Mổ nội soi tuyến ức - hy vọng mới cho bệnh nhân nhược cơ
Cháu Khoa đang nằm tại phòng hậu phẫu. |
Ngày 11/6, các bác sĩ tại Khoa Ngoại ,Viện Nhi (Hà Nội ) đã thực hiện thành công một ca mổ rất phức tạp, dùng kỹ thuật nội soi để cắt tuyến ức bị phì đại cho bệnh nhân Trần Anh Khoa, 13 tuổi. Đây là cơ sở y khoa đầu tiên của Việt Nam áp dụng thành công phương pháp tiên tiến này.
Từ khi 3 tuổi, cháu Khoa, người Đà Nẵng, bắt đầu bị sụp mi mắt. Gia đình đã đưa cháu đi khám và điều trị tại nhiều bệnh viện mà không đỡ. Người nhà đã được giải thích là bệnh của cháu không thể chữa khỏi.
Gần đây, do bệnh tình nặng lên, xuất hiện thêm triệu chứng liệt cơ vận nhãn (mắt không đưa qua đưa lại được), gia đình rất lo lắng và đã đưa cháu đến khám tại Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội). Thông qua chụp cắt lớp vi tính (CT-scanner), các bác sĩ đã phát hiện ra rằng cháu bị nhược cơ do tuyến ức phì đại. Cháu Khoa được chuyển đến Viện Nhi để điều trị. Tại đây, sau khi hội chẩn, các bác sĩ Khoa Ngoại đã quyết định tiến hành hành mổ cắt bỏ tuyến ức cho cháu bằng phương pháp nội soi.
Giảm tối đa đau đớn cho bệnh nhân
Trả lời phỏng vấn VnExpress, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Liêm, Trưởng khoa Ngoại, Viện Nhi, người chủ trì ca mổ, cho biết, trong phương pháp cổ điển, để tiếp cận tuyến ức, các bác sĩ phải mở lồng ngực hoặc cắt đôi xương sườn. Vết mổ thường dài tới 20 cm, rất nhiều cơ và thần kinh bị cắt khiến bệnh nhân vô cùng đau đớn. Đó là chưa kể đến thời gian phục hồi sau mổ phải kéo dài 7-10 ngày vì chức năng hô hấp của bệnh nhân bị ảnh hưởng nặng nề.
Ưu điểm nổi bật của phẫu thuật cắt tuyến ức bằng nội soi là vết mổ rất nhỏ, ít đau đớn, chăm sóc sau mổ không đòi hỏi nhiều công sức và bệnh nhân có thể ra viện sau khi mổ 1-2 ngày.
Trong trường hợp cháu Khoa, các phẫu thuật viên đã mở 3 lỗ nhỏ trên lồng ngực, mỗi lỗ có đường kính khoảng 1 cm (1 đường dành cho ống nội soi, 2 đường còn lại để đưa dụng cụ mổ vào lồng ngực). Hình ảnh nội soi cho thấy cả 2 thùy của tuyến ức đều rất to. Sau 2 giờ, toàn bộ tuyến ức đã được bóc tách, khoang ngực được làm sạch. Hôm nay, bệnh nhân đã hoàn toàn tỉnh táo, ăn được và chuẩn bị xuất viện.
Như vậy, cho tới nay, Viện Nhi đã áp dụng kỹ thuật này cho 4 bệnh nhân (nhỏ nhất là 8 tháng và lớn nhất là 13 tuổi), trong đó có 3 ca nhược cơ và 1 ca u tuyến ức. Cả 4 ca đều thành công tốt đẹp. Theo đánh giá của Tiến sĩ Liên, tuy kỹ thuật nội soi của nước ta phát triển không sớm nhưng đi nhanh và đã bắt đầu tiếp cận được những kỹ thuật hiện đại.
Tuyến ức và bệnh nhược cơ
Tuyến ức là một cơ quan nằm ở phần trên của lồng ngực, dưới xương ức. Ở trẻ sơ sinh, tuyến này tương đối lớn (bằng nắm đấm của trẻ). Nó tiếp tục phát triển trong suốt thời kỳ thơ ấu cho tới khi dậy thì (khi này trọng lượng sẽ đạt khoảng 35 g). Sau đó, tuyến ức dần teo đi và hòa nhập với tổ chức xung quanh. Mãi tới đầu thập niên 60, người ta mới phát hiện ra rằng tuyến ức tham gia vào quá trình miễn dịch của cơ thể. Ngay từ thời kỳ bào thai, tuyến này đã sản xuất ra rất nhiều tế bào lympho, các tế bào này theo máu đi đến mọi nơi trên cơ thể , "gieo mầm" cho hạch bạch huyết và các tổ chức bạch huyết khác.
Nhược cơ là một bệnh lý tương đối hiếm gặp. Triệu chứng chính của bệnh là trương lực một số cơ bị giảm. Bệnh thường bắt đầu bằng triệu chứng sụp mi. Trong một số trường hợp, cơ hoành có thể bị tổn thương khiến bệnh nhân bị suy hô hấp, có thể dẫn đến tử vong. Điều trị nội khoa thường không giải quyết triệt để các triệu chứng bệnh. Cắt bỏ tuyến ức là phương pháp hữu hiệu hơn nhiều.
BS Thu Thảo