đau trong tổn thương thần kinh do tiểu đường cũng có thể cải thiện rõ rệt nếu đường huyết được kiểm soát tốt. Thuốc mới để điều trị biến chứng trên thần kinh còn đang nghiên cứu.

Điều trị bệnh đái tháo đường như thế ?

Mục tiêu chính của việc điều trị bệnh tiểu đường là kiểm soát tốt mức đường trong máu. Đái tháo đường loại 1 được điều trị bằng insulin, tập luyện và chế độ ăn kiêng cử. Trong bệnh tiểu đường loại 2 phương pháp điều trị đầu tiên là giảm cân, tiết chế và tập thể dục đều đặn. Khi các biện pháp này không thể kiểm soát được đường máu , lúc này mới tính đến chuyện dùng thuốc uống. Nếu dùng thuốc uống vẫn không hiệu quả mới dùng insulin chích.

Tiết chế là biện pháp quan trọng trọng điều trị bệnh tiểu đường, giúp kiểm soát tốt đường máu. Tiết chế là cân bằng dinh dưỡng như ăn ít mỡ, ít cholesterol, và đường đơn. Tổng lượng calo hằng ngày được chia đều trong 3 bữa ăn. Trong 2 năm qua, hiệp hội tiểu đường Hoa Kỳ cho phép dùng một lượng rất ít đường đơn cùng với thức ăn khác. Giảm cân, tập thể dục là phương pháp điều trị tiểu đường quan trọng. Giảm cân và tập thể dục làm cho cơ thể nhạy cảm với insulin, điều này giúp cho kiểm soát tốt đường máu.

Thuốc dùng điều trị cho bệnh nhân tiểu đường loại 2

Cảnh báo: tất cả những thông tin liệt kê dưới đây áp dụng cho bệnh nhân không mang thai và cho con bú. Hiện tại, khuyến cáo duy nhất là kiểm tra đường máu bằng chế độ ăn, tập luyện và dùng insulin. Bạn nên tham khảo bác sĩ của bạn nếu bạn dùng thuốc hay chuẩn bị mang thai.

Thuốc trị tiểu đường loại 2 giúp:

  • Tăng tiết insulin từ tuyến tuỵ.
  • Giảm lượng đường từ gan.
  • Tăng nhạy cảm của tế bào với insulin.
  • Giảm hấp thu carbohydrate ở ruột.

Sự kết hợp nhiều thuốc trị tiểu đường khác nhau chỉ dùng cho việc điều chỉnh đường huyết tăng cao một cách bất thường. Cũng như danh sách các thuốc điều trị tiểu đường liên tục được mở rộng. Không có người bệnh tiểu đường loại 2 nào hưởng lợi từ bất kỳ loại thuốc nào, và cũng không có loại thuốc nào phù hợp cho tất cả bệnh nhân bị tiểu đường.

Bệnh nhân tiểu đường loại 2 nên hợp tác chặt chẻ với bác sĩ của mình, và gặp riêng bác sĩ nếu cần để bác sĩ có những lời khuyên tốt cho sức khoẻ, giảm thiểu các nguy cơ do tiểu đường gây ra.

Người bệnh đừng bao giờ quên tầm quan trọng của chế độ ăn uống kiêng khem và tập thể dục nhằm kiểm soát tốt bệnh tiểu đường, có lối sống khoẻ mạnh mà không cần dùng đến thuốc điều trị tiểu đường.

Các loại thuốc làm tăng phóng thích insulin từ tuỵ gồm: Sulfonylureas và Meglitinides

Sulfonylureas : về mặt lịch sử, thuốc làm tăng sản xuất insulin từ tuyến tuỵ là mục tiêu trong điều trị đái tháo đường loại 2. Thuốc này thuộc nhóm sulfonulureas. Sulfonylureas làm giảm lượng đường trong máu bằng cách kích thích tuyến tuỵ tăng phóng thích insulin Thuốc thuộc nhóm này là chlorpropamide và tolbutamide, thuốc thế hệ mới là Glyburide (DiaBeta), glipizide (Glucotrol), và glimepiride (Amaryl). Các thuốc này có tác dụng làm hạ đường nhanh nên có nguy cơ làm hạ đường huyết. Thuốc này không dùng cho bệnh nhân bị dị ứng với nhóm sulfa.

