Chứng hạ đường huyết
Tác giả : TS. ĐÀO KỲ HƯNG
Ở người bình thường, đường huyết có thể thay đổi, tăng hoặc giảm đôi chút. Đường huyết đói qua đêm trong giới hạn từ 4,2 - 6,4mmol/ lít; Đường huyết đói 72 giờ, nam giới > 2,8mmol/ lít, nữ > 2,2 mmol/ lít. Khi đường huyết hạ dưới 2,5mmol/lít, người ta cho là bị hạ đường huyết. Đây là một bệnh thể dịch, một bệnh sinh hóa, việc điều trị triệu chứng rất dễ, chỉ cần tiêm hay cho bệnh nhân uống glucoza, tuy nhiên có rất nhiều nguyên nhân khó phát hiện. Chất insulin do tuyến tụy tiết ra có tác dụng điều hòa đường huyết. Trường hợp do u tuyến tụy gọi là hạ đường huyết tự phát. Bệnh này có thể điều trị khỏi hẳn nếu được phẫu thuật cắt bỏ khối u.
Trong thực tế người ta thường quan tâm đến chứng tăng đường huyết, chứ ít để ý đến chứng hạ đường huyết, đặc biệt là loại do u tuyến tụy, một bệnh có thể chữa khỏi được.
Các biểu hiện của bệnh
1. Thể nhẹ: Thường bệnh nhân không chịu được đói, người run, chân tay bủn rủn, vã mồ hôi, chóng mặt, tim đập nhanh, đánh trống ngực, lờ đờ, buồn ngủ. Trong thực tế, người ta cũng thường gặp những công nhân do làm việc nặng nhọc, căng thẳng nên vào cuối giờ lao động, người mệt mỏi, làm việc kém năng suất, có dấu hiệu của hạ đường huyết thể nhẹ và hay xảy ra tai nạn lao động. Nếu được uống nước đường hay thức ăn ngọt thì khỏi. Nguyên nhân thường là do những công nhân đó sáng dậy muộn, không kịp ăn sáng, vội đến xưởng làm việc ngay.
2. Thể vừa: Có trường hợp rối loạn tinh thần, có cơn thao cuồng, sầu uất, ủ rũ, mất phương hướng, đôi khi xuất hiện cơn co giật như động kinh, nhìn đôi. Có người bị liệt nửa người, nhưng thường chỉ vài phút, vài giờ là khỏi hẳn. Có trường hợp buồn nôn, đôi khi đau bụng, ngất.
3. Thể nặng: Hôn mê xảy ra đột ngột, hôn mê sâu, co cơ hàm hoặc cơn co giật toàn thân, có khi liệt nửa thân. Nhiệt độ giảm. Có trường hợp tự nhiên tỉnh dần trong vài giờ hay vài ngày. Nếu tiêm glucoza thì khỏi nhanh hơn. Có trường hợp tử vong vì trụy tim mạch trong các cơn nặng. Điều đặc biệt trong chứng hạ đường huyết tự phát là cơn xảy ra lúc đói, rất đúng giờ, giống nhau, hay bị đi bị lại nhiều lần. Nếu lấy máu làm xét nghiệm, thấy đường huyết hạ.
Nguyên nhân gây hạ đường huyết
1. Các nguyên nhân biết được: Bị lả do đói vì chiến tranh, thiên tai như động đất, bão lụt, tàu, thuyền trôi dạt ngoài khơi, lạc vào rừng sâu, sa mạc...; Người ốm nặng, lâu ngày không ăn được; Trong các bệnh ung thư, bệnh đường ruột, bệnh gan, bệnh nội tiết.
2. Bệnh tuyến nội tiết: U tuyến tụy ở các đảo Langerhans, có một u (chiếm 80%) hay nhiều u, u lành tính hay ác tính, bài tiết ra insulin. Những bệnh nhân bị u tụy tạng có triệu chứng rất nặng, thường xảy ra cơn hôn mê, co giật. Bệnh nhân phải ăn luôn miệng nên bị chứng béo phì. Bệnh của một số tuyến nội tiết khác như giảm năng thùy trước tuyến yên, giảm năng tuyến thượng thận.
3. Do tăng insulin đột ngột: Ở người sau cắt dạ dày (Hội chứng Dumping), làm việc quá sức hoặc sau khi cho con bú.
4. Người đang điều trị bệnh tiểu đường, bị hạ đường huyết xuất hiện 1-2 giờ sau khi tiêm insulin.
5. Ngoài ra còn nhiều trường hợp không biết được nguyên nhân (chiếm khoảng 70%), triệu chứng thường nhẹ.
Điều cần lưu ý là chúng ta phải phân biệt chứng hạ đường huyết nêu trên với các trạng thái loạn thần kinh, tâm thần, động kinh, các u não, viêm não, các nguyên nhân hôn mê, đặc biệt là hôn mê do tăng đường huyết.
Điều trị
Những công nhân làm các nghề nặng nhọc (như sử dụng máy móc, lái xe, vận hành máy móc tinh vi…...) cần có chế độ ăn sáng bắt buộc tại xưởng trước khi làm việc và lúc cuối giờ nên uống thêm sữa, nước ngọt. Những người hay bị hạ đường huyết cần chuẩn bị sẵn đường, bánh, kẹo, khi thấy đói thì ăn ngay. Khi xảy ra hôn mê hạ đường huyết, tiêm 20-30g glucoza vào tĩnh mạch sau khi đã lấy máu xét nghiệm, kế đó tiêm truyền chậm glucoza 5% tĩnh mạch. Ở bệnh nhân đái tháo đường, khi được điều trị bằng insulin, phải tiêm thuốc vào trước bữa ăn 1-2 giờ. Nếu sau khi tiêm insulin, thấy người khó chịu, bủn rủn thì ăn một ít đường. Trường hợp nghi ngờ có khối u tụy cần làm siêu âm, chụp cắt lớp vi tính ổ bụng; nếu có u thì tiến hành phẫu thuật cắt bỏ, bệnh sẽ khỏi. Ngày nay phương pháp siêu âm nội soi cho phép phát hiện đến 80% các khối u nội tiết của tụy mà siêu âm thường và chụp cắt lớp vi tính có thể bỏ qua.
Chú thích ảnh:
- U tụy có thể gây hạ đường huyết nặng.