Khi bị tiểu đường cần chú ý bảo vệ đôi bàn chân
Vì mất cảm giác ở bàn chân, người bệnh không biết là mình bị thương khi đạp chân lên gai, mảnh chai hoặc vật sắc nhọn… Vết thương không được chăm sóc sẽ ngày càng nặng lên. Có người chỉ biết mình bị loét chân khi mủ từ vết thương chảy ra giày dép.
Biến chứng này rất khó điều trị vì các nhiễm trùng ở chân bệnh nhân tiểu đường thường do 3-4 loại vi trùng gây ra. Những thuốc kháng sinh thông thường ít có tác dụng đối với chúng. Có người đã phải tháo cả bàn chân vì nguyên nhân này.
Chân mất cảm giác vì các dây thần kinh ở đây bị tổn thương. Biểu hiện khởi đầu là cảm giác tê rần, giống như bị châm chích. Đôi khi người bệnh thấy quá nóng hoặc quá lạnh ở bộ phận này, giảm hoặc mất cảm giác đau, cảm giác nhiệt…
Chăm sóc bàn chân
- Luôn mang giày: Để tránh giẫm phải vật nhọn, bệnh nhân phải mang giày có đế vững vàng và độ đàn hồi tốt. Nên mang giày vừa chân, tránh bó hẹp, cần thay giày sau khi mang liên tục 4-5 giờ. Không nên đi xăng đan, guốc hay dép.
- Khi mang giày phải có tất: Điều này giúp tạo thêm một lớp đệm giữa giày và các mấu xương gồ lên của bàn chân, tránh sây sát tạo ra vết thương gây nhiễm trùng. Nên dùng loại tất được làm từ sợi vải (cotton) hay sợi len (wool). Cần thay đổi tất thường xuyên nếu bàn chân ra mồ hôi nhiều.
- Luôn giữ vùng da bàn chân sạch sẽ: Rửa chân bằng nước ấm và xà phòng hằng ngày để tránh nhiễm trùng. Không được ngâm chân trong nước vì việc này sẽ làm cho da mềm và bở, dễ bị trầy xước. Nếu bị khô nẻ ở chân (biểu hiện thường gặp của người bệnh tiểu đường), cần bôi thuốc giữ ẩm vì đây là nguy cơ gây nhiễm trùng nghiêm trọng.
- Quan tâm đến các vết chai: Những vết này dễ tạo ra những bóng nước (nốt phồng) ở bên cạnh, khi vỡ sẽ gây nhiễm trùng. Để khắc phục, nên mang giày vừa chân, cắt tỉa vết chai thường xuyên để ngăn ngừa bóng nước và nứt nẻ, đồng thời chăm sóc cẩn thận khi xuất hiện bóng nước.
- Chăm sóc chu đáo các vết loét: Khi đã có vết loét, bệnh nhân phải được thầy thuốc chăm sóc và theo dõi chặt chẽ. Cần kết hợp giữa điều trị nhiễm trùng và phẫu thuật kịp thời đối với các vết loét có nguy cơ gây hoại tử, viêm tủy xương…
Lưu ý: Hầu hết các vết loét chân ở bệnh nhân tiểu đường xuất hiện bởi áp lực của trọng lượng cơ thể lên bàn chân, làm cho vùng da chân bị nứt nẻ… mà người bệnh không hề hay biết. Vì vậy, để vết thương mau lành và tránh gây thêm vết thương mới, cần loại trừ áp lực trên chân. Người bệnh nên dùng nạng hay xe lăn khi di chuyển.
BS Lê Thiện Anh Tuấn, SGGP