Meglitinides: là loại thuốc mới được sử dụng trong bệnh tiểu đường loại 2, thuốc có tác dụng kích thích tuyến tuỵ phóng thích insuilin. Không giống như sulfonylureas, là kích thích tế bào tuyến tuỵ bằng cách gắng với thụ thể tiết insulin, còn meglitinides có tác dụng trên kênh Kali bề mắt tế bào. Repaglinide (Prandin) và nateglinide (Starlix), là những thuốc có tác dụng nhanh, thuốc được uống trước bữa ăn 30 phút. Không giống như sulfonylureas, thuốc này có tác dụng kéo dài, còn Prandin và Starlix có tác dụng rất nhanh với đỉnh điểm tác dụng trong vòng 1 giờ.

Vì vậy, thuốc được uống 3 lần mỗi ngày trước bữa ăn. Mặt khác, thuốc này cũng làm tăng lượng insulin lưu hành trong máu, vì vậy làm hạ đường máu. Nhưng theo y văn, còn nghi nghờ là thuốc gây hạ đường huyết thường không mạnh bằng sulfonylureas.

Trong 3 tháng nghiên cứu, Prandin dạng nhỏ giọt có tác dụng hạ đường huyết nhanh có trị số là 64 mg/dl, sau khi ăn đường huyết là 100 mg/ dl. Bởi vì Prandin có tác dụng ngắn, và uống trước bữa ăn nên nó đặc biệt có lợi trong trường hợp đường máu thấp sau ăn và nó không có xu hướng làm hạ đường huyết. Prandin có thể được sử dụng kết hợp với các thuốc khác như Glucophage cho kết quả rất ngoạn mục. Trong 83 bệnh nhân bị tiểu đường loại 2, lượng đường trong máu được cải thiện một cách rõ rệt khi kết hợp Prandin với Glucophage.

Prandin không tương tác với các thuốc khác. Bạn nên cho bác sĩ biết các loại thuốc mà bạn đang dùng trước khi ban được cho dùng Prandin. Liều khởi đầu là 0,5 mg trước mỗi bữa ăn, và có thể tăng đến 4 mg. Liều tối đa hằng ngày là 16 mg. Thuốc này nên sử dụng thận trong trong trường hợp bạn bị suy thận, hay suy gan. Vì Prandin làm tăng insulin trong máu, nên có nguy cơ làm hạ đường huyết quá mức, lúc này làm người bệnh vã mồ hôi, run tay, lú lẫn đôi khi mê man nếu hạ đường huyết nặng và kéo dài.

Thêm vào đó, việc dùng Prandin có thể gây đau đầu, đau cơ, nhức khớp, viêm xoang ở một số người. Thuốc này không dùng cho phụ nữ mang thai, hay cho con bú. Cần điều chỉnh liều thuốc ở người già, vì những người này tốc độ chuyển hóa và thải trừ của thuốc chậm

Starlix cũng có tác dụng phụ và tương tác thuốc như Prandin. Nhưng lợi ích chính của Starlix là thuốc này dùng liều khởi đầu 120mg mà không cần điều chỉnh liều tăng thêm . Thuốc này dùng tương đối an toàn ở bệnh nhân bị suy chức năng thận.

Các thuốc có tác dụng làm giảm sản xuất glucose từ gan

Thuốc thuộc nhóm này là biguanides đã được sử dụng vài năm gần đây ở Châu Âu và Canada. Năm 1994, FDA chấp nhận cho sử dụng metformin (Glucophage) trong điều trị tiểu đường loại 2 ở Mỹ. Glucophage là thuốc duy nhất trong nhóm đó có khả năng làm giảm sự sản xuất đường từ gan. Tóm lại, vì metformin không làm tăng insulin nên khi dùng một mình thường không gây hạ đường huyết.

