Bệnh nhân tiểu đường bệnh nhẹ thành nặng
Máy đo đường huyết cá nhân. |
Người mắc tiểu đường phải giữ gìn sức khoẻ thật cẩn thận vì đối với họ, việc mắc thêm bệnh khác dù nặng hay nhẹ (viêm phổi, ngộ độc thức ăn, cảm cúm, đau răng, nấm móng chân...) đều có thể ảnh hưởng đến đường máu và dẫn tới hậu quả nghiêm trọng.
Khi cảm thấy không được khỏe hoặc có vấn đề bất thường, bệnh nhân tiểu đường phải kiểm tra ngay đường máu, sau đó cứ 2-3 giờ lại kiểm tra 1 lần. Nếu bạn không có máy thử đường máu thì hãy dùng que thử kiểm tra đường niệu và xê-tôn niệu.
Tiếp tục ăn và uống bình thường, không bỏ bữa. Nếu ăn được ít thì nên ăn thêm nhiều bữa. Nếu còn khát thì tiếp tục uống thật nhiều để tránh bị mất nước. Nếu bạn không ăn được hoặc buồn nôn nhiều, hãy uống nửa cốc nước chanh hoặc nước gừng có pha 1 thìa nhỏ mật ong; nửa cốc nước trà đen có 1 thìa nhỏ đường. Nếu thấy khó uống, hãy pha thêm một thể tích nước tương đương. Khi đang bị ốm, cần hạn chế uống sữa và nước hoa quả vì chúng dễ gây buồn nôn.
Sau khi thấy đỡ hơn, hãy cố ăn các đồ ăn nhẹ như 1 miếng táo tây hoặc: 2-3 cái bánh bích qui mặn hoặc ngọt, 1 quả táo sấy khô, 4 thìa thạch ngọt, 1/4 ổ bánh mỳ khô. Cũng có thể ăn bất cứ thứ gì bạn thích hoặc sẵn có lúc đó. Cần lưu ý là nên ăn món có tinh bột và tiếp tục uống nước.
Nếu bạn đang điều trị bằng insulin, cần tiếp tục tiêm insulin, nhưng đôi khi phải thay đổi liều vì đường máu của bạn có thể đã tăng cao hoặc giảm thấp hơn bình thường. Tốt nhất là hãy kiểm tra đường máu thường xuyên mỗi 2-3 giờ và trước khi tiêm insulin. Tương tự, cũng cần thử xê-tôn niệu thường xuyên.
Nếu kết quả thử đường máu 2 lần liên tiếp cao trên 15 mmol/l hoặc xê-tôn niệu cao, bạn sẽ phải tăng liều insulin (tiêm liều thông thường cộng thêm 10-20% tổng liều insulin/ngày) và sử dụng insulin nhanh như Actrapid, Maxirapid...
Nếu bạn đang tiêm insulin 2 mũi/ngày thì nên chuyển sang tiêm 3 hoặc 4 mũi/ngày để giúp kiểm soát đường máu tốt hơn. Sau mỗi 4-6 giờ, tiếp tục thực hiện lại 3 bước: thử đường máu, kiểm tra xê-tôn niệu, tiêm thêm insulin (nếu cần)... cho tới khi đường máu giảm xuống dưới 15 mmol/l hoặc hết xê-tôn niệu. Lưu ý: Đường máu là yếu tố quan trọng và có giá trị quyết định vì xê-tôn niệu có thể dương tính không phải do đường máu cao mà do nhịn đói hoặc uống nhiều rượu.
Nếu đường máu thử lần đầu dưới 15 mmol/l thì tiếp tục tiêm insulin liều như bình thường. Nhưng nếu đường máu thử lần đầu thấp, dưới 8 mmol/l (hay gặp ở các bệnh nhân nôn nhiều, ăn kém...) thì nên giảm liều insulin hoặc cho ăn nhiều hơn, tích cực hơn.
Nếu bạn đang điều trị bằng các thuốc uống, có thể tiếp tục uống các thuốc hạ đường máu nhóm sulphonylurea như Diamicron, Predian, Amaryl, Chlopropamide... nhưng vẫn cần thử đường máu thường xuyên để điều chỉnh liều. Với các thuốc uống nhóm Biguanide như Metformin, Glucophage... thì nên tạm dừng, nhất là khi bị đầy bụng, nôn nhiều, mất nước nặng, có thể làm bệnh nhân mệt nhiều hơn. Trường hợp bệnh nhân bị nôn nhiều, sốt cao, tiêu chảy nhiều gây mất nước nặng, tốt nhất là tạm ngừng tất cả các thuốc điều trị tiểu đường loại uống.
Với thuốc hạ huyết áp, quyết định tiếp tục hay tạm ngừng điều trị dựa vào mức huyết áp đo ngay lúc đó, tình trạng mất nước, sốt... Các thuốc điều trị rối loạn mỡ máu (như Zocor, Lipitor, Lipanthyl) và aspirin có thể tạm ngừng một vài ngày cho đến khi bệnh thuyên giảm. Với các thuốc khác (như thuốc bổ, thuốc điều trị biến chứng thần kinh) cũng nên tạm ngừng.
Hãy liên lạc ngay với bác sĩ điều trị hoặc chuyên gia giáo dục về bệnh tiểu đường để xin ý kiến nếu:
- Bạn không biết làm gì hoặc quá lo lắng.
- Đường máu liên tục cao trên 15 mmol/l hoặc thử lần đầu thấy đường máu cao trên 22 mmol/l.
- Bị bệnh nhiễm khuẩn không rõ nguyên nhân.
- Bị nôn, khát nhiều, tiểu nhiều, tiêu chảy, mệt nhiều.
- Có các dấu hiệu đặc biệt như đau ngực, sốt cao...
Nếu không liên lạc được với bác sĩ, hãy đề nghị người nhà đưa ngay đến phòng cấp cứu của bệnh viện gần nhất.
ThS Nguyễn Quang Bảy, Sức Khoẻ & Đời Sống