Mặt khác metformin còn có tác dụng giảm ngon miệng, nên người bệnh bớt ăn cũng giúp cho ổn định đường huyết. Metformin có thể dùng một mình hoặc kết hợp với thuốc hạ đường huyết uống khác hoặc insulin. Thuốc này không dùng cho bệnh nhân bị suy thận, tuy nhiên có thể dùng được ở bệnh nhân bị suy gan nhưng phải thận trọng.

Thuốc có thể gây tăng acid lactic là kết quả của sự tích tụ thuốc và các chất chuyển hoá của nó. Metformin an toàn, là thuốc được khuyên dùng không cần liên tục trong 24 giờ trước bất kỳ thủ thuật nào. Thuốc có thể làm suy thận do tích tụ thuốc trong máu. Metformin có thể dùng lại khi các bệnh này trở về bình thường.

Các thuốc làm cho tế bào tăng nhạy cảm với insulin

Hiện nay tại Mỹ, thuốc được biết đến thuộc nhóm này là thiazolidinediones, thuốc có tác dụng hạ đường huyết bằng cách làm tăng đáp ứng của tế bào đích đối với insulin( tức là làm tăng nhạy cảm của tế bào đối với insulin). Troglitazone (Rezulin) là thuốc đầu tiên thuộc nhóm này. Bởi vì thuốc này có tác dụng rất độc cho gan nên người ta cấm dùng troglitazone. Vì vậy, thuốc này không được bán trên thị trường. Các thuốc thuộc dòng họ này tỏ ra an toàn là pioglitazone (Actos) và rosiglitazone (Avandia).

Pioglitazone (Actos) và Rosiglitazone (Avandia) là loại thiazolidinediones mới, được cho phép sử dụng tại Mỹ. Cả Avandia và Actos có tác dụng làm tăng tính nhạy cảm của tế bào với insulin. Đó là những tế bào cơ và tế bào mỡ. Những thuốc này có tác dụng làm giảm đường máu ở bệnh nhân tiểu đường loại 2. Actos và Avandia có tác dụng trong vòng 1 giờ sau khi uống. Điều quan trọng là sau khi uống 6 tuần phải thử máu lại, dùng thuốc tối đa là 12 tuần . Actos và Avandia được chọn đầu tiên trong điều trị bệnh tiểu đường hoặc dùng kết hợp.

Bác sĩ khuyên dùng thuốc này 3 lần mỗi ngày, dùng trong bữa ăn. Liều từ 25 mg đến 100 mg mỗi lần. Liều tối đa mỗi ngày là 100 mg, ba lần mỗi ngày. Dùng liều cao hơn có thể gây ra suy gan có hồi phục. Do cơ chế tác dụng của thuốc, nên có thể xảy ra một số tác dụng phụ trên dạ dày-ruột như : đau bụng, ỉa chảy, đầy hơi thường gặp trên 75% bệnh nhân. Vì vậy, bác sĩ khuyên bắt đầu từ liều thấp, sau đó tăng dần lên trong vài tuần, tùy theo dung nạp của người bệnh. Đa số triệu chứng phụ ở dạ dày- ruột biến mất trong vài tuần, mặc dù ở một số bệnh nhân triệu chứng phụ vẫn còn, lúc này cần phải ngưng thuốc, nếu như người bệnh không còn dung nạp được nữa.

Điều trị bệnh tiểu đường bằng INSULIN

tiểu đường loại 2 khi không thể kiểm soát được lượng đường trong máu bằng chế độ ăn, giảm cân, thể dục và thuốc uống.

Lý tưởng nhất là Insulin nên được dùng theo cách bắt chước kiểu chế tiết Insulin tự nhiên của tuỵ lành mạnh. Rất khó bắt chước kiểu này. Tuy nhiên việc kiểm soát đường máu một cách tương đối có thể đạt được khi ta chú ý cẩn thận đến chế độ ăn, tập thể dục thường xuyên, theo dõi đường máu ở nhà, chích Insulin nhiều lần trong ngày.

Trước đây, Insulin dùng để điều trị được lấy từ các nguồn động vật, đặc biệt là bò và heo. Không chỉ có những vấn đề khó khăn trong việc cấp đúng các loại Insulin thoả mãn nhu cầu, mà Insulin bò và heo có những vấn đề đặc trưng khác. Chúng gây các phản ứng miễn dịch ở người. Bệnh nhân trở nên không dung nạp hay đề kháng với Insulin từ động vật.

Nhờ sự tăng tốc của các nghiên cứu khoa học vào nữa cuối thế kỷ này, Insulin bò và heo được thay thế bằng Insulin người. Năm 1977, gen sản xuất Insulin được sao chép (cloned) và bằng công nghệ hiện đại, Insulin người được sản xuất ra trên thị trường. Insulin người hiện nay được sử dụng rộng rãi.

Hiện nay có nhiều dạng Insulin khác nhau về thời điểm bắt đầu và thời gian tác dụng. Bởi vì những khác nhau này, người ta thường dùng kết hợp Insulin để tạo chế độ kiểm soát đường máu thích hợp. Bảng dưới đây liệt kê các loại Insulin thường dùng nhất hiện nay ở Mỹ và các đặc điểm của chúng:

Tên Insulin

Thời điểm tác dụng

Tác dụng đỉnh sau khi chích

Humalog/Tác dụng rất nhanh

5-15 phút

30-60 phút

Regular/tác dụng nhanh

30 phút

2-5 giờ

NPH/tác dụng trung gian

1-2.5 giờ

8-14 giờ

Lente/tác dụng trung gian

1-2.5 giờ

8-12 giờ

Ultra Lente/tác dụng kéo dài

4-6 giờ

10-18 giờ

Lantus

2-3 giờ

Ổn định từ 2-3 giờ đến 20 giờ

Dạng kết hợp- 75/25, 70/30, 50/50

30 phút

7-12 giờ

Ví dụ, một bệnh nhân có thể được chích một mũi Lent vào buổi sáng và tối để được cung cấp một lượng Insulin cơ bản suốt thời gian 24 giờ. Ngoài ra, cùng bệnh nhân đó có thể được chích một mũi Hunalog ngay trước bữa ăn để ngăn sự tăng Carbohydrat sau khi ăn

Các phương pháp sử dụng Insulin khác nhau

Không chỉ ngày càng có nhiều loại Insulin khác nhau mà còn có nhiều phương pháp khác nhau để dùng Insulin.

Bút chứa Insulin: Trước đây, Insulin chỉ có sẵn ở dạng chích. Dạng này cần ống chích ( Vài thập niên trước đây ống chích được làm bằng thuỷ tinh và được vô trùng), kim, Insulin đựng trong các ống nhỏ, tăm bông cồn. Dễ thấy rằng, bệnh nhân thường gặp khó khăn khi phải bị chích nhiều mũi trong ngày. Kết quả là việc kiểm soát đường huyết thường không tốt. Nhiều công ty dược hiện nay đang cung cấp những phương pháp rất thuận tiện và cẩn thận để đưa Insulin vào cơ thể. Cả Novo Nordisk và Lily đều có hệ thống bút chứa Insulin. Hệ thống này tương tự như ống chứa mực của bút máy.

Một dụng cụ nhỏ cỡ cây bút chứa 1 ống đựng Insulin (thường 300 đơn vị). Các ống Insulin với các công thức được dùng rộng rãi nhất đều có sẵn, chẳng hạn các loại Insulin được liệt kê ở bảng trên. Số lượng Insulin sẽ được tiêm được điều chỉnh bằng cách vặn đáy bút đến khi đạt tới con số mong muốn ở ô biểu thị liều dùng. Đầu mũi bút có cái kim được thay thế mỗi lần tiêm.

Một cơ chế bơm thuốc cho phép kim đâm xuyên chỉ dưới da và bơm lượng Insulin cần thiết vào cơ thể. Ống thuốc và kim được bỏ đi sau khi tiêm và người ta lắp cái mới vào dễ dàng. Các dụng cụ chứa Insulin này ít gây phiền hà và cẩn thận so với các phương pháp truyền thống.

Bơm Insulin: Tiến bộ gần đây nhất là bơm Insulin. Ở Mỹ, Minimed và Bisetronic tung ra thị trường bơm Insulin. Một bơm Insulin được cấu tạo bởi các bể chứa tương tự như ống Insulin, chạy bằng pin, và một chip máy tính cho phép người dùng kiểm soát chính xác lượng Insulin được chích. Hiện nay, các loại bơm tiêm trên thị trường có kích cỡ bằng cái còi. Bơm được gắn vào một ống nhựa mỏng ( một bộ tiêm truyền) có một canun mềm (kim) ở đầu mà Insulin sẽ được bơm qua. Canun này được đặt dưới da, thường ở bụng. Canun được thay mỗi 2 ngày. Ống có thể tháo rời khỏi bơm trong khi tắm hoặc bơi. Bơm được sử dụng để cung cấp Insulin liên tục 24 giờ trong ngày. Số lượng Insulin được lên chương trình và được bơm vào với tốc độ không đổi.

Thông thường số lượng Insulin cần thiết trong 24 giờ thay đổi phụ thuộc vào các yếu tố như tập thể dục, mức độ hoạt động, ngủ. Bơm Insulin cho phép người dùng lập chương trình các tốc độ truyền khác nhau. Ngoài ra người dùng có thể lập chương trình cho bơm để truyền một ‘bát’ Insulin trong các bữa ăn để che nhu cầu hấp thu Carbohydrat quá mức. Hơn 50.000 người trên thế giới sử dụng bơm Insulin. Số lượng này đang tăng đáng kể bởi vì bơm trở nên nhỏ hơn và tiện lợi cho người dùng hơn.

Bơm Insulin cho phép kiểm soát đường máu chặt chẽ và có tính linh động đồng thời cũng giảm thiểu tối đa ảnh hưởng của đường máu thấp. Hiện tại, bơm là thiết bị trên thị trường bắt chước được như tuyến tuỵ nhất. Dĩ nhiên bước tiếp theo sẽ là một bơm có thể cảm nhận mức độ đường máu và điều chỉnh sự truyền Insulin thích hợp. Nhiều nỗ lực đang được tập trung trong lĩnh vực nghiên cứu này và có thể, thậm chí trong năm tới một thiết bị thế hệ đầu tiên sẽ được thử nghiệm.

Hít Insulin: Một cách sử dụng Insulin khác rất hứa hẹn là hít thuốc vào. Hít Insulin đang được thử nhưng chưa được cơ quan quản lý thuốc và dược phẩm Mỹ chấp nhận. Nhiều thiết bị có sẵn cho phép sử dụng các loại thuốc khác theo cách này. Ví dụ điển hình nhất là trị hen. Insulin không được hấp thu qua phế quản ( đường thở). Nó chỉ được hấp thu qua phế nang và đi vào máu. Hiện tại, máy hít bột và máy khí dung đang được nghiên cứu để xác định hệ thống nào đáng tin cậy nhất. Độ an toàn của Insulin được hít vào cần được xác định trước khi sản suất ra cho người tiêu dùng.

Trong mũi, qua da, viên: Các đường truyền Insulin khác cũng được thử. Truyền Insulin vào qua đường trong mũi được cho là rất hứa hẹn. Tuy nhiên phương pháp này liên quan sự hấp thu kém và kích thích mũi. Insulin qua da (miếng dán da) cho đến nay có kết quả rất thất vọng. Insulin dạng thuốc cũng không hiệu quả vì các enzyme tiêu hoá ở ruột phá hủy thuốc.

Tương lai của ghép tụy: Mục tiêu cao nhất trong việc điều trị tiểu đường loại 1 là cung cấp 1 liệu pháp Insulin sao cho giống tuỵ tự nhiên. Có lẽ biện pháp gần giống nhất có sẵn hiện nay là cấy ghép tuỵ. Vài tiếp cận cấy ghép tuỵ đang được nghiên cứu hiện nay bao gồm toàn bộ tuyến tuỵ và các tế bào đảo được cách ly ( những nhóm tế bào nào chứa các tế bào beta chịu trách nhiệm sản xuất Insulin). Dữ liệu có sẵn từ 1995 chỉ ra rằng gần 8000 bệnh nhân được thực hiện cấy ghép tuỵ. Phần lớn việc ghép tuỵ được tiến hành cùng thời điểm ghép thận cho những bệnh nhân bệnh thận tiểu đường.

Cấy ghép không phải là không có nguy cơ. Bản thân phẫu thuật và ức chế miễn dịch sau đó tạo ra nguy cơ đáng kể cho bệnh nhân. Vì các lý do này, thận và tuỵ thường được ghép cùng lúc. Hiện tại người ta chưa đồng ý ghép toàn bộ tuỵ ở bệnh nhân không cần ghép thận. Vấn đề là lợi ích đem lại có lớn hơn nhiều so với nguy cơ vẫn đang được tranh cãi. Có khi bệnh tiểu đường xảy ra ở người được ghép tuỵ. Ghép các tế bào đảo được chọn là phương pháp thay thế cho ghép toàn bộ tuỵ. Tuy nhiên người ta vẫn còn quan tâm sự thải trừ ghép.

Người ta nỗ lực để nguỵ trang tế bào đảo trong những mô mà cơ thể không thải trừ (ví dụ bao quanh các tế bào đảo bằng các tế bào của chính bệnh nhân rồi ghép chúng). Ngoài ra, các nhà nghiên cứu đang thử nghiệm các rào cản nhân tạo có thể bao quát tế bào đảo, cung cấp sự bảo vệ chống sự thải ghép, mà vẫn cho phép Insulin vào dòng máu.

Những năm tới hứa hẹn một thời điểm hấp dẫn trong việc chăm sóc bệnh tiểu đường. Sự lựa chọn liệu pháp Insulin tiếp tục phát triển và các phương pháp truyền Insulin vào cơ thể tiếp tục được cải tiến. Trong khi nghiên cứu tiếp tục mở ra theo hướng này, vẫn có một điều không đổi. Đó là đạt được sự kiểm soát đường huyết tốt nhất có thể được.

Hiện nay chúng ta biết chắc rằng, kiểm soát đường huyết tốt giảm thiểu biến chứng lâu dài của tiểu đường như mù, tổn thương thần kinh, thận. Trong khi liệu pháp Insulin cần thiết cho những bệnh nhân tiểu đường loại 1, nó cũng cho bệnh nhân cơ hội lao động và có cuộc sống khoẻ mạnh.

Có thể làm được gì để hạ thấp các biến chứng tiểu đường?

Các phát hiện của trung tâm kiểm soát tiểu đường và thử nghiệm các biến chứng ( DCCT) nghiên cứu tiền cứu về tiểu đường ở Vương Quốc Anh đã cho thấy rõ ràng rằng kiểm soát triệt để và toàn diện nồng độ đường máu tăng ở bệnh nhân tiểu đường loại 1 và 2 làm giảm các biến chứng thận, thần kinh, mắt và có thể giảm tỉ lệ và mức độ trầm trọng bệnh mạch máu lớn.

Kiểm soát triệt để với các liệu pháp toàn diện có nghĩa là đạt nồng độ đường máu không đổi từ 70-120 mg/dl, nồng độ đường máu thấp hơn 180mg/dl sau các bữa ăn, và nồng độ A1C huyết cầu tố gần bình thường( Xem dưới). Các nghiên cứu bệnh nhân tiểu đường loại 1 cho thấy rằng ở những bệnh nhân được điều trị toàn diện, bệnh mắt do tiểu đường giảm 60%.

Tuy nhiên chi phí để kiểm soát đường huyết triệt để là gấp 2-3 lần so trường hợp nồng độ đường huyết thấp bất thường ( do bởi điều trị tiểu đường). Vì lý do này, kiểm soát đường huyết chặt để đạt nồng độ 70-120mg/dl không được áp dụng cho trẻ < 13 tuổi, những bệnh nhân giảm đường máu tái phát nặng, những bệnh nhân không biết bị hạ đường máu và những bệnh nhân bị tiểu đường có biến chứng tiến triển quá mức.

Để đạt kiểm soát đường huyết tối ưu mà không có nguy cơ bị nồng độ đường máu thấp bất thường, những người bị tiểu đường loại 1 phải kiểm soát đường huyết ít nhất 4 lần/ ngày và dùng Insulin ít nhất 3 lần mỗi ngày. Ở những bệnh nhân tiểu đường loại 2, kiểm soát đường máu triệt để có tác động ích lợi tương tự lên mắt, thận, thần kinh, mạch máu.

Làm sao kiểm tra đường máu?

Xét nghiệm đường máu ở nhà là một phần quan trọng trong kiểm soát đường máu. Một mục tiêu quan trọng của điều trị tiểu đường là giữ nồng độ đường máu gần mức bình thường 70-120mg/dl trước bữa ăn và dưới 140mg/dl 2 giờ sau bữa ăn. Nồng độ đường máu được xác định bằng cách chích đầu ngón tay với lưỡi trích.

Một giọt máu được đặt lên trên băng thử với bảng màu. Các cách xác định nồng độ đường máu chính xác khác được thực hiện bằng cách sử dụng đồng hồ đo glucose, bao gồm trích máu đầu ngón tay ( Accucheck Easy, Accucheck Advantage, One touch II, Glucometer). Kết quả xét nghiệm giúp các bệnh nhân điều chỉnh thuốc, chế độ ăn và hoạt động thể lực.

Bởi vì nồng độ đường huyết có thể dao động rộng, ngay cả xét nghiệm đường huyết ở nhà thường xuyên có thể không phản ánh chính xác mức độ thành công kiểm soát đường huyết. Xét nghiệm A1C huyết cầu tố là phương pháp đo lường tốt hiệu quả tổng thể về kiểm soát đường máu trong thời gian 3 tháng. Nồng độ A1C huyết cầu tố tăng cho thấy kiểm soát đường huyết kém. Mục tiêu của điều trị tiểu đường là giữ A1C huyết cầu tố ở mức bình thường.

Tóm lược tiểu đường

Tiểu đường là một tình trạng mãn tính liên quan nồng độ đường máu cao bất thường.

Insulin được tạo bởi tuyến tuỵ giúp hạ thấp đường máu.

Không có hay sản xuất thiếu Insulin gây bệnh tiểu đường.

Hai loại tiểu đường được đề cập là loại 1 ( phụ thuộc Insulin) và loại 2 ( không phụ thuộc Insulin).

Các triệu chứng của bệnh tiểu đường bao gồm tiểu nhiều, khát, đói cũng như mệt mỏi.

Tiểu đường được chẩn đoán bởi xét nghiệm máu.

Các biến chứng chính của tiểu đường gồm có mãn tính và cấp tính. Cấp tính: đường huyết tăng cao gây nguy hiểm, đường huyết thấp bất thường do dùng thuốc tiểu đường có thể xảy ra. Mãn tính: Bệnh các mạch máu ( nhỏ và lớn) có thể làm tổn thương mắt, thận, thần kinh, tim.

Điều trị tiểu đường phụ thuộc loại và mức độ trầm trọng của bệnh. Tiểu đường loại một được điều trị bằng Insulin, thể dục, chế độ ăn. Tiểu đường loại 2 được điều trị trước tiên là giảm cân, chế độ ăn, thể dục. Khi các biện pháp này thất bại trong việc kiểm soát đường huyết, cho bệnh nhân uống thuốc. Nếu uống thuốc cũng không đủ, Insulin sẽ được xem xét đến.

Theo Bacsigiadinh

Tiểu đường

Biến chứng nhiễm khuẩn ở bệnh nhân tiểu đường
Bạn cần biết về bệnh tiểu đường
Bệnh nhân tiểu đường có được uống rượu không
Bệnh nhân tiểu đường nên coi chừng cả Alzheimer
Bệnh nhân tiểu đường nên mua máy đo đường huyết tại nhà
Bệnh nhân tiểu đường ốm nhẹ thành nặng
Bệnh nhân ðái tháo ðường có ðược uống rượu không
Bệnh nhân ðái tháo ðường type 2 cần tiêm insulin có phải là bị bệnh nặng hơn
Bệnh nhân đái tháo đường phải làm gì khi bị bệnh
Bệnh nhân đái tháo đường tập thể thao
Bệnh tiểu đường
Bệnh đái đường - BS Nguyễn Thanh Sơn
Chăm sóc bàn chân cho bệnh nhân tiểu đường
Chăm sóc bàn chân ở bệnh nhân đái tháo đường
Các cách giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường
Các phương thức mới ðưa insuline vào cơ thể
Các tiến bộ trong lĩnh vực điều trị bệnh đái tháo đường
Khi bị tiểu đường cần chú ý bảo vệ đôi bàn chân
Liệu pháp tâm lý cho bệnh nhân tiểu đường
Muốn tránh bệnh tiểu đường, hãy uống cà phê
Một số vấn đề cần biết về bệnh đái tháo đường
Phòng ngừa biến chứng do bệnh đái tháo đường
Rối loạn cương dương ở bệnh nhân tiểu ðường type ii
Sử dụng insulin trong điều trị tiểu đường
Sử dụng insulin trong điều trị đái tháo đường
Thử nghiệm nhanh HgA1c giúp phát hiện bệnh tiểu đường
Tin nga81n - Bệnh tiểu đường có thể truyền từ mẹ sang con
Tin ngắn - Bệnh tim 'thầm lặng' ở người bị tiểu đường
Tin ngắn - Cần cảnh giác với tiền tiểu đường
Tin ngắn - Giải pháp mới cho bệnh nhân tiểu đường
Tin ngắn - Phương pháp làm giảm nguy cơ bị tiểu đường
Tin ngắn - Thuốc lá làm tăng nguy cơ tử vong ở bệnh nhân tiểu đường
Tiểu đường nguy hiểm nhưng diễn tiến thầm lặng
Điều trị bệnh đái tháo đường khi bạn đi du lịch hoặc đi công tác xa

Bệnh nội tiết khác

Bệnh basedow có thể gây tử vong
Bệnh suy tuyến giáp trạng
Bệnh viêm tuyến giáp
Bệnh đái tháo nhạt
Chứng hạ đường huyết
Hoóc môn tăng trưởng hGH- vị thuốc cải lão hoàn đồng
Mổ nội soi tuyến ức - hy vọng mới cho bệnh nhân nhược cơ
Những người nổi tiếng bị mắc các bệnh nội tiết - chuyển hóa
Suy tuyến yên gây nhiều bệnh lý nghiêm trọng

 

THƯ MỤC Y HỌC PHỔ THÔNG
Bệnh da liễu
Bệnh hệ huyết học
Bệnh hệ hô hấp
Bệnh hệ tim mach
Bệnh hệ tiêu hóa
Bệnh hệ tiết niệu
Bệnh ngoại khoa
Bệnh nhãn khoa
Bệnh nội tiết
Bệnh tai mũi họng
Bệnh thường gặp
Bệnh thần kinh
Bệnh truyền nhiễm và ký sinh
Bệnh tâm thần
Bệnh ung bướu
Da liễu - Bệnh của tóc
Da liễu - Bệnh dị ứng
Da liễu - Bệnh ngoài da
Da liễu - Chăm sóc da
Da liễu - Các vấn đề về da
Da liễu - Mụn
Hệ cơ xương khớp - Bệnh cơ và tập luyện
Hệ cơ xương khớp - Bệnh khớp và gout
Hệ cơ xương khớp - Bệnh xương và cột sống
Pháp y
Phương tiện chẩn doán
Sức khỏe du lịch
Sức khỏe sinh sản
Thẩm mỹ